Có một câu chuyện vui thế này: John và David là hai người bạn cùng phòng ký túc xá. Một hôm, sau ca làm thêm, John về phòng với bộ dạng uể oải. Tuy nhiên, David không để ý đến điều đó mà lập tức than phiền:
- Này John, cậu có biết là phòng tắm của bọn mình bị hỏng bình nước nóng không? Mà xà phòng thì hết rồi, lần trước là tớ mua nên lần này đến lượt cậu đấy; sao cậu toàn để tớ lo hết mọi việc trong phòng chúng ta vậy…
- Ôi, David, làm ơn… - John rên rỉ - Cả ngày tớ với cậu mới gặp nhau mà cậu không thèm hỏi thăm tớ một câu sao…
David cảm thấy ái ngại quá, liền hỏi:
- Cậu nói cũng phải, tớ vô tâm quá… Nào John, ngày hôm nay của cậu thế nào?
- Trời đất ơi, David! - John vẫn rên lên - Chỉ toàn là những chuyện tớ chẳng muốn nói đến, thà cậu đừng hỏi còn hơn…
Đọc câu chuyện này thì bạn thấy John có vẻ như là kiểu người “gì cũng nói được”; nhưng thực tế, mỗi người có thể đều đang có những khó khăn mà người khác không hiểu được…
Như câu chuyện sau đây - không phải là chuyện vui như phía trên nữa nhé…
Một vị bác sĩ vội vã chạy tới bệnh viện sau khi được triệu tập vì một ca phẫu thuật gấp. Ông nghe nói rằng bệnh nhân là một cậu bé bị tai nạn gãy chân, phải mổ ngay may ra sau này mới đi lại bình thường được. Sau khi nắm được tình hình, ông đã thay quần áo nhanh hết mức có thể và chạy thẳng tới phòng phẫu thuật. Ở đó, bố của cậu bé bệnh nhân đang đi đi lại lại ở hành lang, đợi bác sĩ.
Vừa nhìn thấy bác sĩ, ông bố đã quát tháo:
- Tại sao lâu như thế rồi ông mới đến? Ông có biết là con trai tôi đang gặp nguy hiểm không? Ông có một chút trách nhiệm hay lương tâm nào của bác sĩ không vậy?
Vị bác sĩ nhỏ nhẹ đáp:
- Tôi rất tiếc. Lúc nãy tôi không có mặt ở bệnh viện và tôi đã đến nhanh hết mức có thể sau khi nghe điện thoại. Bây giờ anh hãy bình tĩnh lại để tôi có thể làm tốt công việc của mình.
- Ông bảo tôi bình tĩnh sao? Nếu con ông đang nằm chờ trong phòng phẫu thuật vào lúc này đây, thì ông có bình tĩnh được không? Nếu con trai ông phải chịu nguy hiểm trong khi chờ bác sĩ đến, thì ông sẽ làm gì? - Ông bố vẫn giận dữ la lối.
Vị bác sĩ vẫn dịu dàng đáp:
- Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức. Anh hãy ở đây và mong mọi điều tốt lành cho con trai mình.
- Ông đâu có ở trong hoàn cảnh của tôi, ông chỉ việc khuyên bảo người khác thì tất nhiên là dễ lắm! - Ông bố vẫn lẩm bẩm.
Ca mổ kéo dài vài giờ đồng hồ. Cuối cùng, vị bác sĩ ra khỏi phòng phẫu thuật, mỉm cười với ông bố của bệnh nhân và nói:
- Chúng ta có thể thở phào rồi. Ca mổ của con trai anh đã thành công, sau một thời gian tập luyện, cháu sẽ đi lại được bình thường.
Và không đợi ông bố trả lời, vị bác sĩ vừa rảo bước đi vừa nói:
- Nếu anh còn thắc mắc gì nữa, hãy hỏi các y tá nhé.
Khi một cô y tá đi ra, ông bố bình luận:
- Tại sao ông bác sĩ phẫu thuật lại kiêu ngạo thế? Chẳng lẽ ông ta không thể dành vài phút để tôi hỏi về tình trạng của con trai tôi sao?
Cô y tá vừa lau mồ hôi trên trán, rồi lau đôi mắt ướt, và đáp:
- Hôm qua, con trai của ông ấy cũng gặp tai nạn nghiêm trọng. Ông ấy đang chờ ở một bệnh viện khác, vì con ông ấy phải phẫu thuật não. Chúng tôi đã gọi ông ấy về mổ cho con trai anh, vì ông ấy là bác sĩ giỏi nhất về phẫu thuật chân tay ở viện chúng tôi. Bây giờ ông ấy đã mổ thành công cho con trai anh rồi, ông ấy phải trở lại viện bên kia để xem ca mổ não của con trai ông ấy ra sao.
Có lẽ chúng ta không cần biết phản ứng của ông bố trong câu chuyện này nữa. Điều chúng ta cần nhớ là đừng bao giờ phán xét ai bởi bạn không thể biết được là cuộc sống của họ thế nào, họ đang phải trải qua những gì. Mỗi người bạn gặp chắc chắn đều đang có một cuộc đấu tranh nào đó, nên hãy thông cảm và hãy tử tế thay vì phán xét, bạn nhé.