Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim. Bạn đọc chưa xem cân nhắc trước khi đọc tiếp.
Hình ảnh đầu tư, âm thanh sống động
Minions: The Rise of Gru lấy bối cảnh những năm 1970, giai đoạn mà văn hóa và các sản phẩm của ngành công nghiệp giải trí được xem là phát triển vượt bậc với nghệ thuật Retro, nhạc Disco và thời trang màu sắc sặc sỡ. Vì vậy, những thước phim trong phần này rất được đầu tư về màu sắc và hình ảnh sống động, đây cũng một trong những điểm cộng lớn nhất và cũng là yếu tố thu hút các khán giả nhí mê mẩn thương hiệu về lũ Minions "vàng chóe" này.
Không chỉ lồng ghép nhiều hình ảnh thương hiệu văn hóa đậm chất thập niên 70 như những chiếc đĩa nhạc của The Beatles, The Rolling Stones... mà nhạc phim cũng được đầu tư "đủ thể loại" vừa có vui nhộn, vừa có du dương để tạo thêm hiệu ứng cho phim. Phần âm nhạc do Jack Antonoff - nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng từng hợp tác với Taylor Swift, Lorde hay Lana Del Rey - phụ trách.
Phim được lồng ghép nhiều yếu tố truyền thống của Trung Quốc như Tết Âm Lịch, võ cổ truyền, 12 con giáp,... Thậm chí ở nửa phần cuối của bộ phim cũng được diễn ra phần lớn ở khung cảnh khu phố Tàu vô cùng rực rỡ. Nhưng trên thực tế, phần mới của Minions không phải là một bộ phim Hollywood mượn các yếu tố của đất nước tỷ dân này để làm hình ảnh chính trong phim.
Sự liên kết với các phần phim khác
Nội dung chính của bộ phim kể về thời niên thiếu của Gru và tham vọng trở thành... ác nhân vĩ đại của thế giới. Cậu là người hâm mộ cuồng nhiệt của "hội siêu ác nhân" The Vicious 6, một nhóm phản diện khét tiếng lúc bấy giờ. The Vicious 6 tìm kiếm "viên đá hoàng đạo" ở châu Á nhằm chiếm đoạt sức mạnh thống trị của 12 con giáp. Tuy nhiên, Gru đã lấy cắp viên đá và một loạt tình huống hài hước phía sau đã nổ ra.
Có thể nói Minions: The Rise of Gru vừa là mối liên kết với phần kết của ngoại truyện về nguồn gốc các Minions, vừa giải đáp được nhiều thắc mắc của khán giả ở các phần phim Despicable Me trước như: Mối quan hệ của Gru và tiến sĩ Nefario bắt đầu như thế nào, "nguồn cảm hứng" để Gru bắt đầu con đường làm ác nhân... và quan trọng hơn hết là "cơ duyên" đưa "đội quân phá làng phá xóm" này đến với "sếp nhỏ" Gru của mình.
Những "chú chuối vàng" vẫn như cũ, vẫn gây cười bằng những tiểu xảo đáng yêu, ngốc nghếch. Tình tiết hài hước được lồng ghép một cách khéo léo, duyên dáng. Đặc biệt là ở phần này sẽ có nhiều hơn các phân cảnh hành động của các Minions với những màn đua xe, đấu võ kungfu, rượt đuổi...
Kịch bản thuần giải trí, thiếu chiều sâu
Mặc dù nhận được rất nhiều điểm cộng ở phần hình ảnh và các yếu tố gây cười, nhưng có một điều không thể phủ nhận là Minions: The Rise of Gru còn thiếu sự đầu tư sâu về mặc kịch bản.
Điển hình là nhóm phản diện chính The Vicious 6 được xây dựng khá đơn điệu, trận chiến cuối cùng khi nhóm này nhận được sức mạnh của "12 con giáp" cũng chưa thật sự bùng nổ.
Dù biết rằng "logic" chỉ là một khái niệm tương đối với thể loại hoạt hình giải trí, nhưng trong phim cũng có không ít tình huống tình cờ ngẫu nhiên đến mức vô lý như cảnh Kelvin và Stuart lái chiếc máy bay trong vô thức nhưng nó vẫn hạ cánh an toàn, Otto ngờ nghệch trên đường đi lại được "quý nhân" trợ giúp,...
Phần mở rộng nội dung khi các Minions học võ "kung fu" ở khu phố Tàu và một số yếu tố Trung Quốc truyền thống chưa liên kết mạnh với mạch truyện chính, dẫn tới việc không ít khán giả đinh ninh liệu đây có phải lại là một "chiêu trò" để câu khách tại thị trường tỷ dân hay không.
Tuy nhiên, dù chưa mang lại những thông điệp sâu sắc như các phần phim gốc Despicable Me, nhưng tổng thể của Minions: The Rise of Gru đã làm rất tốt và nhận được phản hồi tích cực từ khán giả. Sức hút hơn 10 năm qua của các Minions chưa bao giờ giảm, và phần mới nhất này sẽ mang đến những trải nghiệm giải trí vô cùng thú vị khó quên trong mùa Hè năm nay.