Bộ phim đang làm lệch lạc suy nghĩ của người xem?
Những ngày vừa qua, 13 Reasons Why đang nổi lên như một hiện tượng. Đặc biệt, sau bài đăng giới thiệu về bộ phim trên trang fanpage Krad’s World thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng (nhận được gần 15 nghìn lượt thích và gần 10 nghìn lượt chia sẻ) thì dường như các bạn trẻ ai cũng nghĩ rằng mình nên nghía qua bộ phim này một lần. Thông điệp của 13 Reasons Why được truyền tải qua 13 cuộn băng ghi âm về những lý do dẫn đến việc tự tử của cô bạn học sinh trung học Hannah Baker (xem chi tiết nội dung phim trên báo Hoa Học Trò 1207, đã phát hành ngày 21/4/2017).
Bên cạnh hàng loạt bài phân tích, những dòng chia sẻ trên Facebook về 13 Reasons Why với vô vàn lý do để nó trở thành một bộ phim nhất-định-phải-xem - "một bộ phim lý tưởng với nội dung không chỉ mang tính giải trí" - thì cũng có rất nhiều những ý kiến trái chiều. Có người chỉ trích Hannah, cho rằng cái chết của cô là quá ích kỉ và khó có thể chấp nhận được. Cũng rất nhiều người nhìn nhận bộ phim đã quá dễ dãi khi nói về vấn đề tự tử, về căn bệnh trầm cảm mà nhân vật chính (có thể) mắc phải. Kịch bản được cho rằng đã không thực sự hiểu kĩ về nguyên nhân mà những người có ý định tự tử đi đến quyết định tiêu cực đó là kết thúc cuộc đời mình. Facebooker Dan Nguyen đã đưa ra ý kiến: “Bộ phim này đổ lỗi cho những người xung quanh là tác nhân chính dẫn đến việc Hannah tự tử [...] Không, những người đến với cái chết là vì họ đã quá mệt mỏi với chính bản thân họ, họ căm ghét bản thân, họ mệt, họ bị bí bách, họ muốn thoát ra nhưng không thể cho dù họ cố hết mức, cái chết (đối với họ) là một sự giải thoát nhẹ nhàng. Tự tử chẳng phải lỗi của một ai cả”.
Bài viết của facebooker Dan Nguyen nhận được rất nhiều lượt chia sẻ và đồng cảm.
Trong khi nhiều người cho rằng 13 Reasons Why phản ánh chân thực hiện trạng của môi trường học đường thì một số khác lại “tẩy chay” bộ phim vì nó đang "xui" người ta lựa chọn cái chết để “trả thù”, để giải quyết mọi mâu thuẫn… Không chỉ gây ra tranh cãi tại Việt Nam, người xem quốc tế cũng có những bất bình, “bài trừ” ngay từ bản tiểu thuyết 13 Reasons Why của tác giả Jay Asher, cho rằng bộ phim sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới những người đang bị trầm cảm, khiến cho cộng đồng hiểu sai về những con người đang rất cần sự giúp đỡ này.
13 Reasons Why có thực sự đáng xem?
Tạm gác lại việc Hannah - nhân vật chính của bộ phim có thực sự bị trầm cảm hay không; hay chính người xem đang quá nhạy cảm và tự “chẩn đoán” một căn bệnh tâm lý nghiêm trọng chỉ qua những thước phim, thì đây cũng là một bộ phim với nội dung không hề trôi tuột. Có thể thấy được điều đó rõ ràng qua những dòng tranh luận qua lại. Phim phải có “chất liệu” thực sự mới có thể trở thành “nền” cho dư luận đa chiều. Thông qua những ý kiến phản đối, mọi người cũng đã có cái nhìn rõ ràng hơn về những vấn đề được nhắc đến trong phim. Những trang cộng đồng, tổ chức phi lợi nhuận bắt đầu đưa ra những thông tin đã qua tìm hiểu về việc tự tử, về vấn đề tâm lý mà lứa tuổi teen có thể gặp phải.
Trang Human Library Vietnam giới thiệu về những vấn đề nhắc đến trong phim một cách nghiêm túc.
Bộ phim không chỉ nhắm đến đối tượng những người rơi vào tình huống như Hannah Baker mà còn là hồi chuông dành cho những những ai đã từng vô tình “ném đá” người khác trên mạng bằng những lời lẽ cay độc, dù điều đó có thể không nghiêm trọng đến mức dẫn đến một cái chết như trong phim nhưng ít nhiều cũng đã gây ra sự tổn thương cho người khác. Qua những nhân vật phụ, 13 Reasons Why còn đưa đến thông điệp rằng: Bạn đừng bao giờ nên thôi quan tâm và ngừng làm một người tốt chỉ vì cảm thấy quá mệt mỏi.
Còn bạn, bạn nghĩ thế nào về bộ phim này? Đừng quên đón đọc tiếp những bài tiếp theo về 13 Reasons Why trên Hoa Học Trò Online và Hoa Học Trò 1208, phát hành vào tuần sau bạn nhé!
NGỌC TRÂM