Đừng học nhiều, hãy nâng trình “thông minh” bằng những kỹ thuật đỉnh cao này

HHT - Đừng “study hard” nữa, mà hãy “study smart” đi bạn! Học vừa phải mà hiệu quả để có nhiều thời gian cho những hoạt động khác nữa nhé!

Học ngoại ngữ không nhất thiết phải là một quá trình chậm chạp và vất vả. Tất nhiên là bạn vẫn cần chăm học, nhưng nếu có những kỹ thuật thông minh thì bạn sẽ học cực hiệu quả mà không cần ngồi suốt ngày ở bàn đâu! Hôm nay, bọn mình sẽ giới thiệu với các bạn một số kỹ thuật “study smart” để học ngoại ngữ nhé:

1. Kỹ thuật dùng flashcard - bìa hoặc điện tử

Flashcard là công cụ học từ rất tốt, nên các em bé mới học đọc cũng hay dùng flashcard đó. Với những miếng bìa mà một mặt là từ, một mặt là hình hoặc giải nghĩa, hoặc câu ví dụ (nói chung có nhiều kiểu lắm), bạn sẽ ghi nhớ từ rất nhanh. Nhưng đi đâu cũng mang theo một tập bìa thì nặng túi, nên nếu dùng flashcard điện tử thì tiện hơn nhiều.

Đừng học nhiều, hãy nâng trình “thông minh” bằng những kỹ thuật đỉnh cao này ảnh 1 Dùng flashcard là kỹ thuật được khuyên dùng khi bạn học ngoại ngữ.

Bạn chỉ cần vào App Store, tìm flashcard là ra nhiều ứng dụng cho phép bạn dùng flashcard học ngoại ngữ nhé. Với một số ứng dụng, bạn còn có thể tự tạo flashcard, thậm chí cả flashcard cho bất kỳ môn nào mà bạn cần ghi nhớ (Toán, Lý…) nữa. AnkiApp là ứng dụng khá nổi vì được xếp là “một trong những ứng dụng học ngoại ngữ tốt nhất” đấy.

Khi học bằng flashcard, bạn nhớ đoán ý nghĩa của từ trước khi lật ra xem - bởi vì mục đích của flashcard là thử trí nhớ của bạn mà. Nếu được, bạn cũng nên đọc định nghĩa của từ bằng ngoại ngữ đã, rồi hãy đọc ý nghĩa của nó bằng tiếng Việt. Như thế thì bạn sẽ nhớ lâu hơn, và đó cũng là cách để củng cố kỹ năng đọc hiểu, đoán nghĩa của bạn.

2. Kỹ thuật hình dung

Mỗi khi học một từ hay một cách diễn đạt, bạn hãy hình dung ra hình ảnh tượng trưng trong đầu mình. Rồi hãy phát âm từ hay cụm từ đó lên. Kỹ thuật này giúp bạn kết nối khái niệm với hình ảnh, để nhớ dễ hơn.

Đừng học nhiều, hãy nâng trình “thông minh” bằng những kỹ thuật đỉnh cao này ảnh 2 Học từ hay cụm từ khó nhớ, bạn hãy tưởng tượng ra hình ảnh trong đầu mình nhé.

3. Kỹ thuật dùng cử chỉ

Não chúng ta học tốt hơn khi kết hợp hành động thể chất với lý thuyết. Bạn hãy tận dụng đặc điểm này nhé. Ví dụ, khi học từ Schuh (giày) trong tiếng Đức, hãy đọc nó lên rồi giả vờ đi giày vào chân.

Đừng học nhiều, hãy nâng trình “thông minh” bằng những kỹ thuật đỉnh cao này ảnh 3 Học cái gì, bạn nên thực hành (hoặc giả vờ thực hành) luôn cái ấy!

4. Kỹ thuật xen kẽ

Khi học ngoại ngữ, không phải lúc nào bạn cũng có cơ hội luyện tập trong nhiều ngữ cảnh, đặc biệt là khi vốn từ của bạn chưa nhiều. Vì vậy, bạn hãy dùng các từ của ngoại ngữ mà bạn học trong chính tiếng Việt. Chẳng hạn, khi học tiếng Tây Ban Nha, bạn có thể nói: “Mình chỉ toàn ở casa thôi” (casa có nghĩa là “nhà”). Ban đầu, bạn sẽ thấy nghe hơi kỳ cục, nhưng cứ kệ, đây là cách để dùng từ thường xuyên mà.

Đừng học nhiều, hãy nâng trình “thông minh” bằng những kỹ thuật đỉnh cao này ảnh 4 Bạn cứ nói xen kẽ nhiều thứ tiếng cũng được, không sao cả.

5. Kỹ thuật từ khóa

Hãy tạo ra một câu với nghĩa của từ mới và một từ trong tiếng Việt có cách phát âm tương tự. Ví dụ nhé, khi bạn học từ mess (đống bừa bãi), bạn có thể tạo thành một câu thế này: “Đống bừa bãi này rộng cả mét!” (vì từ mess phát âm gần như “mét”). Không phải lúc nào bạn cũng áp dụng được kỹ thuật này, nhưng với những từ mà bạn dùng được kỹ thuật từ khóa thì bạn sẽ nhớ rất nhanh và rất lâu.

Đừng học nhiều, hãy nâng trình “thông minh” bằng những kỹ thuật đỉnh cao này ảnh 5 
Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm