Đứa con muộn là tập truyện vừa của Anatoly Alexin, nhà văn Nga chuyên viết về đề tài thiếu nhi bao gồm bao 3 câu chuyện: Anh trai tôi chơi kèn Clarinet, Đứa con muộn, Người thứ ở hàng thứ năm vừa mới ra mắt tại Việt Nam mùa hè này.
Với danh hiệu là “nhà văn tuổi trẻ”, Alexin đưa đến cho người đọc những tác phẩm truyện vừa với giọng văn hồn nhiên, hài hước, yêu đời hệt như lứa tuổi thanh thiếu niên nhưng lại không thiếu các nút thắt đầy thú vị, kịch tính đủ sức hấp dẫn với cả người lớn.
Và đằng sau những câu chuyện đó, những câu chuyện xoay quanh thế hệ trẻ nói riêng xã hội Xô Viết nửa sau thế kỷ 20 nói chung, là những bài học triết lý sâu sắc, giàu ý nghĩa không chỉ dành cho trẻ em hay những cô cậu tuổi teen mà cả những người lớn cũng cần biết, hiểu để sống tốt hơn và quan trọng hơn là để yêu thương đúng cách, thấu hiểu con.
Như bài học mà một cô giáo giỏi và nổi tiếng tận tâm, nghiêm khắc, công bằng đã về hưu với 35 năm kinh nghiệm giảng dạy chiêm nghiệm ra được đó là phải tôn trọng sự khác biệt về cá tính của từng học sinh, từng con người thay vì ép tất cả theo cùng một khuôn phép mà "một thiên tài độc ác" - một học sinh đặc biệt đã dạy cho cô trong Người thứ ba ở hàng thứ năm. Thật may là bà đã kịp nhận ra điều đó khi vừa “bắt tay” vào “sự nghiệp dạy học cuối đời” của mình với cô cháu gái đầy cá tính.
Còn trong truyện Đứa con muộn, cậu con “mọn” Lenka được cả bố mẹ và chị gái “đợi” suốt 16 năm nên khi cậu ra đời, họ bắt đầu thể hiện một tình yêu, sự quan tâm khiến cho đứa bé đó muốn chạy trốn đến tận cùng thế giới, hay còn xa hơn thế nữa.
Nhưng Lenka không vì thế mà trở nên hư hỏng hay có những hành động tiêu cực phản kháng lại người thân, cậu bé hiểu được tình cảm mọi người dành cho mình và luôn cố gắng trở thành một người trưởng thành với những suy nghĩ, hành động rất đàn ông, rất người lớn để chăm lo cho bố mẹ và giúp chị gái tìm được tình yêu của đời mình.
Những câu chuyện với những nhân vật trong tuyển tập truyện tuy có những tình huống khác nhau nhưng đều nói về những tình yêu thương có phần thái quá và vô tình khiến cho người được yêu thương cảm thấy tù túng, gò bó hơn là hạnh phúc.
Đây có thể là cầu nối để cha mẹ thấu hiểu những người trẻ tuổi mới lớn trong một xã hội dường như quá bận rộn tới mức những người trẻ tuy được chu cấp đầy đủ về vật chất nhưng lại thiếu thốn cơ hội chia sẻ với chính cha mẹ mình, hoặc bị bao bọc đến mức không thể thoải mái phát triển theo những mộng ước của bản thân.
CHANH LEO