Điện ảnh Hoa ngữ - Khi thị trường tỉ dân sẵn sàng "cân" cả thế giới

Điện ảnh Hoa ngữ - Khi thị trường tỉ dân sẵn sàng "cân" cả thế giới
HHT - Nhắc đến “đế chế điện ảnh”, nhiều người đều nghĩ đến Hollywood. Tuy nhiên, những con số thống kê từ ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc sẽ khiến bạn bất ngờ.

Khi thị trường tỷ dân sẵn sàng “cân” cả thế giới

Theo số liệu nửa đầu năm 2017 của Trending in China, với 221 phim được phát hành trên thị trường, phòng vé Trung Quốc “cá kiếm” được hơn 4 tỷ USD (gần 91 nghìn tỷ VNĐ) trong đó phim có 169 phim nội địa, thu về 1,55 tỷ USD (hơn 35 nghìn tỷ VNĐ); 52 phim nước ngoài, thu về 2,49 tỷ USD (hơn 56 nghìn tỷ VNĐ). Doanh thu từ các suất chiếu 3D chiếm đến 59% tổng doang thu phòng vé, do nhiều bộ phim không hề có định dạng 2D tại Trung Quốc. Những thành phố có phòng vé đạt doanh thu cao nhất là Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải và xếp thứ 5 mới là thủ đô Bắc Kinh. Cần phải nói thêm, giá vé xem phim trung bình tại Trung Quốc là xấp xỉ 150K, thuộc hàng đắt nhất thế giới.

Điện ảnh Hoa ngữ - Khi thị trường tỉ dân sẵn sàng "cân" cả thế giới ảnh 1

Doanh thu tại phòng vé Trung Quốc có thể chưa chiếm áp đảo, nhưng vẫn thừa sức “cứu sống” nhiều thương hiệu phim. Trong Top 10 phim có doanh thu cao nhất nửa đầu năm 2017, gần một nửa được nâng đỡ nhờ thị trường Trung Quốc. xXx: Return of Xander Cage bị nhiều nhà phê bình đánh giá thấp, thu chưa đầy 50 triệu USD (hơn 1000 tỷ VNĐ) tại Bắc Mỹ, nhưng vẫn lọt vào Top phim ăn khách nhờ thị trường Trung Quốc đóng góp tới hơn 164 triệu USD (gần 3700 tỷ VNĐ). Doanh thu của Pirates of the Caribbean: Salazar’s Revenge tại Trung Quốc cũng cao hơn Mỹ 10 triệu USD (gần 228 tỷ VNĐ). Cũng nhờ quốc gia đông dân nhất thế giới, Kong: Skull Island thoát khỏi tình cảnh “lỗ sấp mặt”. Là thương hiệu bom tấn được yêu thích tại Trung Quốc, The Fate of the Furious (Fast & Furious 8) dễ dàng thu về hơn 400 triệu USD (gần 9100 tỷ VNĐ) từ riêng thị trường này.

Hiện tại, theo thống kê, Trung Quốc có đến 45.000 phòng chiếu, hơn Mỹ đến gần 5.000 phòng và vẫn đang tiếp tục mở rộng. Theo một báo cáo từ cuối năm 2016 của công ty dịch vụ kế toán Deloitte, doanh thu của ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc sẽ đạt 30 tỷ USD (gần 682 nghìn tỷ VNĐ) vào năm 2020. Cả doanh thu phòng vé lẫn số lượng khán giả ra rạp sẽ vượt khu vực Bắc Mỹ, trở thành thị trường phim lớn nhất thế giới.

