Từ Long Thành Cầm Giả Ca, Lục Vân Tiên đến Thiên Mệnh Anh Hùng, Mỹ Nhân Kế hay gần nhất là dự án fantasy Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể, cổ phục dù xuất hiện khá rời rạc nhưng đã manh nha làn sóng "chấn hưng cổ phục” trong làng giải trí Việt.
Hai năm trở lại đây, phong trào sử dụng cổ trang trong các sản phẩm giải trí được “khởi xướng” bởi MV Anh Ơi Ở Lại của Chi Pu. Giám đốc phục trang - NTK Nguyễn Dũng Minh tái dựng câu chuyện Tấm Cám qua phục trang thời Hậu Lê với những chiếc áo giao lĩnh, viên lĩnh cùng những gam màu cổ phong Việt. Ê-kíp phục trang đã làm việc với các đơn vị nghiên cứu cổ phục uy tín như Vietnam Centre, Ỷ Vân Hiên nhằm thiết kế phục trang gần nhất với những gì tư liệu ghi chép và tiến hành thực hiện 7 bộ trang phục sử dụng trong MV.
Phượng Khấu chưa hạ nhiệt, tới lượt Hòa Minzy tung hình ảnh tạo hình Nam Phương Hoàng Hậu trong MV Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp. Với lần trở lại đậm chất cổ trang, cô ca sĩ gốc Bắc Ninh đầu tư khoảng 140 bộ trang phục cho toàn bộ nhân vật. Theo đạo diễn Kawaii Tuấn Anh, ê-kíp đã kết hợp 3 đơn vị cố vấn và sản xuất phục trang cho đoàn. Tất cả phục trang đều phỏng dựng lại từ hình ảnh tư liệu của vị hoàng hậu cuối cùng.
Nhìn lại nền điện ảnh Trung Quốc, từ cuối thế kỷ 19, những tác phẩm điện ảnh cổ trang của họ đã nhen nhóm phát triển. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, ngành công nghiệp giải trí - điện ảnh Hoa Ngữ mới đẩy mạnh khâu nghiên cứu cổ phục và chế tác. Điển hình như Chân Hoàn Truyện tạo được trào lưu bám sát cổ phục khi xây dựng “gia tài” phục trang đồ sộ hơn nghìn bộ.
"Người em kế nhiệm" Mị Nguyệt Truyện lại đẩy mạnh yếu tố văn hóa - phục trang thời tiền Tần qua từng lời thoại nhân vật. Năm 2018, đội ngũ phục trang Như Ý Truyện đã phỏng dựng nhiều bộ xiêm y nhà Thanh còn lưu lại qua hình ảnh. Ê-kíp tiết lộ: Rất nhiều phục trang, phục sức trong phim là cổ vật.
Tuy nền cổ phong Việt Nam mới phát triển gần đây, nhưng dựa vào những yếu tố văn hóa đại đồng tiểu dị (*), sự nỗ lực từ các phía sản xuất lẫn sự quan tâm của công chúng, phong trào chấn hưng cổ phục trong các sản phẩm điện ảnh - giải trí ở Việt Nam đang rất lạc quan.
Đại diện cho cộng đồng cổ phục “Đại Việt Cổ Phong” với gần 130.000 thành viên, anh Đông Nguyên chia sẻ: “Các nhà làm phim không nên tránh né các trang phục nhìn "hơi hướm" Trung Hoa vì việc tránh né đó về lâu về dài là bất khả thi, nhất là nếu làm phim về các thời đại xưa như Lý, Trần, Lê. Thay vì tránh, các nhà làm phim nên chuẩn bị sẵn tư liệu, cơ sở để cung cấp cho công chúng những thông tin đúng đắn”.
Phía nhà sản xuất, đại diện phim Trưng Vương (She-Kings) cho biết: “Chúng tôi mất gần 5 năm làm việc với nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu, chuyên gia lịch sử và 10 họa sĩ để tìm hiểu, sáng tạo trang phục, hoa văn, vật dụng, vũ khí, bối cảnh và câu chuyện liên quan đến Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, phim này không gọi là phim lịch sử mà sẽ là phim huyền sử - dã sử vì có bối cảnh 2.000 năm trước. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để có thể đối chiếu, so sánh thêm nhiều tư liệu và thực hiện trang phục làm sao vừa chuẩn với thẩm mỹ hiện đại, vừa kết hợp từ kiểu dáng truyền thống của lịch sử".
Trào lưu nghiên cứu tìm tòi cổ phục hiện vẫn đang diễn ra sôi nổi. Nhiều nghiên cứu, hiểu biết mới về cổ phục có giá trị được công bố và được công nhận rộng rãi về tính xác tin. Cổ phục Việt vốn dĩ rất đẹp đẽ và phong phú. Dưới tinh thần lạc quan nhất, các nhà sản xuất đều có chung kì vọng sẽ thay đổi dần quan niệm của nhiều người về cổ phục Việt Nam, không còn bị đóng khung trong áo dài khăn đóng nữa.
Đã đến lúc, nền cổ phục Việt Nam cho ra đời những sản phẩm đại chúng tương xứng với 4.000 năm văn hiến của dân tộc. Điều nhà sản xuất cần để hòa nhịp với xu hướng cổ phục hiện tại là có ê-kíp nghiên cứu và tư vấn bài bản về phục trang, đội ngũ sáng tạo có nền tảng hiểu biết lịch sử, cũng như sự đồng hành, thông tin rộng rãi những nghiên cứu giá trị đến công chúng. Khi 3 yếu tố ấy hòa quyện tốt, các sản phẩm điện ảnh - giải trí mang yếu tố cổ trang - cổ phục của Việt Nam sẽ thực sự thoả mãn được kỳ vọng của khán giả nước nhà.
(*) Đại đồng tiểu dị có nghĩa chung là giống nhau phần nhiều, nhưng có những điểm khác biệt nhỏ rất đặc trưng. Các quốc gia như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc đều chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc do các yếu tố lịch sử tạo nên. Cụ thể, các triều đại phong kiến đầu tiên của Việt Nam luôn học tập các lễ tiết và triều phục của Trung Quốc. Mặt khác, do thời tiết và hành vi lối sống, Việt Nam luôn giữ những đặc trưng riêng như nhuộm răng, đi chân đất, xõa tóc dài - đây gọi là tiểu dị. Các quốc gia đều có tiểu dị của riêng mình.