Doanh nghiệp đồng hành với ngành điện vượt khó khăn trong mùa khô

0:00 / 0:00
0:00
Do tình hình phụ tải tiêu thụ điện tăng cao, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) và các đơn vị thành viên 21 tỉnh thành phía Nam đã triển khai nhiều giải pháp điều hành cung ứng điện, thực hiện tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải, đến nay tình hình hệ thống điện đã tạm vượt qua giai đoạn khó khăn của mùa khô.

Góp phần không nhỏ cùng để ngành điện vượt qua giai đoạn khó khăn là có sự chung tay, đồng hành của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Chung tay tiết kiệm điện

Công ty Viên Sơn (xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) chuyên sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản các loại. Ông Nguyễn Duy Đa, Giám đốc Công ty cho biết, do đặc thù sản xuất kinh doanh, sử dụng máy móc công nghệ là chính, do đó trung bình mỗi tháng Công ty này phải chi trả trên 700 triệu tiền điện. Song từ khi áp dụng các hình thức tiết kiệm điện, hình thành thói quen trong sử dụng điện an toàn, tiết kiệm trong toàn thể cán bộ, nhân viên và người lao động, vì vậy mà chi phí tiền điện hàng tháng của doanh nghiệp đã giảm từ 10-20% so với trước. “Công ty có nhiều giải pháp trong việc thực hiện công tác tiết kiệm điện. Đầu tiên là phải nâng cao nhận thức để thực hành tiết kiệm điện của anh em trong đơn vị; bố trí đèn chiếu phù hợp với khu vực làm việc, toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng đều sử dụng đèn led”, ông Đa chia sẻ.

Doanh nghiệp đồng hành với ngành điện vượt khó khăn trong mùa khô ảnh 1

Dây chuyền sản xuất của Công ty Viên Sơn, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Xác định tầm quan trọng của nguồn điện trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời đây cũng là Nhằm góp phần giảm chi phí sản xuất, đồng thời chung tay bảo vệ môi trường, Nhà máy sản xuất chế biến cà phê Acom (KCN Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã đầu tư kinh phí khoảng 15 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống năng lượng trời áp mái. Với hệ thống năng lượng mặt trời này, mỗi năm đã sản xuất sản lượng hơn 1 triệu kWh điện, vì vậy hầu như bảo đảm 100% nguồn điện phục vụ cho sản xuất ổn định của nhà máy.

Ông Nguyễn Minh Phước-Giám đốc Nhà máy Acom cho biết “Hệ thống điện mặt trời hiện nay đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của nhà máy, riêng năm 2022, ngoài việc đáp ứng đủ, chúng tôi còn dư để đưa lên lưới điện”.

Lâm Đồng hiện có khoảng 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp đã từng bước áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả như sử dụng các thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại thay thế công nghệ cũ tiêu tốn nhiều điện năng, hay là đưa vào sử dụng các bóng đèn tiết kiệm điện, tắt các thiết bị điện không cần thiết.. Cùng với đó, hình thành thói quen không sử dụng điện vào các thời gian cao điểm. Một số doanh nghiệp còn chú trọng đầu tư hệ thống năng điện mặt trời để phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần làm lợi cho doanh nghiệp, giảm gánh nặng cho ngành điện.

Doanh nghiệp đồng hành với ngành điện vượt khó khăn trong mùa khô ảnh 2

Điện mặt trời mái nhà tại công ty Acom, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Ông Nguyễn Thanh Sơn- Phó giám đốc Điện lực Đức Trọng cho biết “Đối với khách hàng lớn trong khu công nghiệp, chúng tôi vận động tham gia điều hòa phụ tải theo chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVNSPC. Các doanh nghiệp này luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn chung của ngành điện, tiết kiệm điện vừa ích nước vừa có lợi cho doanh nghiệp”.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng điện thương phẩm toàn EVNSPC đạt 33,5 tỷ kWh, giảm 1,7% so với cùng kỳ và đạt 38,64% kế hoạch EVN giao. Trong đó, tiêu thụ điện của nông lâm-thủy sản chiếm 7,6% và tăng 9,7%; công nghiệp-xây dựng chiếm 56,2% và giảm 8,1%; thương nghiệp-nhà hàng-khách sạn chiếm 3,85% và tăng 10,9%; điện quản lý-tiêu dùng-dân cư chiếm 28,9% và tăng 7,05%; các hoạt động khác chiếm 3,3% và tăng 9,5%.

Điều chỉnh phụ tải

Ông Lê Hồng Khanh, Phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương, cho biết đã có 1.854 khách hàng tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên đăng ký tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện (DR). Theo đó, các doanh nghiệp đã thỏa thuận với ngành điện để tiết kiệm điện trong giờ cao điểm, điều chỉnh quy trình sản xuất hợp lý để hạn chế dùng điện giờ cao điểm, chuyển dây chuyền sản xuất sang các giờ thấp điểm, giảm tối đa dùng cùng lúc nhiều thiết bị có công suất lớn.

Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Công ty Điện lực Bến Tre, cho biết đã có 135 khách hàng có sản lượng trên 3 triệu kWh/năm và các khách hàng trên 1 triệu kWh/năm đăng ký tham gia chương trình DR.

Tại Tây Ninh, đã có 248 khách hàng tiêu thụ điện lớn với tỉ lệ 100% tham gia chương trình điều chỉnh, giảm nhu cầu dùng điện. Ông Nguyễn Quang Thắng, đại diện Công ty CP Hà Lan (Tây Ninh), cho biết doanh nghiệp này bố trí kế hoạch sản xuất của dây chuyền vào các giờ bình thường và giờ thấp điểm, giảm sản xuất vào giờ cao điểm, đồng thời tiết giảm điện chiếu sáng để tiết kiệm điện.

Ông Nông Thanh Tú, đại diện Công ty CP CLB bóng đá Becamex Bình Dương, cho biết Becamex cũng giảm tối đa chiếu sáng các bảng quảng cáo trên đại lộ Bình Dương và chỉ mở các bảng quảng cáo từ 19h - 22h.

Đảm bảo cung cấp điện mùa thi 2023 toàn miền Nam

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) vừa phát đi thông tin về việc đảm bảo nguồn điện phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam- địa bàn do EVNSPC cung ứng điện.

Theo thống kê, kỳ thi năm nay trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam có gần 600 điểm tổ chức thi, chấm thi.

Doanh nghiệp đồng hành với ngành điện vượt khó khăn trong mùa khô ảnh 3

EVNSPC Sửa chữa lưới điện, đảm bảo cung cấp điện phục vụ thi tốt nghiệp THPT tại 21 tỉnh thành phía Nam

EVNSPC giao nhiệm vụ cho các công ty điện lực thành viên chỉ đạo các điện lực trực thuộc chủ động làm việc và phối hợp với Ban chỉ đạo, các Hội đồng thi THPT tại địa phương để nắm bắt danh sách, địa điểm, nhu cầu sử dụng điện và lập phương án, tổ chức đảm bảo điện tại các địa điểm ra đề thi của Bộ GD&ĐT, các địa điểm in sao đề thi, địa điểm tổ chức thi, chấm thi tại các tỉnh, thành phố. Các đơn vị điện lực phải đảm bảo điện 24/24 giờ tại các địa điểm in sao đề thi.

Theo đó, trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi, từ ngày 27/6/2023 đến hết ngày 30/6/2023, không thực hiện ngừng, giảm cung cấp điện theo kế hoạch có ảnh hưởng đến việc cấp điện cho các địa điểm nêu trên; tổ chức trực xử lý sự cố, sửa chữa điện trong thời gian diễn ra kỳ thi tại các địa bàn có địa điểm tổ chức thi, địa điểm làm việc của Ban chỉ đạo, các Hội đồng thi.

Ngoài ra, chuẩn bị đủ lực lượng, vật tư, thiết bị, phương tiện di chuyển, máy phát điện diesel để khẩn trương xử lý sự cố, chuyển đổi phương thức vận hành hoặc chạy máy phát dự phòng, nhanh chóng cấp điện trở lại cho các địa điểm thi khi xảy ra sự cố.

Các công ty điện lực cũng lưu ý thêm việc tổng kiểm tra hệ thống lưới điện trước khi kỳ thi diễn ra, kịp thời phát hiện và khắc phục những khiếm khuyết trên hệ thống lưới điện để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn tốt đẹp.

MỚI - NÓNG