Tháng 7/2021, tại Hội trường Diên Hồng, phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Những thành tựu đạt được của Quốc hội nước ta trong 75 năm qua bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành xuất sắc trọng trách mà nhân dân giao phó. “Tất cả các vị đại biểu Quốc hội chúng ta khoá này cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”, Tổng Bí thư gửi gắm.

Hai ngày sau phiên khai mạc, tại cuộc gặp gỡ với báo chí, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ưu tiên hàng đầu của Quốc hội trong thời gian tới là không ngừng nâng cao chất lượng công tác lập pháp và kỷ luật, kỷ cương, quy trình lập pháp, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục đổi mới, phát huy tinh thần "Dân chủ, đoàn kết, trí tuệ, liêm chính và hành động, không để xảy ra tình trạng "bắc nước sôi chờ gạo người"".

Với tinh thần đổi mới phát huy dân chủ, đoàn kết, trí tuệ, liêm chính, hành động, ngay từ đầu nhiệm kỳ, công tác lập pháp được Quốc hội quan tâm đặc biệt, để không chỉ khơi thông các điểm nghẽn mà còn kiến tạo cho sự phát triển. Tính đến nay, Quốc hội khóa XV đã thông qua 16 dự án luật, 21 nghị quyết với sự thống nhất và đồng thuận rất cao. Có Nghị quyết được đánh giá là một sáng kiến lập pháp rất đặc biệt, cũng có những dự thảo luật quan trọng bậc nhất, đã và đang được xem xét, quyết định trên cơ sở cầu thị, lắng nghe ý kiến từ Nhân dân.

Đặc biệt, với tinh thần đổi mới, tránh “bắc nước chờ gạo"; cái cần thì lại không có để xem xét thông qua, cái cơ quan trình lại chưa thực sự cấp thiết, hoặc cấp thiết nhưng chuẩn bị không kỹ lưỡng mà Chủ tịch Quốc hội nêu ra từ đầu nhiệm kỳ đã được các cơ quan của Quốc hội chú ý. Sự chủ động, vào cuộc “từ sớm, từ xa” và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng của công tác xây dựng pháp luật đã được thực thi, kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Ví như với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sau nhiều lần “lỡ hẹn”, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, cuối cùng cũng đặt trên bàn nghị sự, được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4. Để chuẩn bị tốt nhất cho dự án luật, với tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, trước khi trình ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu, Chủ tịch Quốc hội đã làm việc với cơ quan soạn thảo Bộ TN&MT cùng cơ quan thẩm tra Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Sau khi chỉnh sửa, tiếp thu, Chính phủ đã tổng hợp, xin ý kiến Quốc hội về 5 nhóm vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau. Hàng trăm ý kiến tâm huyết, trí tuệ từ các đại biểu Quốc hội đã được đưa ra tại kỳ họp cuối năm này. Đặc biệt, để dự án đạt chất lượng cao nhất, ngay sau khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định xin ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai sửa đổi, nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ các tầng lớp Nhân dân.

Sau khi trình Quốc hội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì nhiều hội thảo lắng nghe ý kiến góp ý cho dự án Luật đất đai (sửa đổi)

Trong các buổi làm việc với các cơ quan, Chủ tịch Quốc hội luôn nhấn mạnh tinh thần phải cầu thị, tôn trọng mọi ý kiến góp ý, không phải chỉ tổ chức lấy ý kiến “cho có”. Đặc biệt, phải “gạn đục khơi trong”, không để bất cứ ý kiến nào của Nhân dân không được giải trình, tiếp thu và cố gắng tổng hợp đầy đủ, toàn diện. “Sốt ruột” khi việc lấy ý kiến Nhân dân "vẫn im lìm" khi thời điểm Tết Nguyên đán vừa kết thúc, lãnh đạo Quốc hội đã yêu cầu Ủy ban Kinh tế có văn bản đôn đốc việc triển khai thực hiện, nỗ lực, khẩn trương hơn nữa, quyết tâm hơn nữa và phải coi đây như một “chiến dịch không kể ngày đêm”.

Nhờ vậy, sau 2,5 tháng lấy ý kiến rộng khắp, với sự tham gia vào cuộc của mọi cấp, mọi ngành cùng các địa phương, sau ngày 15/3, đã có khoảng 11,5 triệu lượt ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, với những đề xuất rất cụ thể, đi vào cả những điều khoản chi tiết. “Chúng tôi thấy chất lượng góp ý lần này rất tốt”, Chủ tịch Quốc hội đánh giá. Tuy nhiên, lãnh đạo Quốc hội cũng lưu ý, qua rà soát sơ bộ có 112 dự án luật liên quan đến dự án Luật Đất đai, trong đó có 22 dự án luật liên quan trực tiếp. Do vậy, cần xem xét, tính toán về việc áp dụng pháp luật và tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Về phần cơ quan soạn thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tin tưởng, với cách thức thực hiện như hiện nay, với sự đồng hành từ sớm từ xa của Quốc hội, sự đồng thuận của toàn hệ thống thì “vấn đề khó mấy cũng quyết hoàn thành”. Ông cũng mong muốn, đề xuất việc lấy ý kiến Nhân dân cần được tiếp tục cho đến khi Quốc hội thông qua luật. “Việc nghiên cứu tiếp thu được tiến hành liên tục với tinh thần nghiêm túc nhất, khoa học nhất”, ông Hà khẳng định.

Năm 2021, đại dịch COVID-19 toàn cầu bước vào giai đoạn đỉnh điểm. Trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, với tinh thần đồng hành cùng Chính phủ, nỗ lực cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức từ đại dịch, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động triệu tập cuộc họp ngoài giờ, cho ý kiến về việc thực hiện các giải pháp cấp bách, đặc biệt, nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19.

Chính sách đặc biệt về tài khóa, tiền tệ với 350.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua để hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết 30 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ nhất đã thể hiện sự linh hoạt cần thiết khi đại dịch COVID-19 đang là một thách thức lớn toàn cầu. Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, Quốc hội tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trong thời gian qua, đồng thời, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách, đặc biệt.

Ngay sau khi được Quốc hội chấp thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày một phức tạp, biến chủng Delta nguy hiểm hơn, phát tán mạnh hơn vào thời điểm đó, Nghị quyết đã cho phép áp dụng một số nội dung khác với quy định của Luật để tăng hiệu quả phòng chống dịch bệnh.

Thủ tướng chủ trì các phiên họp và đi kiểm tra việc phòng chống dịch tại các địa phương

Bước sang Kỳ họp thứ 2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong thời gian giữa hai kỳ họp, các cơ quan của Quốc hội đã tập trung làm việc ngày đêm, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời ban hành nhiều Nghị quyết rất quan trọng. Qua đó, cho phép Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện nhiều nội dung khác với quy định của luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Chưa đầy hai tháng sau đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã thông qua chính sách đặc biệt về tài khóa, tiền tệ với gần 350.000 tỷ đồng, để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Những quyết sách đặc biệt, chưa có tiền lệ, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. “Nghị quyết ra đời đã đáp ứng được yêu cầu cấp bách trong công tác phòng chống dịch bệnh trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, nguy hiểm khó lường, đe dọa tính mạng và sức khỏe của người dân”, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đánh giá.

Theo đại biểu, Nghị quyết 30 không chỉ là một sáng kiến lập pháp mà còn hơn thế là một sáng kiến lập pháp rất đặc biệt, với những cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách. “Quốc hội đã chia sẻ trách nhiệm hay nói đúng hơn là trao quyền của Quốc hội cho Chính phủ. Đây là một cách làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử luật pháp Việt Nam. Chính điều này đã tạo nên sức mạnh tổng hợp”, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh.

Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

“Nghị quyết 30 đã đưa ra cái nhìn tương đối toàn diện liên quan đến các giải pháp “chưa từng có tiền lệ”, tạo cơ hội cho Chính phủ trong việc thực hiện các giải pháp về phòng, chống dịch COVID-19”, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ.

Mặc dù có nhiều đổi mới, nhưng hoạt động giám sát trước đây vẫn bị đánh giá còn nhiều hạn chế, hình thức, “cưỡi ngựa xem hoa”. Bên cạnh đó, nội dung giám sát cũng chưa đi vào “đúng”, “trúng” những vấn đề bức thiết cuộc sống mà người dân và doanh nghiệp quan tâm.

Khắc phục tình trạng trên, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoạt động giám sát của Quốc hội khóa XV liên tục được đổi mới hiệu quả, thực chất hơn, trở thành “điểm sáng” trong nhiệm kỳ này. Lựa chọn đúng và trúng vấn đề, chỉ ra những địa chỉ rõ ràng, đưa ra những đề xuất cụ thể, tạo chuyển biến trong giám sát và hậu giám sát là vấn đề luôn được lãnh đạo Quốc hội lưu ý tại các buổi làm việc.

Đơn cử, với chuyên đề giám sát tối cao về huy động các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 và y tế cơ sở, y tế dự phòng, ngay sau khi Kỳ họp bất thường lần thứ 4 kết thúc, các thành viên đoàn giám sát của Uỷ ban Xã hội đã ra sân bay, đi về các tỉnh phía Nam để tiến hành giám sát tại địa phương. “Trong quá trình giám sát ở cơ sở, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc cần sớm được khắc phục”, GS. Nguyễn Anh Trí, thành viên đoàn giám sát chia sẻ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn công tác kiểm tra tiến độ thực hiện các nghị quyết của Quốc hội tại dự án Đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1)

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trần Quang Phương, Nguyễn Đức Hải, Trưởng đoàn giám sát 4 chuyên đề đã có nhiều buổi làm việc, khảo sát tại cơ sở.

Vì sao cán bộ ngành y có tâm lý không muốn làm việc tại y tế cơ sở? Sau sáp nhập, y tế cơ sở ra sao? Những rào cản, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế đang gặp phải là gì?... Hàng loạt những bất cập phát sinh trong thực tiễn được đoàn giám sát “bắt bệnh” để từ đó đưa ra những giải pháp “điều trị” hiệu quả.

“Hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn lực từ ngân sách nhà nước; các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết bị chậm được điều chỉnh dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai và xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh, Phó trưởng đoàn giám sát báo cáo bước đầu với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp cho ý kiến về chuyên đề này.

Để khắc phục bất cập từ thực tiễn, đoàn giám sát đưa ra 6 bài học kinh nghiệm với 27 bài học cụ thể cùng với đề xuất 2 nhóm giải pháp. Trong đó kiến nghị cho phép được thanh toán, quyết toán một số chi phí, xác lập tài sản sở hữu toàn dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chuyên đề giám sát tối cao này sẽ được báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Một trong những hoạt động giám sát nhận được sự quan tâm lớn của cử tri, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Sốt ruột với dự án bỏ hoang, tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã chỉ rõ địa chỉ cụ thể và “mời” đoàn giám sát đến tận nơi. “Có những khu đô thị 10 năm rồi mà chỉ có một căn nhà, còn lại toàn cỏ mọc, không chuyển biến gì. Không ở đâu xa, ngay Mê Linh (Hà Nội) thôi, nếu đoàn giám sát muốn có thể tới xem”, bà Nga chỉ rõ.

Ngay sau khi bị “gọi tên”, chính quyền huyện Mê Linh vào cuộc rà soát, kiểm tra 64 dự án trên địa bàn, trong đó có 49 dự án đô thị, nhà ở cùng 15 dự án sản xuất, kinh doanh và bệnh viện. Đây đều là các dự án được hình thành từ trước thời điểm huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội và chậm triển khai từ trên 10 năm nay. Sau đó, huyện Mê Linh đã đề xuất thành phố Hà Nội thu hồi, chấm dứt 14 dự án, với tổng diện tích gần 920 ha chưa giải phóng mặt bằng từ trước năm 2008.

Trên cơ sở những địa chỉ cụ thể được đại biểu Quốc hội và đoàn giám sát nêu ra, Nghị quyết của Quốc hội được thông qua, yêu cầu đưa ra lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm liên quan đến 51 dự án, cụm dự án không hiệu quả, lãng phí cũng như 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí…

Để cụ thể hoá triển khai thi hành Nghị quyết của Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị quyết của Chính phủ. Nghị quyết này yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc chấn chỉnh và khẩn trương có giải pháp đồng bộ để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được đoàn giám sát chỉ ra. Đồng thời cá thể hoá trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đoàn giám sát chỉ rõ nhiều ‘dự án treo’, dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư. Những vấn đề nóng trong công tác đăng kiểm cũng được đặt lên bàn nghị sự.

Một trong những điểm mới trong hoạt động giám sát nhiệm kỳ này là công tác dân nguyện đã trở thành chương trình nghị sự hàng tháng của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thay vì chỉ báo cáo tại kỳ họp Quốc hội cuối năm như trước đây. Qua đó, hàng loạt những vấn đề nóng, có tính thời sự và các vụ việc cụ thể mà nhân dân, cử tri, doanh nghiệp quan tâm được đặt lên bàn nghị sự.

Đó có thể kể ra như: Tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện liên hệ trực tiếp phụ huynh báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn đang được nhập viện cấp cứu để chiếm đoạt tài sản; hay tình trạng đòi nợ thuê núp bóng Công ty Luật, Công ty mua bán nợ… khủng bố tinh thần người vay tiền, thậm chí cả người thân của người vay tiền gây bức xúc, hoang mang trong dư luận và Nhân dân, tác động lớn đến trật tự, an toàn xã hội…

Cùng với đó, tình trạng ùn ứ tiếp diễn tại các Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông gây ảnh hưởng không nhỏ đối với người dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mặc dù đã được lực lượng đăng kiểm của ngành công an, quân đội hỗ trợ nhưng số lượng phương tiện cần đăng kiểm vẫn còn khá lớn. Ban Dân nguyện đề nghị cần tiếp tục có giải pháp đồng bộ hơn, hữu hiệu hơn nhằm khắc phục, ngăn chặn sai phạm có thể xảy ra trong thời gian tới.

Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV

Đặc biệt, có những vấn đề rất mới, mang tính chuyên sâu, khoa học công nghệ của thế giới và trong nước cũng được Ban Dân nguyện nêu ra. Cụ thể như là sự xuất hiện của phần mềm trí tuệ nhân tạo ChatGPT kết hợp thông tin đa chiều, hữu dụng nhưng tính bảo mật không cao, dễ đánh cắp thông tin, dữ liệu.

Không chỉ đặt lên bàn nghị sự những vấn đề nóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn mời lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan trực tiếp đến tham dự và giải trình những vấn đề mà báo cáo Dân nguyện nêu ra. Như trong phiên họp mới đây, liên quan đến việc mua, bán điện gió ở một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc, gây lãng phí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trực tiếp mời đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan báo cáo, làm rõ.

Cạnh đó, hoạt động chất vấn, giải trình luôn trở thành nội dung tâm điểm, thu hút sự quan tâm của cử tri và Nhân dân. “Hỏi nhanh, đáp gọn” tại mỗi phiên chất vấn tiếp tục được duy trì. Qua đó, phiên chất vấn trở nên sôi nổi hơn, đi thẳng vào vấn đề hơn và có số lượt chất vấn nhiều hơn. Các lĩnh vực lựa chọn chất vấn đều là những vấn đề nóng, bức xúc nổi lên được dư luận xã hội quan tâm.

Tuy nhiên, để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho rằng, nên sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HÐND năm 2015. Trong đó, mở rộng chủ thể được chất vấn là các cơ quan, tổ chức có liên quan và chính quyền địa phương nơi trực tiếp thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.

Tại phiên họp về nội dung liên quan, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần tổ chức hội thảo nghiên cứu quy trình hướng dẫn về hoạt động giải trình trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu thêm đối tượng là Chủ tịch UBND thành phố tham gia các phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban.

Sáng 2/3/2023, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 4, trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri, cả nước, tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thực hiện nghi lễ Tuyên thệ nhậm chức: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, Tôi - Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.

Phát biểu nhậm chức sau đó, tân Chủ tịch nước đã mượn câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu để nói thay lòng mình về cam kết với Quốc hội, đồng bào, chiến sĩ, cử tri cả nước trong hành trình sắp tới:

“Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi

Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu;

Tôi sống với cuộc đời chiến đấu

Của triệu người yêu dấu gian lao”.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Trong hành trình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thời gian tới, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, sẽ không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức phấn đấu vì Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, cổ vũ cho tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc; trân trọng và ủng hộ khát vọng vươn lên của mỗi người dân, tạo môi trường để mọi người, nhất là thế hệ trẻ được tiếp cận công bằng, minh bạch với những cơ hội phát triển và cống hiến cho đất nước.

Trước đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 3 được tổ chức vào ngày 18/1/2023, Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Theo thông cáo Kỳ họp, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có đơn gửi Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xin thôi giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV, nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Còn tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 (từ 5-9/1/2023), Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với 2 đại biểu, phê chuẩn việc miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ là ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. Đồng thời, Quốc hội cũng phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang.

Việc Quốc hội tổ chức các Kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định các vấn đề nhân sự không chỉ nhằm thực hiện theo các kết luận của Ban Chấp hành Trung ương mà cũng là thể hiện Ý ĐẢNG – LÒNG DÂN theo tinh thần “trên dưới đồng lòng/ dọc ngang thông suốt”. Bởi trước đó, tại các cuộc họp, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã họp và đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam thôi giữ các chức vụ trong Đảng. Đây cũng là minh chứng cho thấy, các quy định của Đảng về miễn nhiệm, từ chức cán bộ đang đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân.

Việc tổ chức các kỳ họp bất thường không chỉ là để xem xét, quyết định các vấn đề về công tác nhân sự, mà cao hơn hết, trên hết là để Quốc hội quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách Nhà nước…

Ví như lần tổ chức Kỳ họp bất thường thứ nhất (tháng 1/2022) diễn ra trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, với sự xuất hiện của biến chủng Delta lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 chỉ đạt 2,58%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây và thấp hơn rất nhiều mục tiêu kế hoạch. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sinh kế, đời sống của nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, lao động thiếu hụt, tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm.

Để kịp thời hỗ trợ cho chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trên cơ sở yêu cầu cấp thiết của đất nước và công tác chuẩn bị, căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách.

Quốc hội thông qua nhiều quyết sách quan trọng để phát triển đất nước

Tại Kỳ họp, Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đối phó với dịch COVID-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội. Xác định giao thông là mạch máu của nền kinh tế, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, tại Kỳ họp bất thường này, Quốc hội thông Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và một số tuyến giao thông, mở đường cho phát triển các vùng miền.

Còn trong lần tổ chức Kỳ họp bất thường thứ 2 (tháng 1/2023), Quốc hội đã xem xét, biểu quyết với sự nhất trí cao thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và 3 nghị quyết gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024…

Đây là những quyết sách quan trọng, nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra trong lĩnh vực y tế, phòng chống dịch COVID-19, mua sắm vật tư, tự chủ bệnh viện… Cùng với đó, việc thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050 được kỳ vọng sẽ chấm dứt được tình trạng chia cắt, “loạn quy hoạch”, phát triển cục bộ, mở ra không gian phát triển mới cho đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị công bố quy hoạch tổng thể quốc gia

Phát biểu tại buổi lễ công bố quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) được tổ chức mới đây (ngày 20/4/2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc QHTTQG được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 là một bước quan trọng và có thể được đúc kết lại trong 12 chữ “Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới”.

