Elizabeth Gilbert là tác giả của cuốn sách hồi ký ăn khách Ăn, Cầu Nguyện, Yêu và Điều kỳ diệu lớn là cuốn sách mới nhất của cô. Khác với độ dày và bối cảnh rộng lớn trải dài từ Ý đến Ấn Độ sang Indonesia như trong Ăn, Cầu Nguyện, Yêu, Điều kỳ diệu lớn mỏng hơn và nó khám phá một nơi hẹp về bối cảnh nhưng lại sâu hơn - bên trong cá nhân mỗi người. Để kích hoạt sự sáng tạo, để trấn an nỗi sợ hãi khi bắt đầu sáng tạo, để động viên, cũng để phá tan các ảo tưởng khi sáng tạo, và những điều tương tự như thế.
Tác giả Elizabeth Gilbert.
“Sáng tạo” trong cuốn sách này như Elizabeth Gilbert miêu tả, chính là khao khát tạo ra một điều gì đó: sáng tác một bài hát, vẽ một bức tranh, viết nên một vở kịch… Có thể là bất kỳ điều gì - miễn là bạn thích. Và do thuận theo nghề nghiệp cá nhân của tác giả, việc “sáng tạo” trong cuốn sách gần với việc viết nhất: Sáng tác thơ, viết một cuốn sách… Tuy nhiên, về bản chất thì sự sáng tạo nào cũng giống nhau, nên nếu bạn không phải là một người viết, cũng không sao, Điều kỳ diệu lớn cũng là một cuốn sách dành cho bạn nếu bạn là một người có trái tim sáng tạo.
Elizabeth Gilbert tin rằng bên trong mỗi người đều có sự sáng tạo, và đó là một kho báu, là một điều kỳ diệu lớn. Để có thể “khai thác” được nó thì mỗi cá nhân cần dũng cảm, mạo hiểm, nhưng cũng phải tỉnh táo và hết sức nhẫn nại. Vì khác với các việc khác theo thời gian bạn sẽ càng “lão luyện”, sáng tạo là việc dù bao nhiêu lâu và làm bao nhiêu lần, thì khi bắt đầu sáng tạo một điều mới bạn sẽ luôn trở về vị trí xuất phát, vẫn sẽ là kẻ nghiệp dư mà thôi.
Ảnh: sachnhanam.com.
Trong cuốn sách này Elizabeth Gilbert đã rất dí dỏm, hóm hỉnh như văn phong thường thấy của cô để bàn về sáng tạo và những điều xung quanh nó. Cảm hứng ở đâu ra, sáng tạo có bao giờ trùng lặp, nên bắt đầu sáng tạo như thế nào, việc sáng tạo có nuôi sống được bản thân người sáng tạo không… Với kinh nghiệm của chính mình cùng những câu chuyện về những người sáng tạo khác mà cô đã từng tiếp xúc, Elizabeth Gilbert lần lượt đưa ra từng quan điểm một cùng dẫn chứng và bàn luận. Theo cô, sáng tạo không có nghĩa là lúc nào cũng phải đau khổ, thậm chí vắt kiệt bản thân. Hãy ký “hợp đồng” với cảm hứng, thậm chí trang điểm thật xinh đẹp để “hẹn hò” với cảm hứng, để cùng nó tạo ra những thứ mới mẻ hay ho.
Đừng theo đuổi sáng tạo chỉ vì tiền tài, vì sáng tạo không có “bảo hiểm an toàn” cho điều này, chẳng có gì bảo đảm là bạn sẽ thành công trên nấc thang danh vọng cả - việc đó giống như mơ trúng số độc đắc vậy. Elizabeth Gilbert còn hài hước nói rằng đừng hy vọng sáng tạo sẽ “nuôi” được bạn, ngược lại bạn phải “nuôi” sáng tạo cơ, bạn phải nuôi cả hai ấy chứ - bạn và nó.
Ảnh: @kritid.
Điều quan trọng nhất, sáng tạo để làm gì? Câu trả lời quả thực đơn giản. Vì bạn thích và muốn được sáng tạo. Hãy bắt đầu bằng niềm vui khi tạo ra những điều mới mẻ và cảm giác thỏa mãn bản thân khi được điều đó. Những việc khác như được yêu thích, bán chạy… đều chỉ là “quà tặng” thêm mà thôi, nếu may mắn.
MAO LƯƠNG