Điểm sàn 12, tuyển cả thí sinh dưới trung bình, đại học dạy kiểu gì?

Điểm sàn 12, tuyển cả thí sinh dưới trung bình, đại học dạy kiểu gì?
HHT - Việc nhiều trường lấy điểm sàn 12 đặt ra vấn đề xung quanh câu chuyện giới hạn quyền tự chủ và lo ngại về chất lượng đào tạo, khi đầu vào rộng cửa, đầu ra lại chưa chặt.

Trong đợt tuyển sinh đại học 2019, nhiều đại học xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ở mức 12 điểm, tính cả điểm ưu tiên. Như vậy, mỗi môn 4 điểm, thậm chí thấp hơn, thí sinh có thể nộp hồ sơ vào đại học.

Điều này khiến nhiều người lo ngại khi các trường mở cửa quá rộng ở khâu đầu vào. Trong khi đó, những người khác cho rằng trường có quyền tự chủ, được phép tuyển sinh trong giới hạn chỉ tiêu mà Bộ GD&ĐT đã phê duyệt.

Trường có “vơ bèo vạt tép”?

Từ năm 2018, Bộ GD&ĐT không quy định điểm sàn chung cho cả nước mà giao các trường tự xác định. Năm nay, quy định này vẫn được áp dụng, trừ khối ngành sư phạm và sức khỏe.

Như vậy, việc đặt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào bao nhiêu là quyền của các trường, hoàn toàn đúng quy chế và đúng với tinh thần tự chủ. Đây cũng là căn cứ của nhóm những người ủng hộ việc giao quyền chủ động đầu vào cho các trường, từ điểm sàn đến điểm chuẩn.

Điểm sàn 12, tuyển cả thí sinh dưới trung bình, đại học dạy kiểu gì? ảnh 1
Nhiều ngành của ĐH Nội vụ đào tạo tại phân hiệu Quảng Nam và TP.HCM chỉ lấy điểm sàn 12.

Với mức sàn công bố chỉ 12 điểm cho 3 môn thi (kể cả điểm ưu tiên) của không ít đại học, nhiều người cho rằng trường đang thiếu nguồn tuyển nên phải "vơ bèo vạt tép", dù theo luật, họ có quyền tự quyết định.

Trao đổi với Báo, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - lại có quan điểm ngược lại. Ông cho rằng sau khi xác định chỉ tiêu, trường có quyền chọn thí sinh. Việc chọn ai, cơ sở nào để chọn, chỉ là khâu ban đầu.

Hơn nữa, điểm thi chỉ là một cơ sở để trường lựa chọn, không thể đánh giá 12 điểm là thấp. Ông giải thích trong 12 điểm đó, có thể thí sinh đạt 8 điểm Toán và chọn theo ngành này.

Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định dựa trên nhu cầu xã hội và điều kiện của trường. Nếu tuyển không đủ, để thừa chỗ cũng là lãng phí và không nên tước cơ hội học đại học của thí sinh.

“Dùng chữ “vơ bèo vạt tép” là không đúng. Trường lấy vào, nếu có trách nhiệm, trường sẽ đào tạo tốt”, ông Nhĩ nói.

TS Đàm Quang Minh, Tổ chức Giáo dục Mỹ (IAE), cũng ủng hộ việc để các trường chủ động đầu vào. Theo ông, việc chỉ quan tâm đầu vào mới thực sự hạn chế, chứng tỏ năng lực đào tạo của đại học kém.

Trên thực tế, các trường cao đẳng cộng đồng ở Mỹ mở cửa thoải mái cho những người có nhu cầu học tập. Tuyển sinh ở đại học Đức cũng không dựa vào điểm số. Vấn đề chính vẫn ở khâu đào tạo và kiểm soát đầu ra.

Tự chủ trong khuôn khổ

Tuy nhiên, dù đây là quyền tự chủ của các trường, không ít người vẫn lo ngại chất lượng sinh viên khi tuyển sinh đầu vào quá “rộng cửa”.

Họ hiểu 12 chỉ là điểm sàn nhưng vẫn thấy lo lắng cho chất lượng đào tạo đại học. Những người này cho rằng với các trường hạ điểm sàn xuống mức 12, không có gì đảm bảo điểm chuẩn sẽ ở mức đạt trung bình, tức 15 điểm/3 môn.

Điểm sàn 12, tuyển cả thí sinh dưới trung bình, đại học dạy kiểu gì? ảnh 2
Mức điểm sàn dưới trung bình khiến nhiều người lo ngại về tự chủ đại học và chất lượng đào tạo. Ảnh minh họa: Việt Hùng.

Độc giả Tiến Nguyễn đặt vấn đề theo cách thi tốt nghiệp trước đây, 3 môn thi phải đạt 15 điểm mới đỗ tốt nghiệp thì hiện nay rớt tốt nghiệp THPT cũng đỗ được đại học (tính về điểm số). Đây cũng là mối băn khoăn của nhiều người trước mức điểm sàn 12.