Với tư duy mới, tầm nhìn mới để tìm kiếm không gian, cơ hội phát triển mới, tạo nên những giá trị mới, Thủ tướng đề nghị các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Chính phủ, các cấp chính quyền tổ chức triển khai QHTTQG, đồng thời thực hiện vai trò giám sát tối cao của Quốc hội, vai trò phản biện, đóng góp ý kiến của các tổ chức chính trị - xã hội.

Vào thời điểm năm 2021 - 2022, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, cạnh tranh địa chính trị gay gắt, cuộc xung đột Nga – Ukraina; khủng hoảng năng lượng diễn ra ở nhiều nơi đã tạo ra những thách thức chưa từng có đến kinh tế thế giới, nhiều nước lạm phát tăng kỷ lục, rơi vào suy thoái.

Là một nước, nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam cũng bị chịu tác động nghiêm trọng. Đối với người dân, doanh nghiệp, sau 2 năm “chống chọi” với đại dịch, “sức khỏe” dần đi xuống. Có những doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động, công nhân mất việc làm… Đặc biệt, những tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu trên thế giới biến động, gây ra cuộc khủng hoảng nguồn cung lớn trên thị trường. Thời điểm chạm mốc cao nhất đối với dầu WTI là 130,5 USD/thùng, dầu Brent là 139,13 USD/thùng vào ngày 7/3/2022.

Việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu giúp giảm chi phí, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Xăng dầu là “máu” của nền kinh tế, được sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế, trong đó có những ngành phần lớn sử dụng nguyên liệu là xăng dầu như khai thác thủy sản, hoặc vận tải, khai thác than. Do đó, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là một trong những giải pháp kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu trong nước, giúp giảm chi phí đầu vào, qua đó giúp doanh nghiệp phát triển, tạo tiền đề thu ngân sách trong thời gian tới.

Trước thực trạng trên, tháng 3/2022, qua xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm từ 1.000 - 2.000 đồng thuế bảo vệ đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4/2022.

Tiếp đó, ngày 6/7/2022, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường đã xem xét, thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Chính phủ nghiên cứu để có thể có những chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bị tác động trực tiếp trong trường hợp giá xăng, dầu tiếp tục tăng cao hoặc neo ở mức cao các ngư dân đánh bắt thủy sản, nhất là đánh bắt xa bờ, giao thông vận tải, người nghèo, người thu nhập thấp. Lưu ý Chính phủ cần chủ động có những kịch bản nghiên cứu để ứng phó cho phù hợp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát lại các yếu tố cấu thành cơ cấu giá xăng, dầu theo các nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn.

Trước đó, đầu năm 2022, Quốc hội đã triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất, trong đó có nội dung quan trọng là thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách này đã có tác dụng tích cực kiềm chế lạm phát của Việt Nam trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới đang đối mặt với lạm phát cao.

Với sự tiếp sức từ các chính sách mà Quốc hội ban hành, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, năm 2022 tăng trưởng GDP đạt 8,02%, vượt xa mục tiêu đề ra (6-6,5%), cao nhất trong 10 năm qua, nâng quy mô nền kinh tế lên 409 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 3,15%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra.

Kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5%, xuất siêu 11,2 tỷ USD; an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu nông sản hơn 53,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gạo đạt hơn 7,12 triệu tấn.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong năm 2022, số tiền mà nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân thông qua việc miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí... vào khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 98,5 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng. “Trong lịch sử của ngành Tài chính chưa bao giờ số tiền giãn, giảm thuế, phí, lệ phí lớn như vậy”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ.

Không chỉ giải quyết những khó khăn, vướng mắc đang nảy sinh, hướng đến sự phát triển bền vững, Quốc hội đã thống nhất trao “chìa khoá” mở ra sự phát triển mới, hiện thực hoá tầm nhìn và khát vọng. Lần đầu tiên tại một kỳ họp có tới 5 dự án quan trọng quốc gia được xem xét quyết định chủ trương đầu tư, nâng tổng số dự án mà Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ lên 6 dự án, với tổng mức đầu tư 392.644 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây đều là những dự án giao thông trọng điểm, có ý nghĩa cấp bách, lan tỏa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các vùng và từng địa phương.

Đó là các dự án đường Vành đai 3 TP. HCM; Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và các dự án xây dựng đường bộ cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (3 dự án này đều trong giai đoạn 1).

“Việc hình thành các tuyến đường này không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị mà sẽ tạo nên sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, GS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội nhìn nhận, vào thời điểm Quốc hội chuẩn bị ấn nút thông qua.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Triệu Thị Ngọc Diễm (đoàn Sóc Trăng) nhìn nhận: “Công trình đường bộ cao tốc chính là chìa khóa quan trọng trong chiến lược giao thông mở đường đi trước nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển toàn”.

Trong khi đó, TS. Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, “đường cao tốc” và “cơ chế đặc thù” hứa hẹn sẽ tạo ra những đột phá trong cơ sở hạ tầng và trong nền kinh tế.

Khi chủ trương này được ấn nút thông qua, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh rằng: Cùng với việc cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù chưa có tiền lệ, Quốc hội cũng giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, công khai, minh bạch, tuyệt đối không được để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, trục lợi chính sách, làm lãng phí, thất thoát tiền và tài sản Nhà nước.

Để chủ trương này thực sự đi vào cuộc sống, triển khai có hiệu quả, tại Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định trình Kỳ họp thứ 5 với 4 chuyên đề để Quốc hội lựa chọn giám sát tối cao trong năm 2024.

Trong đó, chuyên đề nhận được nhiều phiếu đồng thuận nhất là việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.

Trong chuyên đề này có các dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; cùng ba dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng mà Quốc hội đã thông qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, đoàn giám sát của Uỷ ban Kinh tế cùng lãnh đạo các địa phương đi kiểm tra các dự án vừa được Quốc hội thông qua.

Chia sẻ với Báo Tiền Phong nhân dịp đầu năm mới 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, việc tổ chức các kỳ họp bất thường đã được luật định, nhưng chỉ đặt ra đối với các vấn đề thực sự cấp thiết, đột xuất, được chuẩn bị kỹ lưỡng, chín muồi và có sự đồng thuận, thống nhất cao.

Thực tế cho thấy, các kỳ họp bất thường vừa qua đã mang lại những hiệu quả thiết thực, giải quyết những yêu cầu cấp bách đặt ra trong đời sống xã hội. Điển hình, qua Kỳ họp bất thường lần thứ nhất cho thấy, những quyết sách được Quốc hội đưa ra đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế.

“Đặc biệt là quyết sách của Quốc hội đối với gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế quy mô 360 nghìn tỷ đồng, tương ứng hơn 8% GDP và việc ban hành 1 luật sửa đổi 8 luật, nhằm tạo nguồn lực và căn cứ pháp lý quan trọng để Chính phủ, các địa phương triển khai thực hiện”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Bên cạnh đó, kỳ họp bất thường cũng cho thấy quyết tâm của Quốc hội khóa XV trong việc tiếp tục kế thừa và “gạn đục, khơi trong” để tìm kiếm dư địa hoạt động mới, thực sự đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, thể hiện đúng tinh thần Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam; Quốc hội đại diện cho ý chí và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

“Việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường đã khẳng định thông điệp về một Quốc hội luôn đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của Nhân dân”, nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng khẳng định, thành công của Kỳ họp bất thường tạo ra động lực tinh thần mạnh mẽ để Quốc hội tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các quy định pháp luật, nâng cao chất lượng lập pháp, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống; qua đó, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, chung sức phục hồi, phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước cũng như quyết định các vấn đề quan trọng khác của quốc gia.

Về việc đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội trong thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, đây chính là “điểm sáng” quan trọng, có ý nghĩa then chốt trong đổi mới hoạt động của Quốc hội, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cử tri, Nhân dân và hệ thống chính trị.

Trong thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát. “Đặc biệt, lần đầu tiên việc đổi mới cách thức, triển khai các chương trình giám sát của Quốc hội đã có sự tham gia, vào cuộc của các Ban Đảng, HĐND, MTTQ Việt Nam các cấp, các chuyên gia”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ.

Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thiết lập cơ chế phối hợp với Ban Nội chính Trung ương trong tham mưu chiến lược về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Đơn cử trong năm 2022, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Kết luận số 843 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội để chỉ đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các cơ quan của Quốc hội lập kế hoạch giám sát bài bản trong thời gian tới.

Trong đó nhấn mạnh yêu cầu, sớm rà soát, tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về hoạt động giám sát, nhất là đối với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với yêu cầu kiểm soát, nâng cao chất lượng bộ máy Nhà nước và kiểm soát quyền lực trong tình hình mới, đảm bảo tính tối cao trong hoạt động giám sát của Quốc hội đối với hoạt động của bộ máy Nhà nước; tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

“Mỗi cơ quan của Quốc hội phải thực hiện tốt việc tự giám sát, mỗi đại biểu Quốc hội phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước cử tri để thực sự “mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp trong hoạt động của Quốc hội”, như chỉ đạo và kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thêm một điểm mới đặc biệt là, công tác dân nguyện trở thành chương trình nghị sự hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thay vì chỉ báo cáo công tác dân nguyện tại kỳ họp Quốc hội cuối năm như trước đây. Trên cơ sở báo cáo và thảo luận, xem xét báo cáo công tác dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thường xuyên nắm tình hình, giám sát và chỉ đạo, kiến nghị giải quyết kịp thời những vấn đề nóng, có tính thời sự và các vụ việc cụ thể.

Qua đó, nhiều kiến nghị của cử tri và Nhân dân, một số vụ việc phức tạp, kéo dài đã được các cơ quan giải quyết dứt điểm, tạo sự chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến hành động của các cấp, các ngành, bước đầu đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.

Hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh trong thời gian tới. (Hình ảnh Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam trong chuyến thăm chính thức Cộng hoà Cuba, tháng 4/2023). Ảnh TTXVN

Chia sẻ về những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò, vị trí trong việc tạo lập khung khổ pháp lý kịp thời, có chất lượng, đồng bộ cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trong đó ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu, làm rõ những thành tích, ưu điểm, cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi.

Đáng lưu ý, tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là cơ sở để các vị đại biểu Quốc hội xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

“Qua các lần lấy phiếu tín nhiệm của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và XIV cho thấy, kết quả lấy phiếu cơ bản phản ánh khách quan, sát thực với tình hình, năng lực thực tiễn, sự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công tác, kết quả thực hiện nhiệm vụ của những cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm. Từ đó giúp người được lấy phiếu tín nhiệm phát huy ưu điểm, có phương hướng khắc phục khuyết điểm, thiếu sót, tiếp tục rèn luyện, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động”, ông Vương Đình Huệ bày tỏ.

Nhiệm vụ quan trọng khác, Quốc hội sẽ tập trung nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng ngày càng chính xác, thực chất hơn, nhất là việc quyết định ngân sách nhà nước, các vấn đề về kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy nhà nước, các dự án công trình quan trọng quốc gia.

Đồng thời, Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện. Chủ động nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp giữa Ban Dân nguyện với các cơ quan của Chính phủ, các Ban của Đảng, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các cơ quan, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trong lĩnh vực này.

Quốc hội khoá XV cũng sẽ tập trung lãnh đạo việc tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức, hoạt động, lề lối làm việc. Đổi mới, cải tiến cách thức tiến hành kỳ họp Quốc hội theo hướng giảm thời gian họp phiên toàn thể; chia kỳ họp thành các đợt với hình thức họp phù hợp theo tính chất, nội dung và điều kiện thực tế; đẩy nhanh việc xây dựng Quốc hội điện tử với Chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu xử lý khối lượng công việc ngày càng lớn với chất lượng ngày càng cao.