Đừng cố thử hút thuốc lá, bởi ngay điếu đầu tiên, bạn sẽ “lĩnh đủ” những điều này!

Đừng cố thử hút thuốc lá, bởi ngay điếu đầu tiên, bạn sẽ “lĩnh đủ” những điều này!
HHT - “Thử đi, chỉ một điếu thôi mà” là câu nói có thể khiến nhiều bạn trẻ “gục ngã” và thử hút thuốc lá. Nhưng các nghiên cứu cho thấy, ngay từ hơi thuốc đầu tiên hít vào, người dùng cũng có thể đối mặt với nhiều rủi ro.

Theo Daily Mail, ngay từ điếu thuốc đầu tiên trong đời bạn thử cũng có thể là khởi đầu cho các bệnh mãn tính, thậm chí còn gây ra những triệu chứng tức thì mà bản thân người hút thuốc không nhận ra, bởi thuốc lá ngay lập tức sẽ “can thiệp” vào chức năng chính của nhiều cơ quan trong cơ thể, “nhẹ nhàng” nhất là lo âu hay nghẹt mũi…

Thật vậy, các thống kê và nghiên cứu cho thấy, chỉ một điếu thuốc lá cũng có thể ảnh hưởng vào xoang và dạ dày của người sử dụng, làm cho nhịp tim và huyết áp tăng đột biến. Chưa hết, cả não bộ cũng bị tấn công ngay lập tức và có thể “gây nghiện” chỉ trong hơi thuốc đầu tiên.

Đừng cố thử hút thuốc lá, bởi ngay điếu đầu tiên, bạn sẽ “lĩnh đủ” những điều này! ảnh 1

Thí nghiệm với bông trong một chiếc xy-lanh thủy tinh được gắn với máy nén, đã mô phỏng phổi của người hút 300 điếu thuốc lá sẽ như thế nào. (Ảnh: Daily Mail)

Dưới đây là những rủi ro mà từng bộ phận cơ thể người hút thuốc lá lần đầu tiên có thể gặp phải:

1. Hơi thuốc đầu tiên sẽ làm “biến đổi” hơi thở của người dùng

Hút thuốc lá về cơ bản được mô phỏng như các triệu chứng của người bị bệnh hen suyễn. Trong đó, triệu chứng chính của bệnh hen là các cơn co thắt phế quản, xảy ra khi các cơ bắp lót đường hô hấp đột ngột bị thắt chặt. Các cơn co thắt ở đường hô hấp có thể dẫn đến khó thở, thở khò khè, thở hổn hển - cả người bị hen lẫn người hút thuốc lá lần đầu đều có thể gặp phải. Khi khói thuốc di chuyển sâu hơn vào phổi, nó tiếp tục “tàn phá” bộ phận này ngay lập tức.

Một video ghi lại đoạn thí nghiệm với bông trong một chiếc xy-lanh thủy tinh được gắn với máy nén, đã mô phỏng phổi của người hút 300 điếu thuốc lá sẽ như thế nào.

Chỉ sau vài phút, lượng bông trắng ban đầu đã bắt đầu chuyển thành màu vàng ở xung quanh và chỉ thêm một vài lần, toàn bộ sợi bông đã đổi màu. Tương tự, phổi của một người hút 300 điếu thuốc cũng bị tàn phá khủng khiếp như vậy!

Thông thường ở người, có những sợi lông nhỏ di chuyển bên trong phổi, được gọi là lông mao, với vai trò giống như bộ lọc, làm sạch các chất nhầy trong phổi. Thế nhưng ở người hút thuốc lá, khói đã làm tê liệt bộ lọc tự nhiên này lập tức ngay khi hút thuốc cho đến tận cuối ngày, khi người hút thuốc chìm vào giấc ngủ thì phổi mới trở lại bình thường. Sáng hôm sau, các lông mao đó “thức dậy” để thu dọn, cố gắng loại bỏ chất nhầy trong màng phổi và đó là lý do vì sao những người nghiện thuốc lá nặng có thể bị ho vào buổi sáng.

2. Hút thuốc lá khiến cho tim phải làm việc “nặng”

Ngay sau khi hít hơi thuốc đầu tiên, khói bắt đầu can thiệp vào quá trình phân giải các chất béo đã tích tụ trong cơ thể người dùng và trái tim sẽ phải bắt đầu… chạy đua để làm việc nặng nhọc hơn. Theo đó, cơ thể người hút thuốc lá sẽ bị cholesterol xấu (LDL) tàn phá nặng nề hơn, đồng thời những người này có ít cholesterol tốt (HDL) so với những người không hút thuốc.

Sở dĩ có điều này bởi nicotine trong thuốc lá đã làm suy yếu khả năng phân giải cholesterol tốt, khiến cho các chất béo trôi dạt tự do trong máu, tích tụ lại và hình thành các mảng bám vào thành mạch máu. Cứ như thế, mức cholesterol LDL dần tăng lên trong người hút thuốc lá và làm hạ mức cholesterol HDL. 

Chưa kể, nicotine là một chất kích thích, ngay lập tức làm tăng nhịp tim của người dùng thuốc lá, bất kể là nhai, hút hay hít phải. Các nghiên cứu chỉ ra rằng trái tim của người hút thuốc đập nhiều hơn 3 nhịp mỗi phút so với người không hút thuốc. Chính điều này dẫn tới nguy cơ tử vong đột ngột cao hơn, ngay cả ở những người trẻ.

3. Chỉ một chút nicotine cũng có thể kích thích axit và làm rối loạn dạ dày

Hút thuốc lá có thể gây ra trào ngược dạ dày gần như ngay lập tức, bởi nicotine làm yếu cơ chế bảo vệ của dạ dày nhưng lại có thể làm tăng lượng axit.

Dạ dày cần axit để phân giải thực phẩm và lấy năng lượng cho cơ thể hoạt động. Tuy nhiên, nó cũng phải bảo vệ chính nó bằng một lớp phủ có tính kiềm, nhằm trung hòa axit cần thiết. Dạ dày ở người hút thuốc vẫn có lớp phủ này, nhưng nicotin và khói làm cho nó mỏng hơn, giảm hiệu quả trung hòa và dẫn đến axit trào ngược.

Vì dạ dày phải “bận rộn” tăng axit, nó cũng tự giảm thiểu khả năng hấp thụ các chất cần thiết như vitamin C, vitamin E và axit folic. Từ đó có thể khiến người hút thuốc cảm thấy yếu và chán nản!

4. Ảnh hưởng lên mũi và áp lực tới tai

Xoang được lót bằng những sợi lông nhỏ, có cơ chế làm sạch đờm giống như lông mao phổi! Hút thuốc lá ngay từ hơi đầu tiên có thể ảnh hưởng tới xoang, giống như với phổi. Ngay sau khi khói đến mũi, hoạt động của các sợi lông mao bị đóng băng, khiến cho các chất nhầy bị tích tụ trong xoang và người hút thuốc vì thế dễ bị nhiễm trùng, viêm nhiễm. Ngoài ra, người hút thuốc có thể bị nhức đầu và khứu giác bị yếu đi cả ngắn hạn lẫn về lâu dài.

Chưa hết, khói thuốc cũng khiến cho đôi tai mất đi cơ chế tự làm sạch, khiến cho các chất lỏng bắt đầu bị tích tụ lại ở tai giữa, dễ biến thành nhiễm trùng và đau tai.

5. Lợi bất cập hại ngay khi hút dở điếu thuốc lá đầu tiên

Nhiều người hút thuốc cho rằng thuốc lá có thể “làm dịu” tâm trạng và thư giãn, thế nhưng các nghiên cứu cho thấy hút thuốc thuốc lá khiến não bộ căng thẳng hơn.

Nicotine tấn công não rất nhanh, trong giây lát xoa dịu những vùng kiểm soát cảm xúc, cảm giác như tác động tới cảm giác hướng và khả năng lập kế hoạch của người dùng. Thế nhưng, những cảm xúc đó chỉ kéo dài vài giây rồi ngay lập tức, người hút sẽ rơi vào cảm giác lo âu. Để lấy lại cảm giác ngắn ngủi đó, người dùng sẽ phải hút thêm một điếu thuốc và cứ thế, dần dần sẽ bị nghiện. Thuốc lá làm nhờn tác động của dopamine - một hoóc-môn quan trọng tạo cảm giác hạnh phúc. Điều này có nghĩa là bộ não của người hút thuốc sẽ không thể xử lý các hoóc-môn hạnh phúc và khiến cho mọi thứ trở nên nhàm chán, ít thú vị.

Theo Daily Mail
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm