Đứng vững trước cơn bão chê bai, bạn sẽ học hỏi được nhiều điều từ nó đấy!

HHT - Những lời chê bai, phê bình, nhận xét thì không đơn giản để đón nhận tí nào, nhưng không có nghĩa là lời chê luôn mang tính tiêu cực. Có thể đứng vững trước cơn bão chê bai, bạn thậm chí còn học hỏi được nhiều điều từ nó nữa đấy! 
Thuốc đắng chưa bao giờ dễ nuốt
Tình huống như sau: Bạn và cô bạn thân đang chuẩn bị đi dự tiệc, sau khi trang điểm xong, đứng trước gương bạn cảm thấy tự hào: “Công nhận là mình xinh thật chứ đùa à!”. Ai ngờ, cô bạn kia thảng thốt: “Trời ơi, sao mày làm gì mà trông như đi diễn tuồng thế kia!”. Đơn giản chỉ vậy thôi nhưng cảm giác bị dội cả gáo nước lạnh vào mặt.
Đây cũng chỉ là một ví dụ hết sức đơn giản cho mô-típ đột nhiên bị bỉ bai và cú sốc nó mang lại cho nạn nhân hoặc có thể nói là người hưởng lợi. Bởi hầu hết mọi người đều không thích nghe những lời chê bai hay chỉ trích mình nhưng không phải lúc nào nó cũng mang tính chất tiêu cực.
Đứng vững trước cơn bão chê bai, bạn sẽ học hỏi được nhiều điều từ nó đấy! ảnh 1

Những lời phê bình có tính xây dựng thực sự rất có ích cho bạn đấy.

Lời chê bai giúp chúng ta có thể rút được kinh nghiệm cho bản thân để không phạm phải sai lầm tương tự. Thêm vào đó, hãy nghĩ là nếu ai đó có đưa ra những lời nhận xét như vậy, thì nghĩa là họ cũng quan tâm, chú ý đến vấn đề của bạn, chứ không phải ậm ừ cho qua chuyện. Những lời phê bình có tính xây dựng thực sự rất có ích cho bạn đấy - vấn đề chỉ là bạn sẽ đối mặt với nó như thế nào cho khôn ngoan thôi!
Ở lĩnh vực này, xin có vài lời tư vấn cho bạn:
Quy tắc số 1: Ăn miếng trả miếng ngay là một ý kiến rất tồi
Đứng vững trước cơn bão chê bai, bạn sẽ học hỏi được nhiều điều từ nó đấy! ảnh 2 Thử nhìn nhận lại vấn đề xem có phải lời chê bai kia cũng có lí không, nếu có thì mình nên thay đổi hay rút kinh nghiệm như thế nào? 
Những lời nói chê bai bao giờ chẳng khó nghe, nhưng ngay lập tức ném chì lại thì sẽ chỉ làm mọi việc rối tung lên thôi. Hãy hít một hơi thật sâu, lắng nghe và suy nghĩ kĩ. Thử nhìn nhận lại vấn đề xem có phải lời chê bai kia cũng có lí không, nếu có thì mình nên thay đổi hay rút kinh nghiệm như thế nào? Ví dụ như tình huống trên, bạn sẽ thấy cô bạn kia nhận xét cũng đúng.
Má không nên đánh đậm, không nên kẹp mi giả làm gì, trông mắt mình cứ đơ đơ, chỉ cần một chút mascara là quá ổn rồi. Và quan trọng là, cô ấy giúp bạn chỉnh sửa lại, và trông bạn khá khẩm hơn nhiều. Rõ ràng là cô bạn kia có ý tốt, muốn mình nhìn sao cho “ nuột” nhất thôi, cho dù cách nói của cô ấy hơi phũ.
Quy tắc số 2: Đồng ý trên một khía cạnh nào đó, nhưng vẫn có chính kiến của mình
Đứng vững trước cơn bão chê bai, bạn sẽ học hỏi được nhiều điều từ nó đấy! ảnh 3 Phản ứng mãnh liệt trước những lời chỉ trích là điều hoàn toàn không nên.
Phản ứng mãnh liệt trước những lời chỉ trích là điều hoàn toàn không nên, nhưng nếu bạn thấy mình có lí thì vẫn có thể giải thích hoặc nêu quan điểm của bản thân một cách nhẹ nhàng và khéo léo. Ví dụ giờ giới nghiêm của bạn là 10h nhưng tối qua 11h đêm bạn mới mò được về đến
nhà. Chắc chắn bạn sẽ phải hứng chịu bản trường ca muôn thuở, nào là con gái con nứa đi đến nửa đêm mới về nhà, lớn rồi nên bắt đầu định nổi loạn.
Nhưng rõ ràng bạn có thể giải thích rằng: Bạn biết mình như vậy là sai nhưng vì đấy là buổi liên hoan chia tay người bạn thân nhất trước khi đi du học. Bạn thật sự muốn ở bên cô bạn đến khi buổi liên hoan kết thúc chứ không muốn về sớm. Với lý do hợp tình và thái độ “nhận tội” thành khản thì chắc chắn bố mẹ sẽ hiểu thôi.
Quy tắc số 3: Không “Đẽo cày giữa đường”, theo đuổi mục đích của mình tới cùng!
Đứng vững trước cơn bão chê bai, bạn sẽ học hỏi được nhiều điều từ nó đấy! ảnh 4 Chỉ cần chúng ta cân nhắc thật kĩ để biết mình thật sự muốn gì và nên làm gì.
Một bạn tâm sự: “Hồi thi vào đại học, bố mẹ muốn tôi vào Ngoại Thương để có đầu ra là tương lai tươi sáng. Nhưng mình lại muốn vào Kiến trúc theo đuổi ước mơ làm kiến trúc sư. Đây là ước mơ từ hồi bé tí và đến lúc lớn vẫn không hề thay đổi. Mọi người phản đối dữ dội lắm, làm mình thấy rất áp lực, nhưng cuối cùng mình vẫn thi vào Kiến trúc theo tâm nguyện của bản thân, dù biết là học hành sẽ vất vả hơn rồi chưa kể là tương lai sẽ mờ mịt hơn nữa. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì mình thấy mình đã làm đúng, và mình hạnh phúc với quyết định của mình”.
Bạn thấy đấy, nhiều khi mình phải chấp nhận là khó có thể làm vừa lòng tất cả mọi người, và khó có thể đạt được sự hoàn hảo tuyệt đối. Chỉ cần chúng ta cân nhắc thật kĩ để biết mình thật sự muốn gì và nên làm gì. Và nếu lỡ có quyết định sai lầm thì nó cũng sẽ giúp chúng ta tiến bộ hơn ở những lần sau, chứ tuyệt đối không bao giờ khiến bạn hối hận.
Quy tắc số 4: Đừng đưa ra những lời chống chế
Khi bị phê bình dù sự thật là ta hiểu mình sai lè ra rồi, nhưng một-điều-gì-đó vẫn khiến ta gân cổ cãi hoặc đưa ra lí do nọ kia cho việc làm của mình. Thay vì bao biện, bạn có thể nghĩ đến trường hợp thế này: Bạn luôn có tác phong cao su, làm cái gì cũng phải để đến sát giờ mới làm, và đôi khi chậm trễ deadline 1 - 2 ngày.
Bạn nghĩ là: Ui xời có sao đâu, cuối cùng người trưởng nhóm cũng hoàn thành được mọi việc cơ mà, việc gì mà cứ phải cuống hết cả lên thế. Đến một ngày, vào một lớp khác và lần này bạn là trưởng nhóm. Với cương vị mới, chẳng hiểu sao bạn muốn mọi thứ thật trơn tru, và phải được điểm 9 - 10 như mọi khi. Nhưng trong nhóm có một cô bạn, mắc bệnh cao su y như bạn vậy, làm bạn nhiều lúc như phát điên vì không thể tổng hợp các bài để nộp được. Và một loạt các kế hoạch sau đó của bạn đã bị ảnh hưởng vì việc này đè lên việc kia.
Khi thấy rõ ràng là mình sai, đi chệch nguyên tắc thì nhất định phải sửa, chứ đừng chỉ có lí do lí trấu hay ậm ừ cho qua chuyện. Lúc này lời nói chẳng có tác dụng gì với người dám phê bình bạn và với chính bản thân bạn nữa.
Theo Ảnh mang tính minh họa
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm