Du lịch mùa cao điểm: "Nhặt sạn" để không dính “bẫy” khiến kỳ nghỉ mất vui

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 sắp tới là thời điểm mà nhiều bạn lựa chọn để “bung xõa” với một chuyến du lịch xả hơi. Nhưng nhắc nhỏ cho bạn nhé, đại dịch đã thay đổi ngành du lịch khá nhiều, vậy nên du lịch mùa cao điểm rất cần phải chú ý cao độ để tránh khỏi một số “bẫy” khiến ngày nghỉ mất vui.

Hạt sạn #1: Combo giá rẻ chưa hẳn đã hời

Dịch bệnh khiến ngành công nghiệp du lịch trì trệ quá lâu, vậy nên dù đang trong mùa cao điểm, các chính sách khuyến mãi vẫn được khách sạn, hãng bay “tung thính” giảm giá thường xuyên. Nếu dự định đi tới các điểm đến phổ biến như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, bạn sẽ bắt gặp nhiều lời quảng cáo rất hấp dẫn dưới dạng “quỹ phòng ngày lễ còn nhiều, khách sạn 5 sao chỉ 8XX/ người”, “combo vé máy bay + khách sạn 4 sao chỉ 1XXX/ người”… - mức giá cực ưu đãi khiến những bạn chưa từng đặt vé qua đại lý trung gian cũng phải xiêu lòng.

Du lịch mùa cao điểm: "Nhặt sạn" để không dính “bẫy” khiến kỳ nghỉ mất vui ảnh 1

Bạn Trịnh Dung (Ninh Bình) chia sẻ: “Trước giờ mình đều đặt thẳng qua website của khách sạn và hãng bay cho đảm bảo, hiếm lắm thì sẽ đặt qua các công ty bán tour du lịch uy tín chứ chưa từng đặt combo của cá nhân bán lẻ. Nhưng giờ thì mình lại giữ suy nghĩ là vừa rồi dính đợt COVID-19 khiến mọi nơi cần kích cầu du lịch, nhỡ đâu mức giá đó lại có thật? Nếu có thể đi rẻ hơn thì tội gì phải đặt trực tiếp cho đắt”.

Có cùng suy nghĩ giống Trịnh Dung, nhiều bạn mãi vẫn chưa thể “chốt đơn” cho chuyến đi chơi của mình vì không biết nên tin lời “đại lý cấp 1” tự xưng hay chọn đặt qua hệ thống chính. Chị B.T.H, một cá nhân kinh doanh tour, combo du lịch bật mí: “Nếu bạn muốn rẻ hơn 200 - 300K thì có thể, chứ nếu muốn giảm sâu thì gần như là không có chuyện đó đâu! Mình lấy ví dụ phổ biến nhất thời gian gần đây là Vinpearl, quỹ phòng trống của các đại lý rất nhiều nên bạn thường thấy chào mời voucher với giá chỉ từ 8XX/ người. Nhưng đấy chỉ là cách câu tương tác thôi, thực ra đó là mức giá dành cho 1 đêm/ người, so ra thì chẳng kém mức giá đang được giảm trên website chính thức của Vinpearl là bao.

Du lịch mùa cao điểm: "Nhặt sạn" để không dính “bẫy” khiến kỳ nghỉ mất vui ảnh 2

Các chương trình khác bao gồm vé máy bay cũng tương tự, giá rẻ thì giờ bay xấu, khách sạn 4 sao thì chỉ có mác chứ chất lượng tệ, các ưu đãi tặng kèm cũng đều là chính sách chung đặt ở đâu cũng có. Combo giá rẻ là có thật, nhưng bạn chỉ nên đặt qua những đại lý tin cậy đã được người quen bảo chứng, còn nếu không thì cứ đặt thẳng qua các công ty du lịch lớn cho yên tâm”.

Hạt sạn #2: Cẩm nang đặt phòng qua ứng dụng

Mới đây, vụ việc một khách hàng VIP của ứng dụng Agoda bị chính Agoda hủy đặt phòng khách sạn dù đã hoàn thành thanh toán thu hút sự chú ý của những ai đang rục rịch dịch chuyển. Một loạt trải nghiệm tương tự được chia sẻ cũng khiến nhiều bạn dè chừng khi thực hiện các booking qua app đặt phòng như Booking, Agoda, Traveloka… Đặc biệt trong thời gian cao điểm du lịch như 30/4 - 1/5, nhiều khách sạn kín phòng, việc đặt phòng gấp rất khó và đắt đỏ hơn nên bạn nào cũng muốn chắc chắn về kế hoạch đặt phòng của mình.

Du lịch mùa cao điểm: "Nhặt sạn" để không dính “bẫy” khiến kỳ nghỉ mất vui ảnh 3

Bạn Nguyễn Thanh Huyền (Đô Lương, Nghệ An) chia sẻ: “Một số khách sạn không yêu cầu đặt cọc, cho phép hủy miễn phí thì tiện ích cho mình, nhưng cũng rất bất tiện vì không có gì chắc chắn cho chủ khách sạn thấy rằng bạn sẽ đến nhận phòng. Những ngày lễ thì lượng khách nhiều, có thể họ sẽ ưu tiên cho ai đặt trực tiếp qua hệ thống của họ và đã chuyển tiền cọc xong xuôi”.

Các ứng dụng đặt phòng đem lại nhiều lựa chọn với mức giá phải chăng, đánh giá công khai để chúng mình tùy ý chọn lựa. Nhưng điểm trừ của các app quốc tế là thường xuyên “rớt mạng” với hội tư vấn viên người Việt Nam, những lý do như không có tư vấn viên, không phải giờ làm việc… khiến khi xảy ra chuyện, teen loay hoay chẳng biết phản ánh với ai để truy cứu trách nhiệm.

Du lịch mùa cao điểm: "Nhặt sạn" để không dính “bẫy” khiến kỳ nghỉ mất vui ảnh 4

Cách duy nhất để tránh trường hợp này là bạn hãy chủ động liên hệ với khách sạn qua phần chat trong app, hoặc liên hệ hotline để xác nhận đặt phòng của mình. Bạn cần xác nhận ngay sau khi đặt và trước ngày đi, để nếu xảy ra chuyện hết phòng khi đã đến nơi, chúng mình hoàn toàn có thể yêu cầu khách sạn chịu trách nhiệm thay vì cố liên hệ với bộ phận CSKH của ứng dụng. Nếu thực hiện đặt phòng qua các công ty du lịch hoặc app nội địa, bạn có thể yêu cầu xuất code đặt phòng để có thể kiểm tra trực tiếp với hotline khách sạn.

Hạt sạn #3: Đi tìm review “chuẩn” ở đâu?

Lo chuyện phòng, vé xong xuôi, teen bắt đầu đến bước lên danh sách điểm ăn - chơi cho chuyến đi của mình. Tìm kiếm thông tin qua các chia sẻ của những người đã từng đến chơi luôn là lựa chọn đáng tin nhất, nhưng nếu ghé thăm các group review thời điểm này, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi quảng cáo mua bán tour, đặt phòng khách sạn, đặt xe sân bay, PR quán ăn của mình… Dù có ai đó dành review “có cánh” cho một quán ăn, bạn cũng phải kiểm chứng ngay độ tin cậy bằng cách xem Facebook cá nhân của người đó có dính dáng gì đến quán hay không.

Du lịch mùa cao điểm: "Nhặt sạn" để không dính “bẫy” khiến kỳ nghỉ mất vui ảnh 5

Chẳng có cách nào khác, bạn chỉ có thể tự mình khám phá điểm đến sắp tới qua video của hội travel blogger hoặc food blogger. Phần bình luận trong bài đăng Facebook hoặc YouTube của họ sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích, chẳng hạn như đó có phải PR không, sự thật ngoài đời như thế nào, có quán ăn nào ngon hơn không…

Dù vậy, trăm nghe không bằng một lần thấy, trăm thấy không bằng một lần thử, nếu gặp khó khi tìm kiếm review hữu ích thì hãy thả lỏng, xách va li lên và đi để tự mình trải nghiệm xem sao nhé!

Du lịch mùa cao điểm: "Nhặt sạn" để không dính “bẫy” khiến kỳ nghỉ mất vui ảnh 6
Theo Ảnh mang tính minh họa
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm