Đỏng đảnh như… quán ăn ngày tết

Đỏng đảnh như… quán ăn ngày tết
TPO - Ngày cuối cùng của năm theo lịch Tây luôn là dịp hẹn hò, tụ tập của nhiều người, quán xá lại có thêm ngày đông khách, đắt hàng. Khách đông khiến các quán xá có quyền… "đỏng đảnh", “kiêu” với các “thượng đế” hơn thường ngày.

Khác với cảnh tất bật lo tết của ngày cuối năm lịch Âm, ngày cuối cùng của năm lịch Dương, mọi người lại bận với… liên hoan. Trước ngày 31-12 mấy hôm, những cái hẹn liên hoan tiễn năm cũ đã được mọi người lên lịch sắp xếp khá chu đáo. Năm nay, hai ngày đầu của năm mới rơi vào đúng thứ bảy, chủ nhật càng tạo điều kiện cho những cuộc tụ bạ với bạn bè, đồng nghiệp để xả hơi sau cả năm làm việc căng thẳng.

Như Nguyễn Hạnh (nhân viên một công ty truyền thông) lịch hẹn “đập phá” phủ hết mấy ngày nghỉ Tết Dương. Nào là đám với mấy người cùng phòng ở kí túc xá hồi đi học; đám hẹn với bạn cùng lớp đại học; rồi liên hoan với mọi người trên công ty. Hạnh cho hay: “Bọn mình hay tổ chức ở quán vừa có không khí lại có không gian. Ở quán có nhiều món, giá cũng phải chăng” – Hạnh cho hay.

Rảo qua nhiều quán ăn phục vụ cả ngày hay quán ăn đêm trên đường Vũ Hữu, Nguyễn Quý Đức hay Nguyễn Trãi, Xã Đàn, Nguyễn Huy Toàn… khách hàng nhộn nhịp vào ra như có hội. Lắm lúc xe máy của khách không còn chỗ để. Có dáng người đầm đầm, nhưng Hiếu – nhân viên trông xe một quán ăn trên đường Nguyễn Trãi trong ngày đông khách cuối năm này cũng mệt lử, nói: “Mọi ngày dù đông mấy thì vẫn còn có lúc nghỉ. Nay khách đông quá, cứ dắt xe ra, dắt xe vào liên hồi. Chỉ xếp xe cho gọn cũng đủ thở bằng tai rồi”.

Viện cớ cuối năm nhiều mặt hàng tăng đắt đỏ, nhiều quán ăn cũng được dịp tăng giá các món ăn, đặc biệt là với hoa quả, nhưng nhiều quán vẫn "cháy" bàn. Văn Chung (một khách quen của phố ăn đêm Nguyễn Quý Đức) cho hay: "So với mấy ngày trước, giá của mấy thứ như chân gà, trứng luộc hay ổi, xoài có tăng lên dăm ba nghìn".

Dù giá có chút tăng, nhưng với suy nghĩ "cuối năm rồi cũng phải kiếm thêm chút ít chuẩn bị cho cái tết cổ truyền" nhiều người là vẫn chấp nhận được. Dù kê thêm nhiều bàn, nhưng nhiều quán hết chỗ đành phải từ chối khách. Nhóm Linh (CĐ Giao thông vận tải) di chuyển tới ba bốn quán mới tìm được một bàn cho bảy người trong quán ốc Phùng Khoang. 

Bốn khu nhà của quán vịt nướng trên đường Vũ Hữu gần KTX Mễ Trì vào dịp này lúc nào cũng chật cứng khách. Có mặt tại quán tối chủ nhật rồi, tuy mới 9 rưỡi, nhưng một số món của quán chị Khánh đã "cháy" như bún, cháo; nhiều khách cũng phải chuyển đĩa vịt nướng sang luộc để khỏi phải chờ. Chị Khánh chủ cho hay: “Mấy hôm nay khách đông, quán phải đóng cửa muộn hơn. Thời gian nghỉ ngơi, ăn cơm của nhân viên cũng ít đi”.

Quỳnh Trang (Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn) cùng nhóm bạn trong lớp vẫn hay tụ tập tại quán vịt chị Khánh cho hay: "Các dịp nghỉ thế này, nhất là buổi tối, quán này đồ ăn ngon, lại rẻ nên có đông người ăn lắm. Hôm rồi bọn mình gọi một nồi lẩu vịt cho năm người với bát xáo măng, đĩa nướng... mà thiệt hại chưa đầy bốn trăm nghìn".

Đỏng đảnh

Với nét nghĩa chỉ điệu bộ không cần biết đến ai, dùng từ "đỏng đảnh" khá hợp để chỉ cung cách như không cần khách của quán xá vào dịp tết vì quá đông nên không kịp phục vụ. Những ngày này, ngay khi đến quán, các “thượng đế” sẽ được nhân viên, chủ quán đãi câu “anh chị đợi chút”. Nếu ngồi đếm thì khách cũng được đến mấy cái “tí”, “chút” mới có bàn ngồi, mới đủ các món và mới được… thanh toán. Muốn nhanh nhanh, khách phải xúm vào cùng người phục vụ dọn bàn, lấy ghế, bát đũa cũng như bưng đồ ăn… Chẳng hiếm khách này tưởng khách kia là nhân viên phục vụ nên nhờ lấy thêm cái này, bớt cho cái khác.

Chuyện vệ sinh nhiều khi bị các nhân viên... quên; hoặc có lau thì chỉ mang tính "minh họa". Làm qua loa rồi bày đồ ra phục vụ khách. Nhiều bàn ăn chưa kịp dọn sạch đang còn dính rau, lênh láng nước; bát ăn đang còn ướt rượt rượt cũng được nhân viên mang ra mà không ngần ngại. Khách phải lấy giấy ăn lau, còn người cẩn thận thì yêu cầu bát nước sôi nóng để tráng.

Quán chị Khánh có cả gần chục nhân viên, nhưng vào dịp này phục vụ vẫn không xuể. Khách phải ra tận quầy gọi món, chứ đợi nhân viên vào thì ngồi không còn dài dài. Chị Khánh phân trần: “Nhân viên phục vụ cả ngày cũng mệt, cộng với khách đông quá nên không kịp phục vụ. Chứ bỏ khách thì sau ai đến”.

Cũng khác với ngày thường, chỗ ngồi của các “thượng đế” không phải thích đâu là được mà sẽ có người… chọn giúp. Những khách đi lẻ ba bốn người sẽ được người phục vụ xếp ngồi ghép với người khác. Hà (nhân viên phục vụ một quán bia trên đường Đê La Thành) nói: “Phải làm thế mới có bàn cho những tốp khách đông. Vậy mà nhiều lúc vẫn không còn chỗ nữa đấy anh ạ”.

Cả ngày nườm nượp khách, lại phục vụ cả ngày,nhiều nhân viên phục vụ khách với nét mặt nằng nằng, khó đăm đăm. Thậm chí, chả hiếm cảnh yêu cầu của khách bị các nhân viên chạy bàn làm "lơ" hoặc cho ngồi đợi. Anh Tuấn cùng nhóm bạn làm bữa Tất niên tại một quán lẩu trên phố Phùng Hưng không khỏi bức xúc khi gọi thêm đá làm lạnh chai Votka tới bốn năm lần mà chưa thấy đâu, kể: "Sau mấy lần cứ ngồi đợi, mình phải gọi một cô phục vụ lại, chỉ thẳng mặt mà gắt lên thì mới mang ra được... bát đá".

Khác với anh Tuấn, chị Lan (Hà Đông) lại có bức xúc khi yêu cầu thêm giấy ăn, một nhân viên của quán trên đường Nguyễn Trãi không ngần ngại lâý một tờ giấy ăn có trên bàn bên cạnh đặt trước mặt chị cùng một từ gọn lỏn "đây". "Mãi sau thì bàn chị mới được cô phục vụ ấy tiếp tế cho tập giấy ăn "trần như nhộng", không hộp hiếc gì" - chị Lan nói.

Theo Viết
MỚI - NÓNG