Định nghĩa lại “nữ quyền”: Không cần mạnh mẽ, chỉ cần là chính mình!

Định nghĩa lại “nữ quyền”: Không cần mạnh mẽ, chỉ cần là chính mình!
HHT - Từ khi chương trình thực tế Anh chàng độc thân (The Bachelor Vietnam) phát sóng, cư dân mạng ầm ĩ kịch liệt vì cho là chương trình hạ thấp giá trị phụ nữ.

Việc các cô gái không ngại thể hiện bản thân nhằm chinh phục chàng trai mình mơ ước nên được nhìn nhận là mạnh mẽ hay yếu đuối?

Định nghĩa lại “nữ quyền”: Không cần mạnh mẽ, chỉ cần là chính mình! ảnh 1

Giành lấy tình yêu hay chờ tình yêu tới?

Theo format của chương trình Anh chàng độc thân (The Bachelor Vietnam), 24 cô gái sinh hoạt chung trong một ngôi nhà và sẽ cùng cố gắng chinh phục một chàng trai. Nhiều bình luận để lại dưới các tập phát sóng trên Youtube có nội dung: “Tại sao các cô gái lại phải hạ mình, đấu đá nhau để giành giật một chàng trai như vậy?”, “Sao tự đánh mất thể diện đến vậy”… Điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà ngay tại phương Tây, nơi sở hữu phiên bản gốc, chương trình này cũng vấp phải những tranh cãi rằng The Bachelor có đang đi ngược lại với cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng giới hay không.

Theo nghĩa gốc, “hạ thấp” bản thân nghĩa là thể hiện ít hơn cái mình có được. Các cô gái trong cùng ngôi nhà đấu đá, gây gổ, thậm chí là đến mức ẩu đả nhau vì một chàng trai. Hơn nữa, theo như trang Alloy thì: “Thường chàng trai trong chương trình chỉ chọn cô gái dựa vào vẻ ngoài, chứ không phải tính cách, vì cũng chưa có đủ thời gian để có thể tìm hiểu hết con người thực sự của nhau”. Điều này làm tăng thêm niềm tin rằng chương trình đang hạ thấp nữ quyền.

Bạn An Nguyễn (18 tuổi, TP.HCM) chia sẻ: “Từ lúc xem bản của Mỹ mình đã cảm thấy rất khó hiểu. Việc các bạn gái đứng xếp theo hàng đợi gọi tên như việc các món hàng đang được chọn lựa vậy. Tại sao phái nữ lại chấp nhận để bản thân rơi vào thế bị động như vậy?”.

Định nghĩa lại “nữ quyền”: Không cần mạnh mẽ, chỉ cần là chính mình! ảnh 2

“Em có muốn nhận bông hồng này không?”

Nữ diễn viên, đại diện của United Nations trong chiến dịch HeforShe, Emma Watson khi bị cho rằng việc không mặc áo ngực trong loạt hình chụp chính là một việc làm hạ thấp nữ quyền, đã đáp rằng: “Nữ quyền chính là đưa cho phụ nữ những sự lựa chọn. Nữ quyền không phải là cây gậy để giáng lên người khác, nữ quyền là sự tự do, khai phóng và bình đẳng. Những bức ảnh của tôi chẳng liên quan gì đến những điều này cả”. Chúng ta luôn có những sự lựa chọn và nữ quyền chính là bạn nhận thức được mình, dù là ở giới tính nào đi nữa, vẫn luôn có quyền được làm chủ cuộc sống của bản thân.

Trong The Bachelor, dù nhân vật nam là người chọn những cô gái đi tiếp nhưng câu đề nghị sẽ luôn là “Em có muốn nhận bông hồng này không?”, và tất nhiên như Minh Uyên đã từng làm, các cô gái luôn có quyền từ chối bông hồng ấy. Dù là trong một chương trình thực tế và tất cả mọi người đều muốn làm xiêu lòng một chàng trai, nhưng bạn vẫn có sự lựa chọn và quyết định rằng đây có phải là người hợp với mình hay không.

Joseph Gordon - Levitt từng nói: “Nữ quyền nghĩa là bạn không để giới tính xác định bạn là ai, bạn luôn có quyền trở thành bất cứ ai bạn muốn, chẳng quan trọng bạn là đàn ông, phụ nữ, con trai, con gái, hay gì đi nữa”. Cô nàng Brittanya Karma đã từng chia sẻ trên Vlog rằng: “Không có một người phụ nữ nào trên thế giới này cần phải thay đổi vì đàn ông, nếu đàn ông chỉ yêu cái người mà mình thay đổi thành”.

Định nghĩa lại “nữ quyền”: Không cần mạnh mẽ, chỉ cần là chính mình! ảnh 3

Sao nữ quyền lại phải mạnh mẽ?

Một điều rất trái ngược là, trong khi The Bachelor được xem là anti-feminism (phản lại nữ quyền) thì The Bachelorette (một người nữ lựa chọn một trong số 24 thí sinh nam) lại được ca ngợi là dấu ấn về sự lên ngôi của nữ quyền. Khi ấy người phụ nữ có trong tay sức mạnh và quyền điều khiển mọi thứ, kể cả người con trai khiến cô ấy động lòng. Điều này lại có vẻ mâu thuẫn với tuyên ngôn từ trước đến nay của các nhà hoạt động nữ quyền rằng nữ quyền thực chất chính là sự bình đẳng. Nữ quyền không phải là đảo ngược xã hội để người phụ nữ nắm giữ cách vận hành của thế giới. Đơn giản chỉ là, nếu một người đàn ông có khả năng ứng tuyển cho vị trí đó, thì một người phụ nữ cũng có thể có khả năng và điều kiện tương tự!

Tại sao nữ quyền là phải mạnh mẽ, phải nâng cao giá trị bản thân, phải gồng mình lên với trọng trách thống trị thế giới? Nữ quyền đơn thuần chỉ là biết trân trọng bản thân mình và có quyền yêu cầu người khác phải tôn trọng họ. Nhường ghế, mở cửa trước, cài hộ nón bảo hiểm... không hề là những hành động phản nữ quyền, đó chỉ là những điều người con gái nhận nếu họ muốn. Thế nên, đấu tranh cho nữ quyền không có nghĩa là “phủi sạch” những cử chỉ quan tâm của nam giới dành cho phụ nữ!

Nữ quyền, suy cho cùng, chính là biết yêu thương bản thân mình và không ngừng đấu tranh cho quyền lợi của những người đang phải chịu sự bất công, bất kể họ thuộc giới tính nào!

Theo Trích HHT 1281
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm