Đuối nước trẻ em: Những 'bài học' đau thương người lớn cần chú ý

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - PGS. TS. Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng chống Chấn thương, trường ĐH Y tế Công cộng cho biết, các trường hợp đuối nước trẻ em những năm gần đây xảy ra trong rất nhiều hoàn cảnh khác nhau với nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Để tìm hiểu điều này, nghiên cứu Đánh giá Chương trình Can thiệp phòng chống đuối nước trẻ em dưới 15 tuổi vào các giai đoạn 2018 và 2019 của Trường Đại học Y tế Công cộng đã tìm đến từng gia đình có trẻ đuối nước để tiếp xúc và tìm hiểu thông tin từ những người chăm sóc của trẻ.

Từ đó rút ra được rằng, dù cho có đặc thù riêng tại từng địa bàn, những bài học chung từ những trường hợp thương tâm này có thể được đúc kết lại như sau:

Sự thiếu giám sát từ người chăm sóc trẻ

Với nhóm trẻ dưới 6 tuổi, các em là nhóm hiếu động, thích nghịch nước, hầu hết vẫn chưa biết bơi và nhận thức về mối nguy hiểm còn chưa đầy đủ, đuối nước thường xảy ra khi bố mẹ hoặc người chăm sóc đang bận làm việc nhà như nấu cơm, không chú ý tới trẻ, để trẻ tự chơi một mình không có ai giám sát.

Tại khu vực nông thôn, trẻ sống cùng ông bà, bố mẹ đi làm xa, anh chị em tự chơi với nhau và không có sự giám sát của người lớn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các vấn đề về tai nạn thương tích nói chung và tử vong do đuối nước nói riêng. Các địa điểm nguy cơ cao đôi khi rất gần hoặc nằm ngay trong khuôn viên nhà như ao hồ, hố nước, không có rào chắn hay biển cảnh báo nguy hiểm.

Trẻ em còn thiếu kỹ năng, kiến thức phòng tránh đuối nước

Trẻ từ 6 đến 15 tuổi có thể trạng lớn hơn, có thể biết bơi và đã biết nhận thức về mối nguy hiểm nhưng đây là lứa tuổi còn ham chơi, khám phá. Các trường hợp tử vong được chủ yếu do đi chơi gần ao hồ, sông, biển hoặc đi tắm, địa điểm thường xa nhà hơn nhóm trẻ dưới 6 tuổi. Thời gian trẻ được nghỉ hè hoặc sau khi tan học, thời tiết nóng, nhu cầu đi bơi, đi tắm nhiều hơn nên các trường hợp tử vong xảy ra nhiều hơn.

Các trường hợp đuối nước tập thể rất cao

Trong các năm năm trở lại đây, có khá nhiều trường hợp đuối nước tập thể xảy ra thường xuyên hơn, ở nhiều địa phương trong cả nước. Riêng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2019 có 5 vụ đuối nước tập thể, trong đó 1 vụ xảy ra vào tháng 5 khiến 4 trẻ tử vong cùng lúc tại địa bàn huyện Vĩnh Lộc. Các trường hợp đuối nước tập thể xảy ra khi các em khác cố gắng cứu lẫn nhau, khi sự cố xảy ra trẻ không biết cách cứu đuối, trong sự hoảng loạn có thể dẫn tới tử vong cho cả 2 trẻ.

Sự cần thiết của việc sơ cấp cứu trẻ bị đuối nước tại cộng đồng

Bên cạnh những trường hợp tử vong, nghiên cứu có cơ hội tiếp xúc với một số trường hợp may mắn được người lớn cứu lên và sơ cứu kịp thời. Trường hợp vụ đuối nước xảy ra tại Quảng Bình nhóm trẻ kêu cứu và may mắn được người dân gần đó phát hiện, khi được vớt lên, trẻ đã ngừng thở, cơ thể vẫn ấm, hồng hào nên người cứu hộ thực hiện hồi sinh tim phổi: “Mình thấy bọn trẻ con tri hô lên có người chết đuối. Bơi ra thì túm được cả 2 đứa lôi vào rồi sơ cứu. May mắn là cứu được 2 bé”- một người cứu nạn chia sẻ sau khi đã cứu thành công 2 trẻ bị đuối nước. Trong trường hợp này, người cứu nạn có kiến thức về sơ cấp cứu và đã từng cứu nhiều người bị đuối nước trước đây. Sau khi tai nạn xảy ra, trẻ bị ốm phải nằm viện 1 tuần và sau đó vẫn rất nhút nhát và sợ nước.

Từ những bài học nêu trên, có thể thấy rằng hậu quả thương tâm của đuối nước trẻ em là hoàn toàn có thể phòng tránh được, nhiều chương tình can thiệp đã được đưa ra để giảm nhẹ gánh nặng đuối nước từ phía các tổ chức và chính phủ. Tuy nhiên, nhận thức và sự vào cuộc của cộng đồng và từng cá nhân vẫn là yếu tố quyết định đến việc bao nhiêu trẻ em sẽ được bảo vệ khỏi mối nguy cơ to lớn này.

MỚI - NÓNG