Đưa xác suất, thống kê vào lớp 2: Giáo viên không được học sẽ dạy thế nào?

Theo thầy Tùng, lo lắng xuất phát từ giáo viên
Theo thầy Tùng, lo lắng xuất phát từ giáo viên
TPO - Theo các giáo viên, đưa xác suất, thống kê vào lớp 2 học sinh hoàn toàn có thể tiếp cận được, tuy nhiên giáo viên phải nỗ lực vì việc đổi mới lần này là cuộc cách mạng, nếu giáo viên không tự đổi mới sẽ bị đào thải.

Thông tin, trong chương trình môn Toán, giáo dục phổ thông mới được áp dụng vào dạy học sinh từ lớp 2 khiến nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, một số giáo viên đã nghiên cứu chương trình mới cho rằng, học sinh hoàn toàn có thể tiếp cận. 

Cô T.T.T, giáo viên một trường tiểu học ở Hà Tĩnh cho rằng, chương trình hiện hành quá nặng. Lớp 1 mục tiêu đơn giản là đọc thông viết thạo nhưng lên lớp 3 Toán có những bài khó, nặng nề. Vì thế, nếu đưa thêm xác suất, thống kê vào học sinh cũng sẽ đáp ứng được nhưng cả cô và trò sẽ vất vả”.

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán, Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, hiện nay thống kê được học một phần rất ít ở lớp 4, lớp 5 sau đó được đưa vào lớp 7 và học đầy đủ hơn ở lớp 10. Còn xác suất phải đến lớp 11 học sinh mới được học. Ở Việt Nam việc học xác suất thống kê được đưa vào chương trình khá muộn so với thế giới.

Cụ thể, lứa học sinh sinh năm 1991 trở về sau mới được học, còn 1990 trở về trước không được học nội dung này trong trường  phổ thông trong khi nhiều nước đưa vào dạy trong trường tiểu học từ rất sớm. Điều này chứng tỏ vai trò quan trọng của xác suất, thống kê và các em hoàn toàn có thể tiếp thu được.

Thầy Tùng cho rằng, trong chương trình mới, xác suất, thống kê trở thành trụ cột trong 3 vấn đề đại số, hình học. Điều này sẽ giúp học sinh có cái nhìn khoa học dựa vào vào số liệu để xử lý thông tin trong bối cảnh có nhiều nguồn thông tin như hiện nay. Từ đó, giúp các em có khái niệm khoa học, cách nhìn khoa học, không đánh giá hiện tượng như: do tại số đỏ số đen mà trong khoa học gọi là biến cố ngẫu nhiên.

Cũng theo thầy Tùng, trên thực tế sinh viên học xác suất, thống kê trong trường ĐH là khó nên khi nghe đến tên mọi người sẽ có phản ứng. Tuy nhiên, mọi người nên tìm hiểu xem nội dung sẽ được đưa vào như thế nào. Cụ thể, ở lớp 2, học sinh chủ yếu làm những nội dung đơn giản như thu thập số liệu: các gia đình gần nhà có bao nhiêu con. Sau đó sắp xếp thứ tự từ bé đến lớn đó là thống kê. Hay như gieo một đồng xu chỉ có 2 khả năng là sấp và ngữa; gieo một con xúc xắc 6 mặt chỉ có 6 khả năng từ 1 đến 6 mà không có khả năng thứ 7.

Tuy nhiên, điều thầy Tùng lo lắng chính là xuất phát từ phía giáo viên. Những thầy cô nhiều tuổi, trong chương trình phổ thông cũ còn không được học nội dung này, lên ĐH chương trình học kiểu khác. Vì thế, giáo viên sẽ được tập huấn tuy nhiên, muốn dạy 1 phải biết 10 thì bản thân giáo viên phải tự nghiên cứu vì đây là khái niệm bền bỉ lâu dài, nếu dạy sai học sinh sẽ rất khó khăn. Điều này buộc giáo viên phải nỗ lực.

Tuy nhiên, thầy Tùng cho rằng, đây không phải là vấn đề lớn và tin tưởng giáo viên tiểu học sẽ làm được. Bởi vì trong chương trình mới, giáo viên phổ thông phải dạy học tích hợp liên môn, do đó, bất kỳ ai cũng phải được bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để đáp ứng. “Đổi mới giáo dục lần này là cuộc cách mạng, đặt gánh nặng lên vai thầy cô rất lớn buộc họ không tự đổi mới sẽ bị đào thải. Do đó, sau khi thẩm định, các phòng, sở cần thẩm định giáo viên để đảm bảo đội ngũ đảm đương được việc đứng lớp”, thầy Tùng nói.

MỚI - NÓNG