Đọc truyện tranh về hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ, thêm yêu tiếng Việt thân thương

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Lịch sử của sự chuyển đổi từ chữ viết tượng hình sang văn tự Latinh của tiếng Việt là một câu chuyện dài với nhiều gian nan vất vả nhưng cũng đầy ly kì. Mới đây, cuộc hành trình ấy đã được kể lại trong cuốn truyện tranh “Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ” của hai tác giả Phạm Thị Kiều Ly và hoạ sĩ Tạ Huy Long.

Cuốn truyện tranh Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ vốn được lấy nội dung từ đề tài luận án Tiến sĩ của tác giả Phạm Thị Kiều Ly về Lịch sử ngữ pháp và hệ chữ viết Latinh của tiếng Việt bảo vệ tại Đại học Sorbonne Nouvelle (Paris) năm 2018.

Chị Kiều Ly cho biết chị đã từng có một hành trình dài đi tìm tài liệu trong các văn khố ở Lisboa, Vatican, Roma, Madrid, Avila, Paris, Lyon, Hà Nội để có cái nhìn tổng quan về hành trình sáng tạo ra chữ Quốc ngữ.

Đọc truyện tranh về hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ, thêm yêu tiếng Việt thân thương ảnh 1

Cuốn sách được chia làm 2 phần: Đắc Lộ kí sự và Chữ quốc ngữ kí sự.

Khi bắt tay cho ra mắt cuốn truyện tranh Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ, các tác giả đã nhấn mạnh đây là cuốn sách bán hư cấu qua lời kể của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, còn được biết tới là Cha Đắc Lộ - người có nhiều đóng góp trong việc in cuốn Từ điển Việt - Bồ - Là, cũng chính là cuốn từ điển đầu tiên của tiếng Việt được ra mắt vào năm 1651.

Bên cạnh việc tôn trọng các mốc lịch sử, các sự kiện chính trong lịch sử sáng tạo chữ Quốc ngữ, cuốn truyện tranh có thêm thắt các hội thoại lồng cảm xúc của nhân vật giúp người đọc hình dung dễ dàng hơn về bối cảnh lịch sử thời bấy giờ.

Đọc truyện tranh về hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ, thêm yêu tiếng Việt thân thương ảnh 2
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly, Họa sĩ Tạ Huy Long trong buổi giới thiệu sách với đông đảo độc giả.

Theo lời kể của cha Alexandre de Rhodes, ban đầu ông cập cảng Cửa Hàn (Đà Nẵng), bắt đầu cho hành trình khám phá xứ Đàng Trong. Để thuận tiện giao tiếp với người bản xứ, các vị giáo sĩ phương Tây thời đó đã cùng nhau soạn một cuốn từ vựng cùng quy tắc chính tả, thanh điệu của tiếng Đàng Trong.

Thời kì này, Đàng Trong và Đàng Ngoài thi thoảng lại xảy ra xung đột. Để ra được Đàng Ngoài, Alexandre de Rhodes phải đến Ma Cao, rồi từ đó lên tàu của các nhà buôn để tới bến Cửa Bạng (Thanh Hóa). Ra đến Đàng Ngoài, ông chú tâm nghiên cứu lịch sử và phong tục để viết cuốn Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài.

Đọc truyện tranh về hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ, thêm yêu tiếng Việt thân thương ảnh 3

Cuốn sách có in kèm phụ lục giải thích rõ về cách ghi âm tiếng Việt, niên biểu về Cha Đắc Lộ và quá trình hình thành chữ Quốc ngữ.

Từ một vị khách được Chúa Nguyễn chào đón ở Đàng Trong, Chúa Trịnh chào đón ở Đàng Ngoài, cuộc đời Alexandre de Rhodes gặp không ít gian truân khi dần dà các Chúa không hài lòng với ông, nên liên tục ra lệnh trục xuất. Sau 4 lần rời đi, rồi lại tìm cách quay lại, đến cuối cùng vào năm 1645, ông bị chúa Nguyễn trục xuất vĩnh viễn.

Với Alexandre de Rhodes, tuy thân xác rời khỏi xứ An Nam, nhưng trái tim của ông vẫn ở mãi nơi này. Khi quay về La Mã vào năm 1649, ông vẫn tiếp tục miệt mài với công việc xin ngân sách in ấn từ điển tiếng Việt, cũng như một số sách khác về An Nam.

Có thể xem hành trình cuộc đời của giáo sĩ Alexandre de Rhodes song song với hành trình chữ Quốc ngữ ra đời. Từ những ngày đầu, chữ Quốc ngữ chỉ là một công cụ để các giáo sĩ phương Tây học tiếng Việt, giúp dễ dàng trao đổi với người bản địa và thuận tiện cho việc truyền giáo. Trong giai đoạn chính quyền phong kiến gây khó khăn, chữ Quốc ngữ được dùng như một thứ mật mã giữa các thừa sai và giáo dân và chỉ được dạy trong chủng viện trước khi chữ Quốc ngữ dần thay thế chữ Nho, và trở thành chữ viết chính thức của Việt Nam.

Với Hành trình sáng tạo chữ Quốc Ngữ, người đọc sẽ có một cái nhìn tổng quan về những đóng góp của các giáo sĩ phương Tây thời bấy giờ như thầy Francisco de Pina, thầy Gaspar do Amaral… cũng như những người Việt như thầy Phao, thầy Filippe Bỉnh, thầy Liễn, thầy Ngần… đã sáng tạo và thúc đẩy việc sử dụng chữ Quốc ngữ trong thời kỳ đầu. Thấu hiểu công sức của những người đi trước, cùng hành trình đầy gian nan để chữ Quốc ngữ ra đời sẽ giúp bạn thêm yêu tiếng Việt - ngôn ngữ thân thương thường ngày của chúng ta.

Đọc truyện tranh về hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ, thêm yêu tiếng Việt thân thương ảnh 7
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Một thời để nhớ: Bức chân dung đẹp nhất được chụp bởi rung động của trái tim

Một thời để nhớ: Bức chân dung đẹp nhất được chụp bởi rung động của trái tim

HHT - Khi Mẫn cắm bông, mồ hôi đọng trên trán nó từng hạt lớn. Ánh nắng ngoài cửa sổ cũng vàng sượm. Tớ đang lắp phim, bèn đưa máy lên bấm thử. Nghe tiếng xoạch, nhỏ Mẫn nhìn thẳng vào tớ, nở nụ cười mắc cỡ, hơi rụt rè, nhưng ánh mắt thật trìu mến. Tớ sững lại, rồi bấm luôn vài phát liên tiếp.