Mì ăn liền bắt nguồn từ các loại mì Ramen Nhật Bản. Càng về sau, nó càng phổ biến ở châu Á. Sau hơn 5 thập kỷ xuất hiện, từ một sản phẩm mang tính địa phương, giờ đây mì ăn liền đã trở thành “bạn của mọi nhà”, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Cha đẻ của mì ăn liền
Cha đẻ của mì ăn liền là ông Ando Bách Phúc người Đài Loan (Trung Quốc), sinh năm 1910, tên thật Ngô Bách Phúc. Sau chiến tranh thế giới, ông nhập quốc tịch Nhật Bản và đổi tên thành Momofuku Ando. Ông đã từng có tên trong danh sách những nhân vật có tầm ảnh hưởng ở châu Á do tạp chí Time Asia bình chọn.
Momofuku Ando - cha đẻ của mì ăn liền.
Sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, nước Nhật bị ảnh hưởng nặng nề, nhân dân lầm than, đói khổ. Cảnh tượng người dân xếp hàng dài để chờ mua tô mì ăn trong thời tiết giá rét khiến ông Monofuku Ando vô cùng trăn trở. Ông nung nấu quyết tâm phải cho ra một loại mì sao cho chỉ cần cho nước nóng vào là có thể ăn ngay, giúp tiết kiệm thời gian chờ đợi. Và thế là một “phòng nghiên cứu” nhỏ được thành lập ngay trong vườn nhà.
Nghe thì tưởng dễ, chỉ mỗi quyết tâm thôi chưa đủ. Ông Ando thất bại hết lần này đến lần khác cho đến khi nhìn thấy vợ mình cho mì vào trong chảo dầu để mì định hình và bảo quản lâu hơn. Và thế là mì ăn liền ra đời. Có lẽ chính ông cũng không tưởng tượng được phát minh này có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới.
Mỳ ăn liền tại Việt Nam - “bạn” của mọi nhà
Từ đầu thập niên 70 thế kỷ 20, các tư sản người Hoa ở Sài gòn bắt đầu sản xuất mì ăn liền theo phương pháp của ông Ando. Sau ngày đất nước thống nhất, dịp Quốc khánh năm 1975, mỗi công nhân viên chức ở Hà Nội và Trung ương đều được phân phối mỗi người 2 gói mỳ chở từ Sài Gòn ra.
Theo số liệu của Bộ công nghiệp, năm 2005, tổng sản lượng các loại mì, cháo, phở ăn liền do khoảng 40 công ty sản xuất ở Việt Nam lên đến 2,5 tỷ gói.
Hiện nay, mì ăn liền là loại lương thực dự trữ số một thế giới, được nhiều nước tin dùng trong những trường hợp cứu đói khẩn cấp.
Với ưu điểm được sản xuất qua công nghệ hiện đại, sản phẩm mì ăn liền luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó món ăn này được xem là lương thực có tính xã hội cao, trở thành thực phẩm dự trữ của nhiều quốc gia có nhiệm vụ tiếp tế, cứu trợ.