Cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên Ngữ văn trường THPT Quỳnh Lưu 4 (Quỳnh Lưu, Nghệ An) phân tích những lý do khiến điểm liệt môn Ngữ văn năm nay nhiều.
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, cả nước có 867.930 thí sinh dự thi môn Ngữ văn. Theo phổ điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, có 1.265 em bị điểm liệt, gấp 1,6 lần năm 2018 (với 783 bài), gấp 2,5 lần năm 2017 (510 bài) và xấp xỉ năm 2016 (1.285 bài). Nếu cả nước có 3.147 thí sinh bị điểm liệt từ 1 trở xuống ở tất cả 9 môn thì riêng Ngữ văn đã chiếm 40%.
Những con số này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi vì sao, phải chăng chất lượng dạy học môn Ngữ văn ở trường phổ thông đang đi xuống?
Là giáo viên dạy Ngữ văn ở trường phổ thông, từng tham gia chấm thi THPT quốc gia nhiều năm, tôi cho rằng con số 1.265 điểm liệt môn Ngữ văn năm nay đáng buồn song không hề bất ngờ, càng không phải vô lý. Nó phản ánh đúng tình hình dạy học nói chung, dạy học Ngữ văn nói riêng ở trường phổ thông hiện nay.
Trước hết, phải nói rằng 1.265 điểm liệt ấy được khai sinh từ chất lượng đầu vào quá thấp của nhiều trường phổ thông. Bên cạnh những trường top đầu luôn có điểm đầu vào cao thì cũng có rất nhiều trường chỉ hy vọng tuyển đủ học sinh. Năm học 2018-2019, ở Nghệ An, trong khi điểm chuẩn vào lớp 10 của trường THPT Huỳnh Thúc Kháng là 38,6 thì điểm chuẩn của THPT Nam Yên Thành chỉ 8,3, THPT Thanh Chương 3 là 7,7 và THPT Tương Dương 1 là 4,6.
Người xưa có câu "có bột mới gột nên hồ", với những học sinh thi đầu vào chỉ 1-3 điểm một môn, nếu ba năm ở trường THPT không có sự nỗ lực vượt bậc thì việc dính điểm liệt ở một môn thi là hoàn toàn dễ hiểu.
Một thực tế hiện nay là học sinh học lệch. Do tác động của xã hội, vấn đề việc làm, lương bổng, học sinh và phụ huynh có xu hướng chuộng môn tự nhiên hơn, xem nhẹ môn xã hội. Những em chọn thi khoa học tự nhiên thường tập trung cho các môn thuộc khối của mình và không để ý đến môn xã hội, trong đó có Ngữ văn. Có em còn cho rằng thi Ngữ văn rất dễ, không cần phải học, phải ôn, khi vào phòng thi chỉ cần "chém" cũng đủ điểm tốt nghiệp. Tâm lý chủ quan trong học tập khiến nhiều em trở tay không kịp.
Ở các trường phổ thông, không khó để bắt gặp những học sinh đến lớp với lối học đối phó, thụ động, chây lười, ỷ lại, hổng kiến thức cơ bản, càng lên lớp trên, lỗ hổng ấy càng lớn. Điều các em quan tâm không còn là học hành thi cử mà là các trò chơi, mạng xã hội và thế giới sôi động ngoài trang sách. Thế nhưng, do sự trói buộc của chỉ tiêu thi đua, rất ít em phải ở lại lớp.
Hết lớp 12, kiến thức, kỹ năng của các em gần như là con số không. Nhiều thí sinh bước vào kỳ thi với tâm lý phó mặc, được chăng hay chớ. Điểm liệt là kết quả tất yếu của một quá trình ngồi nhầm lớp liên tục từ THCS đến THPT. Đây là nguyên nhân cơ bản nhất khiến số điểm liệt môn Ngữ văn tăng đột biến.
Tất nhiên, các em hổng kiến thức ở nhiều môn, thậm chí có em "hổng toàn diện" chứ không riêng gì Ngữ văn. Chỉ là với các môn thi trắc nghiệm, các em có thể hoàn thành bài thi với lượng kiến thức ít ỏi, thậm chí "không cần đọc đề". Vì thế, đã có ý kiến đề xuất phải nâng mức điểm liệt ở môn trắc nghiệm lên 2. Còn với bài thi tự luận, các em phải tự mình làm bài và không thể trông chờ vào may rủi.
Cũng cần phải thừa nhận rằng chương trình Ngữ văn THPT hiện nay vẫn còn nặng kiến thức hàn lâm, chưa gắn với thực tiễn đời sống. Phương pháp dạy học của đa phần giáo viên còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Khâu kiểm tra, đánh giá chưa có nhiều đột phá, đề thi thiên về kiểm tra kiến thức, trí nhớ, tái hiện, chưa khuyến khích được sự vận dụng kiến thức một cách sáng tạo. Điều này khiến môn Ngữ văn không hấp dẫn với học sinh.
Trong tương lai, theo lộ trình đổi mới của ngành giáo dục, tôi tin rằng các vấn đề bất cập trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ dần dần được tháo gỡ. Với Ngữ văn, nếu đề thi kết hợp cả hai phần trắc nghiệm và tự luận thì việc đánh giá chất lượng thí sinh sẽ chính xác hơn, hạn chế được yếu tố chủ quan trong quá trình chấm thi.
Tuy nhiên, trước mắt để con số điểm liệt môn Ngữ văn năm 2020 không còn gây chấn động dư luận, mỗi "thí sinh tương lai" cần xác định rõ mục tiêu của mình, chủ động, tích cực hơn trong học tập. Thầy cô giáo cũng cần cố gắng từng bước đổi mới phương pháp dạy học, đưa môn Ngữ văn đến gần hơn với thực tiễn đời sống, tạo hứng thú học tập cho học sinh.