'Diễn thuyết của nhà vua' chắc thắng?

Cảnh trong phim Diễn thuyết của nhà vua
Cảnh trong phim Diễn thuyết của nhà vua
TP - Người đàn ông trầm lặng chỉ mưu cầu hạnh phúc, bỗng một ngày phải lấy hết nghị lực để bước lên vị trí xa lạ. Nước Anh năm 1936 có vị vua mới George VI và câu chuyện về ông quá cuốn hút. Phim sẽ đoạt Oscar một cách xứng đáng ở hạng mục quan trọng nhất?

>> Oscar 2011: Chọn facebook hay diễn văn?

Cảnh trong phim Diễn thuyết của nhà vua
Cảnh trong phim 'Diễn thuyết của nhà vua'.

Bộ phim dài hai tiếng rưỡi của đạo diễn trẻ người Anh Tom Hooper kể lại một cách thong thả, sinh động diễn biến kịch tính trong lịch sử thế giới và nước Anh, giữa cơn đại khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản và bên bờ vực thẳm của Thế chiến 2.

Những diễn biến lớn lao làm nền cho một câu chuyện nhỏ bé hơn, nhưng thấm thía: Chuyện nhà vua khắc phục tật nói lắp như thế nào trên hành trình giành lấy tiếng nói của một người bước ra khỏi tổ ấm để lên đỉnh cao quyền lực.

Chứng bệnh cà lăm vốn nan giải với người thường, thì với một vị vua còn khó khăn gấp bội. Làm vua, Ngài luôn phải diễn thuyết trước thần dân. Có chi tiết: Khi bác sĩ Logue yêu cầu được xưng hô ngang hàng, vì bác sĩ và bệnh nhân đều bình đẳng, thì hoàng tử Albert nhút nhát đáp rằng ngay cả khi bị bệnh thì ngài vẫn là bề trên. Vì nếu không thế thì ai thèm để ý tới cái tật này của Ngài!

Rất tự nhiên, người xem đi theo một người đàn ông run rẩy đầu phim bỗng một ngày rắn rỏi hét lên: “Tôi có tiếng nói của mình!”, bình tĩnh bước lên bục đọc bài diễn thuyết về chiến tranh dài 6 phút bất hủ. 

Trên hành trình chữa bệnh của vua, có hai người đồng hành: Hoàng hậu Elizabeth và thầy thuốc trị liệu khiếm thanh không bằng cấp Lionel Lougue. Nhiều trường đoạn xúc động về tình vợ chồng và tình bạn lớn theo năm tháng, chẳng hạn cái cúi đầu rụt rè khi nhà vua xin lỗi ông bạn thầy thuốc.

Colin Firth- vai nhà vua nói lắp, cũng không có đối thủ ở giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất năm nay. Ban giám khảo Oscar có vẻ thích những diễn viên xử lý tốt các cảnh tự sự.

Bertie của Colin Firth nhỏ nhẻ nhưng cương quyết, yếu ớt nhưng gan dạ khi kể lại nỗi buồn tuổi thơ của một hoàng tử, như bao đứa bé trai khác- những sự việc phần nào dẫn tới chứng nói lắp của Ngài: Cha đối xử nghiêm khắc, không cho chơi trò chơi yêu thích, bắt viết tay phải trong khi thuận tay trái, và không bao giờ khen ngợi lòng dũng cảm của con.

Hình ảnh vua George VI của Colin Firth và đạo diễn Tom Hooper còn giúp người xem thấy cả một nước Anh trước chiến tranh mà không thấy mệt khi phim khá dài. Rất tự nhiên, người xem đi theo một người đàn ông run rẩy đầu phim bỗng một ngày rắn rỏi hét lên: “Tôi có tiếng nói của mình!”, bình tĩnh bước lên bục đọc bài diễn thuyết về chiến tranh dài 6 phút bất hủ.

Trong lịch sử, đó chính là vị vua đã cương quyết ở lại London dưới bom đạn, cùng với chính phủ và dân Anh đương đầu với cuộc chiến tới ngày cuối cùng.

Cảnh cuối thật đơn giản mà tầm vóc. Nhà vua đọc câu cuối cùng: “Với ân huệ của Chúa Trời, chúng ta sẽ chiến thắng” khi bác sĩ Logue ngừng tay hướng dẫn- chính ông lúc đó lại trở thành hình ảnh của cả nước Anh, bị cuốn hút vào lời nói của nhà vua.

Nhiều nhà bình luận đùa rằng, vì năm nay không có một phim về Do Thái nào được để cử - trong khi ban giám khảo nhiều người Do Thái - nên nhiều tượng Oscar chắc sẽ về tay Diễn thuyết của nhà vua, phim về Thế chiến II. Người viết nghĩ rằng phim chắc chắn thắng, nhưng không phải vì lý do đó. Mà vì Tom Hooper và Colin Firth như thể cặp Lionel và Bertie thứ hai - khi sự thật lịch sử được tái hiện sống động đến thế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG