Bang Kerala là nơi nổi tiếng về các loại cây cỏ nhiệt đới, bãi biển yên bình và những dòng sông cùng thị trấn Munnar lặng lẽ nằm trong dãy núi Tây Ghats. Nằm ở độ cao 1.600m so với mực nước biển, Munnar được biết đến với món trà, cà phê và các loại rau thơm, gia vị của riêng mình. Những thứ này, cùng với cảnh đẹp quyến rũ và những rặng núi mù sương khiến thị trấn trở thành một địa điểm du lịch rất được yêu mến.
Đây cũng là nơi có một trong những bí mật bậc nhất của đất nước Ấn Độ: Neelakurinji, một trong những loài hoa hiếm nhất thế giới, 12 năm mới nở một lần. Cuối cùng, sau 12 năm chờ đợi, ngọn đồi Munnar (thuộc bang Kerala, Ấn Độ) đã được khoác lên mình tấm "áo choàng" tím biếc rực rỡ từ loài hoa hiếm nhất thế giới - nàng thơ Neelakunrinji.
Cây Neelakurinji (thường được gọi tắt là 'Kurinji') thuộc chi Thuỳ hoa (Strobilanthes), là chi họ cây có chừng 350 giống cây có hoa, trong đó 59 loài có ở khắp bán đảo Ấn Độ. Nhiều loài khác nhau trong họ chi Thuỳ hoa có những thời điểm nở hoa khác nhau. Một số loài nở sau bốn, tám, 10, 12 hay thậm chí là 16 năm. Nhưng sự phát triển của chúng thì không đồng đều và nhìn chung là khó nhận biết.
Tuy nhiên, hoa Strobilanthes kunthiana, Neelakurinji (nghĩa là hoa xanh) thì khó bị bỏ qua, bởi chúng nở rộ rất nhiều, trải ở những triền đồi, đầu tiên là màu xanh rồi dần chuyển sang màu tím khi vào cuối mùa, thường là từ tháng Tám cho tới tháng Mười. Việc nở hoa diễn ra 12 năm một lần, trên một diện tích rộng lớn.
Việc được ngắm hoa Neelakurinji nở luôn được nhiều người chờ đợi và là điều vô cùng đặc biệt, bởi 12 năm loài hoa này mới nở 1 lần. Neelakurinji là loài cây ra quả chỉ một lần sau đó cây sẽ chết. Đây là một loài hoa hiếm không mọc ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, mà chỉ có và gắn chặt với văn hoá Ấn Độ. Và nhiều người ví loài hoa này như biểu tượng của tình yêu và sự lãng mạn.
Mùa hoa Neelakurinji nở không chỉ có tầm quan trọng với người dân địa phương mà còn quan trọng cho cả khu vực, bởi nó giúp đem những nguồn thu từ du lịch khi du khách trên toàn thế giới tất cả sẽ đổ về đây.
Để lên được khu vực có loài hoa này sinh sống vô cùng khó khăn nhưng nơi đây vẫn là điểm đến khiến cho hàng triệu du khách trên toàn thế giới không tiếc công tìm đến.
Loài hoa này cũng tạo ra loại mật ong quý hiếm bậc nhất trên thế giới. Chỉ có những người đàn ông của bộ lạc địa phương được phép lấy mật ong, và hiếm khi thứ sản phẩm này ra đến chợ, ngoài một vài cửa hàng nằm tít sâu trong vùng thảo nguyên Shola, lọt giữa những thung lũng. Dân địa phương tin rằng mật ong này có tính năng chữa bệnh tim mạch.
Vì sự độc đáo và giá trị cùng giá trị du lịch mà loài hoa này mang lại, chính phủ Ấn Độ và các tổ chức trên toàn thế giới đang ra sức bảo tồn để khai thác du lịch bền vững hơn nữa tránh những tác động từ môi trường và đặc biệt là tác động xấu từ con người mang lại.