Học online “vô thời hạn”, học phí không giảm còn tăng
Cũng giống như các trường Đại học trên toàn cầu, từ tháng 3/2020, các trường Đại học ở xứ chuột túi đã chuyển sang chế độ học online tại nhà để hạn chế sự lây lan của COVID-9.
Các trường đại học trên khắp thế giới đều đang áp dụng học online nhưng theo N.L - sinh viên theo học tại Queensland University of Technology (QUT), học online ở Úc có chút khó khăn hơn cho những sinh viên mới sang bởi tiếng Anh - Úc có phần “nặng”, khó nghe hơn.
"Học tại nhà không được trao đổi trực tiếp kiến thức với giảng viên cũng khiến chất lượng tiếp thu đi xuống rất nhiều” - N.L cho biết.
Tuy nhiên, các trường vẫn rất gắt gao trong việc chấm thi, vô hình chung khiến sinh viên thêm phần áp lực, nhiều bạn thậm chí còn bỏ môn giữa chừng do quá “ngợp”.
Chất lượng học tập có phần giảm sút, điều kiện học tập không được như trước nhưng các trường đại học ở Úc vẫn giữ nguyên mức học phí. Thậm chí, nhiều trường "rập rình" tăng phí vào kỳ học sau.
T.H hiện theo học ngành Business Management tại University of Queensland (UQ) chia sẻ: “Trường vốn đã “nức tiếng” với học phí cao, dự kiến kỳ sau vẫn sẽ tiếp tục tăng dù vẫn có khả năng học online”.
Trong khi đó, các bạn du học sinh mất việc làm thêm hoặc bị cắt giảm giờ làm. Bạn bị ảnh hưởng nhẹ nhàng thì chỉ đơn giản mất đi nguồn thu nhập thêm trong cuộc sống thường nhật, nhưng đối với các bạn đi du học tự thân, không có hỗ trợ kinh tế thì thực sự phải đối mặt với khủng hoảng.
T.Uyên là một trường hợp như vậy. Bình thường Uyên phải nhận 2 công việc part-time mới đủ trang trải sinh hoạt phí đắt đỏ nhưng giờ đã mất việc do giãn cách xã hội.
“Ngoài tiền học phí mình còn phải đóng cả tiền nhà, tiền ăn, tiền bảo hiểm,… Một loạt các loại tiền nhưng bị mất việc làm khiến mình hoảng sợ đến mức rụng cả tóc” - Uyên chia sẻ.
Nếu không may phải vào diện cách ly bắt buộc, bạn sẽ phải đóng 3.000 đôla Úc (khoảng 48 triệu đồng).
Chính phủ Úc có hỗ trợ gì cho du học sinh?
Không giảm học phí đại trà nhưng các trường Đại học ở Úc vẫn có những chính sách giúp đỡ cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, mất nguồn thu do dịch bệnh.
N.L chia sẻ, như ở QUT, nếu bạn thật sự khó khăn chỉ cần apply sẽ được nhà trường phê duyệt việc giảm học phí. Còn UQ thì tặng nhu yếu phẩm cần thiết nếu chẳng may sinh viên phải cách ly do dịch bệnh, mất việc làm thêm.
Đặc biệt, chính phủ Úc còn ban hành những chính sách hỗ trợ tài chính trong khủng hoảng: Du học sinh có thể dừng hợp đồng thuê nhà sớm để tìm nơi ở phù hợp với điều kiện tài chính hơn; hay có thể rút superannuation (quỹ hưu trí) sớm với sinh viên quốc tế đã đi làm hơn 1 năm…
Cuộc sống ở nước ngoài không dễ dàng, sinh hoạt đảo lộn nhưng du học sinh Việt Nam tại Úc vẫn đang cố gắng trụ vững, tận dụng các nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này.