Doanh nghiệp dệt may, da giày giải bài toán nhập khẩu hàng tỷ USD nguyên, phụ liệu mỗi năm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Da giầy, túi xách Việt Nam, việc thiếu vắng các nhà cung ứng Việt trong nhiều phân khúc sản xuất sẽ khiến bài toán tự chủ nguồn cung cho sản xuất khó giải quyết trong khi đây là thị trường quy mô lên tới nhiều tỷ USD mỗi năm.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) ngày 15/6, ông Nguyễn Văn Phong – Tổng Giám đốc Dệt may Huế cho biết, với mục tiêu doanh thu 1.900 tỷ, lợi nhuận 120 tỷ năm 2023, trong 6 tháng đầu năm, công ty đã đạt hơn 50% mục tiêu đề ra.

Theo ông Phong, hiện nay, Dệt May Huế là một trong số ít doanh nghiệp dệt may Việt Nam sở hữu chuỗi cung ứng khép kín từ “sợi tới may”, gồm: sợi, dệt, nhuộm, may và phân phối, giúp khắc phục “điểm nghẽn” của ngành, tự chủ được một phần nhu cầu vải, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu. Đặc biệt, công ty cũng chú trọng việc chuyển đổi số, tự động hóa các thiết bị sợi – dệt – may, rút ngắn thời gian sản xuất trong khi sản lượng vẫn giữ nguyên. “Trước đây, để thiết kế 1 mẫu trang phục gửi khách phải mất tới 10 ngày, giờ sử dụng phần mềm thiết kế 3D của Browzwear chỉ mất 2 ngày đã hoàn thành” ông Phong chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký VITAS cho biết, 5 tháng vừa qua kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022, sức mua của các thị trường chính như Mỹ, châu Âu suy giảm mạnh. Bên cạnh đó, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh với yêu cầu khắt khe hơn khiến các doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi lại cơ cấu tổ chức. Các doanh nghiệp đã đa dạng hoá nhiều mặt hàng, tận dụng cơ hội để chuyển đổi sản xuất, tăng đầu tư nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Về chiến lược tự chủ nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp dệt may, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may nói riêng đang rất nhiều hạn chế.

Theo ông Lạng, hiện việc phát triển công nghiệp hỗ trợ dệt may có thể nói là đang bị “bỏ trống” khi có đến 80% nguyên phụ liệu cho ngành dệt may phải nhập khẩu. Con số hơn 2 tỷ USD mà các doanh nghiệp phải chi ra mỗi tháng để nhập nguyên liệu như bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu cho các ngành dệt, may, da, giày…cho thấy miếng bánh thị trường rất lớn. Chưa kể, Việc chưa tự chủ được phần nguyên phụ liệu đã ảnh hưởng rất nhiều đến lợi thế về giá của sản phẩm khi xuất khẩu.

“Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là chính với các quy định hiện hành cũng như tâm lý lo ngại ô nhiễm môi trường ở một số địa phương đã khiến cho việc triển khai các dự án dệt, nhuộm ở địa phương khó phát triển. Nhiều doanh nghiệp cho biết, dù rất muốn nhưng không thể đầu tư do vướng các rào cản tâm lý nói trên, chưa kể các thiếu hụt khác về đầu tư từ chính các địa phương như chính sách hỗ trợ về công nghệ, đất đai, cơ chế. Nếu không sớm giải các bài toán này, việc tăng khả năng cạnh tranh cho ngành dệt may sẽ là vấn đề trong thời gian tới khi giá nguyên liệu đầu vào, chi phí nhân công gia tăng cũng như các quy định về ‘xanh hóa’ dệt may được nhiều quốc gia áp dụng”, ông Lạng cho hay.

Doanh nghiệp dệt may, da giày giải bài toán nhập khẩu hàng tỷ USD nguyên, phụ liệu mỗi năm ảnh 1

Theo các doanh nghiệp, việc không tự chủ được nguyên, phụ liệu sẽ bỏ ngỏ một thị trường nhiều tỷ USD đồng thời làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam khi xuất khẩu. Ảnh: Như Ý

Giải bài toán nâng cao tỷ lệ nội địa hóa

Cũng là ngành mang lại kim ngạch xuất khẩu nhiều tỷ USD mỗi năm, các doanh nghiệp da giày cũng đang đối mặt áp lực tìm kiếm đơn hàng, chuyển đổi sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo số liệu của Hiệp hội Da giầy, Túi xách Việt Nam (Lefaso), da giày được xác định là một trong các ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước khi giữ vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm da giày hàng đầu thế giới. Các doanh nghiệp trong ngành đang rất nỗ lực để hướng tới mục tiêu đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách đạt 38-40 tỷ USD. Đến năm 2035, ngành sẽ phát triển hiệu quả và bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước; tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu tầm khu vực và thế giới.

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso, hiện các doanh nghiệp trong ngành đứng trước nhiều khó khăn trong việc khôi phục sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hoá do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều bị ảnh hưởng khiến người dân giảm chi tiêu, hàng tồn kho các sản phẩm giầy dép của các nhà bán lẻ và các nhãn hàng tiếp tục ở mức cao, ảnh hưởng lớn đến đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành. Những yếu tố này ảnh hưởng đến mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 27 tỷ USD năm 2023, tăng khoảng 10% so với năm ngoái.

Điều đáng quan tâm và cũng là một trong những mục tiêu quan trọng mà các doanh nghiệp trong ngành đang hướng tới giải quyết trong thời gian tới, theo ông Thuấn, chính là một lượng nguyên liệu lớn cho ngành da giày hiện vẫn phải nhập khẩu.

"10 năm trước đây, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da giày chỉ đạt 40%, hiện mức trung bình tăng lên 55%. Cá biệt có những mặt hàng như giày thể thao, chúng ta chủ động 70 - 80%, giày vải chủ động gần như 100% nguyên phụ liệu trong nước. Tuy nhiên, hiện kim ngạch xuất khẩu giày dép của khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tới 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Ước tính trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khoảng 300 triệu USD nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất như da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế, chất dẻo, keo dán, hóa chất…", Chủ tịch Lefaso cho hay.

Dù kim ngạch cao, theo lãnh đạo Lefaso, trong tổng số 129 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên, phụ liệu của ngành da giày, mới chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp trong nước đủ sức cung ứng nguồn nguyên liệu cao cấp. Việc thiếu hụt các doanh nghiệp cung ứng nguồn nguyên liệu cao cấp này đã khiến cho các nhà sản xuất da, giày khó chủ động được đơn hàng và nguồn nguyên liệu.

Vì vậy, cùng với việc tiếp tục phát triển, hỗ trợ cho các doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành da giày ở phân khúc sản phẩm trung bình và trung bình khá, ngành da giày sẽ phải cần Chính phủ và các bộ ban ngành, địa phương hỗ trợ cơ chế, chính sách và hỗ trợ vốn để gia tăng số lượng các doanh nghiệp có khả năng tham gia chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu cao cấp của các doanh nghiệp FDI, cũng như tham gia sản xuất nhiều dòng giày thuộc phân khúc cao cấp hơn, giúp gia tăng giá trị của ngành. Để làm được, các doanh nghiệp cần tập trung vào công nghệ mới và chất lượng cao đồng thời chủ động nắm bắt kịp thời các cơ hội lớn mở rộng thị trường từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.

MỚI - NÓNG