Điện ảnh Hoa ngữ - Khi thị trường tỉ dân sẵn sàng "cân" cả thế giới ảnh 2

Giải mã sức mạnh của phòng vé xứ Trung

Trung Quốc có các chính sách bảo hộ điện ảnh cùng các quy định kiểm duyệt khắt khe để giữ lượng phim nội địa luôn đạt trên 70% so với “bom tấn” nước ngoài. Cụ thể, chính sách này “ép” những bộ phim Hollywood ở Trung Quốc chiếu muộn hơn so với ngày công chiếu toàn cầu đến vài tháng, cấm chiếu một số phim với lý do không phù hợp thuần phong mỹ tục, chính trị, giới hạn số lượng phim nước ngoài ra rạp hàng năm... Điều này khiến một bộ phận lớn công chúng không thể đợi đến ngày phim ra rạp mà xem trước ở nhà qua những bản phim lậu được “tuồn” lên mạng.

Thế nhưng, doanh thu phòng vé lại không bị ảnh hưởng quá nhiều nhờ sự cuồng nhiệt của khán giả Trung cuồng nhiệt với các “bom tấn” Mỹ. Fast and Furious 6 công chiếu tại Trung Quốc chậm hơn Mỹ đến 2 tháng nhưng vẫn đạt 66 triệu USD (hơn 1400 tỷ đồng), góp gần 10% vào doanh thu toàn cầu. Hiện tại, Dunkirk, War for the Planet of the Apes 3, Spider-Man: Homecoming… vẫn đang xếp hàng để chờ ra rạp vào... tháng 9, nhưng chắc chắn vẫn sẽ đạt thành tích ấn tượng.

Bên cạnh đó, phim nội địa Trung Quốc cũng là một sự thú vị khác. Khán giả Trung khó tính, khắt khe với phim nội địa hơn nhiều lần phim quốc tế. Nhiều tác phẩm nội địa bị vùi dập tơi tả, chê không tiếc lời, chấm điểm cực thấp trên diễn đàn. Mới đây nhất là trường hợp của Tam Sinh Tam Thế Thập Lý Đào Hoa chỉ được chấm 4,2/10 với hàng loạt lời chê bai. Ngay cả những bộ phim có doanh thu kỉ lục như Monster Hunt, The Mermaid cũng chỉ được chấm chưa đến 7 điểm. Nhưng các nhà sản xuất không e sợ dư luận. Điển hình là vẫn có nhiều bộ phim hành động, thần thoại ra rạp dù loại phim này vừa tốn kém, vừa dễ... “ăn gạch” hơn so với phim tình cảm, gia đình.

Điện ảnh Hoa ngữ - Khi thị trường tỉ dân sẵn sàng "cân" cả thế giới ảnh 3

Và cũng không thể phủ nhận rằng chất lượng phim Trung Quốc dần tốt lên từng năm với nhiều thể loại phong phú, đa dạng hơn trước. Chiến Lang 2 - “siêu phẩm” đình đám thời gian gần đây là một ví dụ. Ban đầu, bộ phim vốn không được ngóng đợi nhiều, chỉ được “rót vốn” 10 triệu NDT (hơn 23 tỷ VNĐ). Nhưng sau đó, đội ngũ sản xuất đã đàm phán để nâng kinh phí phim lên đến 200 triệu NDT (hơn 465 tỷ VNĐ) với sự tham gia của hơn 1000 diễn viên quần chúng. Hiện tại, phim hiện đã đạt 700 triệu USD (gần 16 nghìn tỷ), là tác phẩm điện ảnh có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Trung Quốc. 

Nếu như ở các thị trường khác, khán giả ra rạp chỉ để xem bộ phim mà mình yêu thích thì ở Trung Quốc, khán giả, chính xác hơn là các cộng đồng fan sẵn sàng “bao” nhiều cụm rạp để thưởng thức phim của thần tượng mình, kể cả khi diễn viên đó chỉ xuất hiện có vài phút. Fan Vương Tuấn Khải (TFBoys) từng bao 526 rạp để tiếp ứng cho bộ phim The Great Wall. Đây là cách họ để ủng hộ thần tượng, thể hiện vị thế so với các fandom khác. Họ là những người đóng góp không nhỏ vào doanh thu của một bộ phim. Cùng với đó, các “bom tấn điện ảnh” công chiếu tại đây luôn được quảng bá cực lớn với vô số chiêu trò đi kèm để hút người xem.

Vẫn là bài toán doanh thu hay chất lượng

Kể cả khi nền công nghiệp điện ảnh Trung Quốc đứng đầu thế giới, đó cũng không phải kiểu thống trị như Hollywood đang làm. Những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa là rào cản lớn mà thị trường này không thể vượt qua. Nhưng họ sẽ phát triển bằng những cách đặc biệt khác. Đó là liên kết, mở rộng tầm ảnh hưởng ra nước ngoài. Gần đây, bạn có thể dễ dàng thấy những các tên Trung Quốc như Baidu, Alibaba, Tencent... xuất hiện trong phần giới thiệu các bộ phim bom tấn.

Điện ảnh Hoa ngữ - Khi thị trường tỉ dân sẵn sàng "cân" cả thế giới ảnh 4

Càng ngày, sẽ càng có nhiều bộ phim nước ngoài có diễn viên Trung Quốc, lấy bối cảnh Trung Quốc hoặc ngược lại. Mới đây, Ngô Diệc Phàm được quảng bá như một diễn viên chính trong Valerian and the City of a Thousand Planets với mục đích thu hút fan hâm mộ đông đảo của anh chàng. Thậm chí, các nhà sản xuất sẵn sàng làm riêng một phiên bản cho thị trường tỷ dân để phù hợp với văn hóa và thị hiếu quốc gia, như trường hợp của Iron Man 3, X-Men: Days of Future Past, Men in Black 3… Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đẩy mạnh các hoạt động ngoài phòng vé, như bán DVD, đồ lưu niệm, sản phẩm ăn theo...    

Bạn đừng ngạc nhiên nếu các thành viên của đội Avengers dùng hãng điện thoại Trung Quốc (trong Captain America: Civil War) hay các người hùng uống sữa made in China (trong Transformers: Age of Extinction). Hàng chục tựa tiểu thuyết, game, truyện tranh, hoạt hình được nhượng quyền dựng phim điện ảnh người đóng hàng năm. Đó là những hợp tác đôi bên cùng có lợi, giúp nhà sản xuất không bao giờ lỗ trong cuộc đua phòng vé.

Tuy nhiên, vị thế của Trung Quốc trên bản đồ điện ảnh tăng trưởng cũng kèm theo nhiều vấn đề. Khán giả cả nội địa cả quốc tế đều ngán ngẩm trước một số vai “bình hoa di động”, thêm vào cho có của diễn viên Trung Quốc trong phim Hollywood, như trường hợp của Cảnh Điềm trong Kong: Skull Island. Bom tấn nước ngoài cũng không thể trông chờ phòng vé Trung Quốc “cứu” mãi, nhất là trong hoàn cảnh đây là một thị trường thay đổi thất thường với nhiều yêu sách. Nếu dựa dẫm quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, Hollywood sẽ mất đi vị thế hàng đầu và chất riêng của mình.

TERRA

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Lovely Runner tập 4: Im Sol trở lại quá khứ, "bem đầu" người bắt nạt Ryu Sun Jae

Lovely Runner tập 4: Im Sol trở lại quá khứ, "bem đầu" người bắt nạt Ryu Sun Jae

HHT - Cuối tập 3 của "Lovely Runner" (Cõng Anh Mà Chạy), linh hồn Im Sol 34 tuổi trở về năm 2023 khi còn chưa kịp nghe lời tỏ tình của Ryu Sun Jae. Không có gì thay đổi, chân cô vẫn bị liệt, Sun Jae đã mất. Sol buộc phải tìm cách để trở lại quá khứ một lần nữa, cứu vãn hiểu lầm và rắc rối mà Im Sol 19 tuổi gây ra.