“Tuyển sinh đại học kiểu gì mà lấy cả những em chưa đủ điểm đậu tốt nghiệp THPT như thế này! Lấy đâu ra chất lượng? Thật tai họa!”, tài khoản Hai Buingoc trăn trở.

Theo họ, 5 điểm là mức trung bình. Ở dưới mức này, họ không biết trường sẽ đào tạo kiểu gì để đảm bảo chất lượng đầu ra. Do đó, không khó hiểu khi những thí sinh vào đại học với 12, 13 điểm không thể tìm việc làm sau tốt nghiệp.

Vì thế, theo "dòng" ý kiến này, trường có quyền tự chủ nhưng phải gắn với minh bạch và trách nhiệm giải trình. Việc tự chủ "nằm trong khuôn khổ" để những sinh viên trúng tuyển phải đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Sau khi các trường công bố điểm sàn, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT - cũng rất băn khoăn. Trên trang cá nhân, ông viết: “Trường đại học lấy điểm sàn 12 là muốn sống hấp hối trong ngắn hạn, nhưng sẽ tự chết trong dài hạn. Uy tín và sự nổi tiếng tìm thấy ở đâu?”.

Trao đổi với Báo, ông Vinh khẳng định đây là quyền tự chủ của các trường. Tuy nhiên, ông cho rằng hạ điểm sàn quá thấp tức là chính các trường đang hạ thấp uy tín của mình, vì "của rẻ mấy khi là của ngon".

Theo ông, trong bối cảnh điểm thi THPT quốc gia 2019 cao hơn so với năm 2018, nhiều trường, thường các đại học ở tỉnh với nguồn tuyển hạn hẹp, vẫn duy trì mức sàn thấp với mục đích tận dụng nguồn tuyển.

"Đây cũng là dấu hỏi với chất lượng đào tạo của các trường này. Chất lượng đầu vào thấp đòi hỏi phải có nhiều biện pháp để nâng chất lượng đầu ra. Liệu các trường này có làm được không?", ông Vinh đặt câu hỏi.

Mở đầu vào phải song song siết đầu ra

Quá trình đào tạo, chất lượng đầu ra cũng là băn khoăn của nhiều người, kể cả những ý kiến ủng hộ trao quyền chủ động tuyển sinh cho trường. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh tuyển sinh chỉ là khâu ban đầu. Quan trọng là trường làm gì với “nguyên liệu” đó để đảm bảo đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng.

Ông cũng đánh giá việc tự chủ trong chất lượng của nhiều trường chưa đồng bộ. Họ mở rộng đầu vào nhưng chưa chú trọng kiểm định và công tác siết đầu ra còn lỏng lẻo.

Nguyên Thứ trưởng GD&ĐT ủng hộ việc tăng cường rà soát sinh viên trong quá trình đào tạo. Ông đề xuất các trường có thêm bài kiểm tra đầu năm để xác định thí sinh có thực sự đủ năng lực theo học.

“Nếu nhân văn hơn, trường có thể xếp lớp dạy thêm cho những em không đủ trình độ rồi kiểm tra lại và loại sinh viên yếu kém”, ông Nhĩ nói.

Ngoài ra, trường tiếp tục sàng lọc trong thời gian sinh viên học ở đây. Như vậy, những em có cơ hội học đại học nhưng không cố gắng phấn đấu sẽ bị loại.

Ông tin tưởng điểm đầu vào chỉ là một căn cứ để trường tuyển sinh. Điểm vào thấp, nếu biết phấn đấu, sinh viên vẫn học được và đảm bảo kiến thức, năng lực khi ra trường. Để làm được điều đó, các trường bắt buộc phải thực hiện nghiêm túc kiểm định chất lượng và siết đầu ra.

“Đây là trách nhiệm của người làm giáo dục. Lãnh đạo trường cần có trách nhiệm với giáo dục, công tác đào tạo nguồn nhân lực. Nếu thực sự có trách nhiệm họ có nhiều biện pháp để đảm bảo chất lượng. Việc chỉ tuyển sinh, đào tạo vì đồng tiền là không tốt”, ông khẳng định.

Theo ZING NEWS
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

HHT - Bình thường vẫn nóng và khô theo kiểu sa mạc, thậm chí vài hôm trước vẫn rất nóng bức, nhưng rồi thành phố Dubai (UAE) bất ngờ có mưa to. Mưa nhiều đến mức lượng mưa trong một ngày bằng tổng lượng mưa ở đây trong 2 năm, gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân vốn không quen với mưa thế này.
Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

HHT - Nắng nóng tiếp tục diễn ra gay gắt tại nhiều nơi trên cả nước, trong đó có các tỉnh Tây Bắc Bộ. Tại Yên Châu (Sơn La), mức nhiệt đo được lúc 13h lên đến 41,7 độ C. Trong khi đó, Đông Bắc Bộ có nền nhiệt duy trì ngưỡng cao nhất khoảng 29-32 độ C. Vì sao lại có sự khác biệt rõ rệt này?