Anh Sky ơi,
Tuần sau là lễ ra trường của tụi em rồi, vậy mà lớp em vẫn còn cãi nhau ỏm tỏi về việc chọn lựa tiết mục văn nghệ cho buổi đó, rồi làm áo lớp… Em nhìn các lớp khác vui vẻ chụp ảnh cùng nhau, rồi chạy vòng vòng kí tên lên áo lẫn nhau mà buồn ghê! Lớp em vốn dĩ bình thường đã chia rẽ rất nhiều nhóm, nhưng đến buổi lễ cuối cùng ở trường, chia tay nhau rồi mà vẫn tình hình này thì em thấy tiếc cho ba năm cấp Ba quá chừng! Anh có cách nào để “giải cứu” lớp em trong vòng bảy ngày sắp tới không anh?
Asami@...
Em thân mến!
Có một sai lầm mà anh nghĩ nhiều người trẻ luôn mắc phải: Giải quyết mọi rắc rối ở bề mặt chứ không phải tận gốc của vấn đề. Mỗi lớp học với khoảng 20 - 30 học sinh, có nghĩa là 20 - 30 cá tính, lối sống, mối quan tâm khác nhau. Sự khác biệt sẽ trở nên thú vị khi các em đủ trưởng thành để tôn trọng điều đó, đủ mạnh mẽ để chấp nhận và chia sẻ. Em đừng nhìn vào các lớp khác vui vẻ chụp ảnh cùng nhau hay chạy vòng vòng kí tên lên áo để cảm thấy tiếc nuối hoặc thương cảm cho tập thể của mình! Hãy đặt câu hỏi vì sao chừng ấy con người đã thích ứng, điều chỉnh để có thể hòa hợp với nhau.
Trong buổi ra mắt sách Mật mã yêu thương của chị Esheep - Phan Anh (cựu BTV - họa sĩ của nhà Hoa), anh đã được chị í truyền cảm hứng cho nhiều việc khác, đơn cử như giải quyết băn khoăn về một tập thể đoàn kết của em. Hôm ấy, chị Phan Anh làm cheesecake, loại bánh mà phần chân bánh rất quan trọng trong việc giữ và giúp chiếc bánh thành hình. Muốn làm phần chân bánh phải nghiền nát bánh quy hoặc bánh oreo, sau đó trộn thật đều với bơ nấu chảy nhưng nhiều người thất bại, phần chân bánh bị vỡ mà không biết tại sao. Câu trả lời của chị Esheep là hãy giã thật nhuyễn! Muốn nó hòa quyện với nhau trước hết phải giã thật sự nhuyễn mịn. Chiếc bánh quy vẫn còn đầy đủ thành phần hương vị nhưng nó thay đổi hình dạng để hòa quyện với hỗn hợp nguyên liệu khác, tạo nên một chân bánh vững chãi.
Hồi cấp Ba, ngồi cạnh một cô bạn ăn nói siêu khéo léo đến mức tạo ra cảm giác giả tạo và xa cách, anh đã chọn cách im lặng vì thấy chẳng nên quan tâm lắm! Rồi đến những ngày cuối cùng, anh băn khoăn khi cầm cuốn lưu bút của cô bạn mà chẳng biết viết gì, cũng không thể quăng bừa xã giao đôi câu vì điều đó không đúng với bản chất của anh. Ngâm cuốn sổ được hai tuần thì anh hẹn cô bạn ngồi lại sau giờ học, nói một lèo tất tần tật suy nghĩ của anh. Không ngờ sự chân thành của anh lại làm cô bạn bật khóc, còn anh chưng hửng nhận ra bạn ấy thực sự rất quan tâm đến người khác nhưng cách thể hiện không phải lúc nào cũng nồng nhiệt, hào sảng như cách của bọn anh. Anh và bạn ấy đã chơi với nhau suốt từ khi ra trường, giữ liên lạc ngay cả khi hai đứa không ở cùng một đất nước. Nhờ cô bạn ăn nói khéo léo đã làm giàu thêm vốn giao tiếp của anh, và sự chân thành của anh lại khiến bạn ấy có niềm tin vào cuộc sống.
Dĩ nhiên, khi “giã nhuyễn” sẽ có lúc thất bại, nhưng ít nhất em biết rằng đây là những người bạn chỉ đi cùng một chặng đường chứ không phải một quãng đời. Đừng cố dán một nụ cười lên tấm ảnh lớp chỉ để “giải cứu” tình bạn bảy ngày, hãy thẳng thắn chia sẻ để giải quyết vấn đề từ gốc nhé!