Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nữ tác giả Nhật Bản Minato Kanae. Bà khởi nghiệp việc viết từ khá muộn. Nhưng sức nặng của Thú Tội đã cho thấy được tài năng và tầm vóc của Minato Kanae trong thể loại tâm lý.
Trước khi xuất bản ở Việt Nam, Thú Tội được biết đến rộng rãi qua tác phẩm điện ảnh cùng tên (tên tiếng Nhật: Kokuhaku). Phim điện ảnh Thú Tội từng gây chấn động không chỉ ở quê nhà Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới, xuất sắc lọt vào danh sách đề cử phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 2011 (lần thứ 83). Dù không lọt được vào top 5 bộ phim cuối cùng, nhưng tiếng vang của Thú Tội lại không hề nhỏ. Nhiều thông tin bên lề cho biết Thú Tội rất xứng đáng đi sâu hơn tại Oscar, thậm chí thắng giải, nhưng vì đến cuối cùng không có tia sáng nào dành cho các nhân vật nên các nhà phê bình đã phải lưỡng lự và suy xét lại.
Thú Tội bản điện ảnh được chuyển thể bám sát nguyên tác. Nhưng với đặc trưng riêng về ngôn ngữ kể chuyện, tiểu thuyết Thú Tội mang đến không khí u ám đa chiều hơn, nhất là khi người đọc tự nghiền ngẫm từng chút một. Khi phát hành tại Nhật Bản, tiểu thuyết Thú Tội đã gây nên một tiếng vang lớn và bán được hơn 3 triệu bản.
Kết cấu câu chuyện của Thú Tội được xây dựng qua 6 góc nhìn của 5 nhân vật. Lần lượt là Kẻ giảng đạo - cô giáo Yuko Moriguchi, kẻ tuẫn đạo - cô nữ sinh Mizuki Kitahara, kẻ nhân từ - anh trai của Naoki Shinomura, kẻ cầu đạo - cậu nam sinh bình thường Naoki Shinomura, kẻ sùng đạo - cậu nam sinh thiên tài Shuya Watanabe, kẻ truyền giáo - lại là cô giáo Yuko Moriguchi.
Mỗi nhân vật giữ cho mình một mảnh ghép, một góc nhìn, một bí mật. Và khi ghép tất cả chúng lại với nhau, độc giả có được một bức tranh toàn cảnh về một thế giới khiến người khác rùng mình. Thế giới với những con đường lạc lối. Thế giới với những tình yêu méo mó. Thế giới tăm tối không ánh sáng.
Sáu mảnh ghép xoay quanh sự việc trung tâm nhất, cô bé Manami Moriguchi - con gái cô giáo chủ nhiệm Yuko Moriguchi - qua đời vì chết đuối ở bể bơi. Mặc cho các kết luận Manami qua đời vì tai nạn, cô Yuko vẫn tin rằng cô bé bị sát hại, và kẻ thủ ác chính là hai học sinh trong lớp mà cô đang đứng giảng dạy. Cô tạm gọi là học sinh A và học sinh B. Cô Yuko Moriguchi có thể chứng minh được rằng Manami bị sát hại, nhưng cô nghĩ cũng chẳng ích gì, vì luật pháp Nhật Bản nới lỏng trừng phạt cho những đứa trẻ chưa đủ tuổi vị thành niên. Bởi vậy cô quyết định làm một hành động khác.
“Cô muốn chúng biết được gánh nặng và sự quan trọng của sinh mệnh. Từ đó, chúng sẽ hiểu được gánh nặng của tội ác mà mình gây ra và phải sống với gánh nặng ấy.”
Khác với cách kể chuyện thông thường là giấu danh tính kẻ thủ ác đến cuối cùng, Thú Tội lại ngay từ đầu đưa hai nam sinh ấy ra ánh sáng. Những nguyên do khéo léo được xếp sau đó, để độc giả từ từ tìm thấy, chầm chậm mở ra, và rồi bàng hoàng. Họ nhận ra từ sự sai lầm của giáo dục đã tạo ra một môi trường khiến những đứa trẻ lớn lên méo mó. Từ những cách yêu thương sai trái đã khiến những đứa trẻ trở thành những kẻ khiếm khuyết tâm hồn. Như mẹ của Naoki Shinomura vì quá nuông chiều và bênh vực con, lại quá kì vọng và đề cao con, nên đã khiến cậu bé trở nên áp lực, dễ tự ti và ghen tị. Còn mẹ của Shuya Watanabe thì dạy con tháo tung máy móc trước khi dạy con những điều tốt đẹp trên đời, về tình yêu và sự cảm thông, rồi cứ thế bỏ rơi nó.
Thú Tội không đáng sợ, mà là ám ảnh. Về cách những đứa trẻ lớn lên và thế giới bên ngoài đã tác động lên chúng, về cách người lớn bằng giáo dục và tình thương sai lầm đã dẫn chúng lạc đường. Cuối cùng, những hạt mầm sẽ được tưới nắng để mọc cao, hay trở nên không rõ hình dáng ở nơi sương mù dày đặc ánh sáng không thể rọi tới, trở thành câu hỏi nặng lòng.
Có lẽ Thú Tội là một cuốn sách chứa đựng một câu chuyện không hề có ánh sáng. Nhưng đừng quên một điều quan trọng, đó là bởi vì có đêm đen người ta mới trân trọng ánh sáng ban ngày. “Đêm đen” của Thú Tội sẽ khiến mỗi độc giả nghĩ sâu hơn về cách tạo ra ánh sáng để hy vọng thế giới u tối ấy mãi mãi chỉ tồn tại trên giấy.