Dòng máu da vàng trên đất Mỹ

TP - Trên hải trình từ Thượng Hải sang Mỹ, bà ấy thủ thỉ với con thiên nga: "Ở Mỹ, ta sẽ đẻ một cô con gái trông giống ta… Ở nơi đó, sẽ không có ai coi thường nó bởi vì ta sẽ bắt nó nói tiếng Anh giọng chuẩn bản địa. Và ở đó, nó sẽ luôn được no đủ đến mức không biết đến buồn phiền là gì”.

Đây là phân đoạn độc thoại mở đầu bộ phim The Joy Luck Club (Phúc Lạc Hội, 1993) kể về khó khăn và nỗi đau của những người phụ nữ Trung Quốc thuộc ba thế hệ, và cách những người mẹ gửi gắm giấc mơ Mỹ của mình vào những cô con gái để có được một cuộc đời tươi đẹp nhất như câu chuyện về con thiên nga ở trên. Những bộ phim nói về người châu Á di cư sang Mỹ theo đuổi giấc mơ đổi đời và nuôi dưỡng một thế hệ mới- những đứa trẻ người Mỹ gốc Á, luôn khiến tôi nhận ra rằng một “nửa Mỹ” ấy thật xa lạ. Vừa phải hòa nhập vào nếp sống hiện đại và tiên tiến của phương Tây, vừa phải giữ gìn đặc tính châu Á có phần bảo thủ và lạc hậu được thế hệ trước truyền lại, các nhân vật trong những bộ phim chủ đề này luôn hiện lên với sự giằng xé nội tâm, khủng hoảng danh tính và nỗi tổn thương thế hệ.

Dòng máu da vàng trên đất Mỹ ảnh 1

Nhân vật Billi thân thiết bên bà nội hiền hậu của cô

Lời nói dối giữa hai nền văn hóa

The Farewell (Lời từ biệt, 2019) của nữ đạo diễn/biên kịch Lulu Wang là bộ phim được dựa trên một “lời nói dối có thật” của chính cô. Cốt truyện của The Farewell xoay quanh việc bà nội của Billi bị ung thư phổi chỉ còn sống được ba tháng ngắn ngủi, thế nên cả dòng họ quyết định giấu kín tin này và tổ chức một đám cưới giả để những đứa con sống xa nhà có lí do về thăm bà lần cuối. Bộ phim được xây dựng trên nền tảng của một lời nói dối và chính điều này khắc họa rõ sự tương phản giữa nền văn hóa Á Đông và phương Tây. Bố của Billi cũng biết rằng đây là hành động phạm pháp ở Mỹ khi không nói thật về tình trạng sức khỏe cho người bệnh, nhưng rồi lí do này không có nghĩa lí gì vì họ đang ở Trung Quốc. Nơi bác sĩ sẽ chỉ thông báo bệnh tình cho người nhà để họ tự quyết định thay vì báo trực tiếp cho bệnh nhân. Và tất nhiên người nhà thường sẽ “giữ kín” sự thật này. Thói quen bắt nguồn từ việc coi trọng giá trị tập thể và mối liên kết xã hội của những nước Đông Á.

Khi Billi đòi phải nói sự thật cho bà nội của mình, bác của cô đã khuyên nhủ cô rằng: “Cháu muốn kể thật với bà nội vì cháu sợ phải thay nội chịu trách nhiệm. Vì gánh nặng đấy lớn quá. Cháu mà kể cho nội thì cháu sẽ không thấy tội lỗi. Còn gia đình mình giấu nội vì nghĩa vụ của ta là phải đỡ lấy gánh nặng cảm xúc ấy”.

Bộ phim không cố gắng phán xét rằng lựa chọn này là đúng hay sai vì sự khác biệt về bối cảnh xã hội và văn hóa. Thay vào đó cho thấy sự giằng xé nội tâm của Billi khi cô cố gắng hòa hợp sự khác biệt giữa hai nền văn hóa nơi cô sinh ra và nơi cô lớn lên. Để rồi cô bị xem như một người ngoại quốc tại chính quê hương mình.

Và sự hóa giải cần thiết

Nếu nói về vấn đề khủng hoảng danh tính của người Mỹ gốc Á thì không thể không nhắc đến bộ phim Everything Everywhere All at Once (Mọi thứ mọi nơi cùng một lúc, 2022). Ở khía cạnh công nghệ thì chủ đề đa vũ trụ trong phim là ẩn dụ của mạng internet nói riêng và xã hội số nói chung ở thời hiện đại, nhưng nếu nói về khía cạnh văn hóa thì có thể ví đa vũ trụ với những sự khủng hoảng danh tính của người di cư, cụ thể ở đây là người Mỹ gốc Á. Sống với tư cách là một người di cư, hay là đứa trẻ thuộc hai nền văn hóa khác nhau cũng có nghĩa là sống trong một đa vũ trụ vụn vỡ nơi các yếu tố văn hóa, lịch sử, lối sống giao thoa với nhau và tạo nên sự đối lập trong chính con người họ.

Dòng máu da vàng trên đất Mỹ ảnh 2

Everything Everywhere All at Once còn là bộ phim về xung đột thế hệ giữa mẹ và con gái người Mỹ gốc Á

Song, điều khiến Everything Everywhere All at Once mới mẻ hơn những bộ phim cũng lấy người Mỹ gốc Á là nhân vật trung tâm là bộ phim này không tiếp tục khám phá nỗi lo âu về sự khác biệt văn hóa, hay bắt nhân vật chính phải cố gắng hóa giải tình thế song đề về mặt đạo đức như The Farewell. Bộ phim này ngầm khẳng định rằng những người Mỹ gốc Á chính là công dân Mỹ - nơi trung tâm của sự giao thoa văn hóa toàn thế giới, và mọi người da trắng nên chấp nhận sự khác biệt này, dù họ có muốn hay không. Vì thế đây có thể coi là bộ phim hiếm hoi nói về người châu Á ở đất Mỹ không phải đối mặt với rào cản ngôn ngữ hay sự lạc lõng trong xã hội.

Tuy nhiên, Everything Everywhere All at Once cũng không phải một bộ phim quá xa lạ khi nó vẫn quay lại với một đề tài khá phổ biến: sự xung đột giữa mẹ và con gái của người Mỹ gốc Á. Thật sự, trong tất cả bộ phim đã xem, tôi nhận ra rằng những bộ phim phương Tây của người da trắng ít kể về mối quan hệ mẹ và con gái hơn là phim của người châu Á. Lí do có thể là vì phụ nữ châu Á từ xa xưa đã phải chịu nhiều áp bức và phân biệt đối xử hơn phụ nữ phương Tây vì họ sống trong xã hội tập thể và được dạy phải im lặng và quy phục người đàn ông trong gia đình. Từ đó sinh ra nỗi tổn thương tâm lý và đè nén cảm xúc tiêu cực, và những nỗi đau này sẽ bị đổ lên đầu của thế hệ sau, đặc biệt là con gái.

Trong phim, nhân vật chính Evelyn là một nỗi thất vọng với người bố của mình khi hồi trẻ bà đã bỏ nhà theo bạn trai sang Mỹ lập nghiệp để rồi giờ đây chỉ có mỗi một tiệm giặt là làm ăn thất bát. Còn cô con gái của bà là Joy lớn lên cũng không trở thành một người con khiến Evelyn tự hào, thay vào đó hai mẹ con suốt ngày tranh cãi với nhau, bà Evelyn luôn than phiền việc con gái mình không bao giờ gọi điện hay về thăm bố mẹ, còn Joy thì bực tức khi mẹ cô không bao giờ hài lòng với con người thật và xu hướng tính dục của cô. Dần dần, Joy trở nên có khuynh hướng tự sát vì cảm thấy cuộc đời này không còn nghĩa lí gì cả. Ở phút cao trào của phim, Joy hỏi Evelyn rằng: “Mẹ có thể trở thành mọi thứ, ở mọi nơi, tại sao không tới nơi nào con gái của mẹ tốt hơn thế này đi?” Và thay vì Evelyn có quá trình chuyển hóa từ một bà mẹ châu Á cứng nhắc trở thành một người mẹ phương Tây có lối suy nghĩ thoáng hơn, bà lại học được cách thừa nhận sự ngắn ngủi và phi lí của đời người, thế nên dù bà và con gái có nhiều khiếm khuyết đến đâu, họ vẫn là mẹ con của nhau và chọn cách ở bên nhau trong khoảnh khắc ngắn ngủi giữa đa vũ trụ này.

Dòng máu da vàng trên đất Mỹ ảnh 3

Nền văn hóa châu Á được khắc họa chăm chút trong phim Everything Everywhere All at Once

Kết lại, một điều đáng mừng khi Hollywood cuối cùng đã nhìn nhận văn hóa châu Á tại phương Tây một cách nghiêm túc và tôn trọng hơn cùng với sự ra đời của các bộ phim gần đây như Minari (Khát vọng đổi đời), Crazy Rich Asians (Con nhà siêu giàu châu Á), The Farewell, hay Everything Everywhere All at Once,... Đó minh chứng cho việc những nhà làm phim gốc Đông Á cuối cùng cũng được trao cơ hội để kể lại những câu chuyện chuẩn châu Á dựa trên trải nghiệm của mình. Không còn những bộ phim đầy khuôn mẫu độc hại về người châu Á, cũng không còn những tác phẩm chuyển thể với nhân vật gốc Á bị tẩy trắng.

Người Việt hải ngoại là con số không hề nhỏ, nhưng thật đáng tiếc hầu như không có bộ phim nào nói về người Việt, và vẫn chưa thực sự có tác phẩm điện ảnh nào làm nghiêm túc về đề tài này. Hi vọng các nhà làm phim Việt Nam sẽ thử sức với chủ đề về cuộc sống gia đình và giao thoa văn hóa của người Việt hải ngoại thay vì cứ kể đi kể lại những câu chuyện giới nhà giàu showbiz hãm hại nhau hay các mẩu chuyện tâm linh được xào nấu lại đến mức nhạt nhẽo.

Tin liên quan