Gần 1/5 giáo viên trường trung học công lập Mỹ phải làm nghề tay trái để kiếm sống

Gần 1/5 giáo viên trường trung học công lập Mỹ phải làm nghề tay trái để kiếm sống
HHT - Một nửa trong số này có công việc thứ hai ngoài lĩnh vực giáo dục, chỉ 5% chọn dạy thêm hoặc gia sư ngoài giờ dạy, 4% có nghề tay trái không phải là giảng dạy nhưng vẫn liên quan lĩnh vực giáo dục.

Mức lương nghề giáo thấp buộc nhiều người phải làm thêm nghề phụ ở cửa hàng quần áo, đồ ăn nhanh ngoài giờ giảng.

Trên toàn quốc, các giáo viên làm nghề tay trái kiếm trung bình 5.100 USD mỗi tháng để bổ sung vào thu nhập của họ. Trong đó, những người làm thêm ở lĩnh vực phi giáo dục kiếm được 5.500 USD (nhiều hơn khoảng 1.000 USD) so với đồng nghiệp làm nghề tay trái liên quan đến lĩnh vực giáo dục (4.500 USD).

Những con số này được lấy từ Khảo sát Giáo viên và Lãnh đạo các trường học toàn quốc (NTPS) năm 2015-2016, thực hiện bởi Bộ Giáo dục Hoa Kỳ.

Trung tâm Quốc gia về Thống kê Giáo dục (NCES) đã công bố định kỳ những phân tích mới có ý nghĩa quan trọng từ khảo sát đó. Các phân tích trước đây cho thấy, giáo viên dành trung bình 479 USD để mua đồ dùng trong lớp học và 55% giáo viên cho biết không hài lòng với mức lương.

Biểu tình phản đối dâng cao

Mùa xuân năm nay, hàng loạt nhà giáo dục ở sáu tiểu bang đã tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn, đình công và diễu hành phản đối trên khắp tuyến phố, tụ tập trước các tòa thị chính để phản đối mức lương thấp và việc cắt giảm ngân sách giáo dục.

“Làm một lúc hai công việc và cố gắng duy trì sự cân bằng trong việc giảng dạy không dễ chút nào, đặc biệt là khi bạn có gia đình”, Joe Reid, cựu giáo viên tiếng Anh tại một trường trung học cơ sở ở Hebron, bang Indiana chia sẻ.

Trong suốt 12 năm làm giáo viên, anh Reid dành phần lớn thời gian rảnh để làm thêm, từ trực tổng đài Best Buy, chế biến món gà tại nhà hàng thức ăn nhanh Popeyes Louisiana Kitchen đến dạy kèm ở công ty tư nhân. Các khoản tiền kiếm thêm giúp anh trang trải để nuôi con, như trả phí tại trung tâm trông trẻ.

Gần 1/5 giáo viên trường trung học công lập Mỹ phải làm nghề tay trái để kiếm sống ảnh 1
50.000 giáo viên bang Arizona biểu tình khi không nhận thấy động thái rõ ràng của chính quyền về việc tăng lương vào tháng 5 vừa qua. Ảnh: ABC News.

Ở bang Oklahoma, nơi các giáo viên phải rời trường học 9 ngày do biểu tình trong tháng 4 vừa qua vì trường học tạm đóng cửa, đông đảo giáo viên có thêm nghề tay trái. Kara Stoltenberg, giáo viên tiếng Anh trung học phổ thông ở thành phố Norman hiện là nhân viên bán quần áo ở một cửa hàng ngoài giờ dạy. Giáo viên ở bang Oklahoma nằm ở top cuối cả nước về mức lương.

“Tôi nghĩ hầu hết chúng ta có thể sống hàng ngày, hàng tháng vẫn ổn. Nhưng xét về khả năng tiết kiệm, hay khi chiếc xe của bạn gặp trục trặc, những chi phí phát sinh cho dự định mới bắt đầu khiến các giáo viên cảm thấy khổ sở”, Stoltenberg tâm sự.

Theo phân tích từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, giáo viên có khả năng làm thêm nghề tay trái cao hơn 30% so với người lao động ở ngành nghề khác.

“Có lẽ vấn đề lớn nhất ở đây là tiền. Và thực tế như những gì chúng ta đã biết, giáo viên phải làm thêm nhiều hơn so với những người lao động cùng trình độ đại học, cùng bận rộn với công việc chính toàn thời gian”, Giáo sư Dick Startz (Giáo sư kinh tế tại Đại học California, Santa Barbara) nhận định.

Thêm nữa, vị giáo sư nhận thấy, giáo viên trung học có nhiều khả năng làm nghề tay trái hơn giáo viên tiểu học, và số giáo viên nam bươn chải bên ngoài trường học nhiều hơn giáo viên nữ.

Hệ quả

Giáo viên làm thêm nghề tay trái dĩ nhiên kéo theo những hệ quả tiêu cực. Trong hơn ba thập niên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Sam Houston (Texas) đã tiến hành cuộc khảo sát hai năm một lần trên các thành viên Hiệp hội Giáo viên bang Texas về công việc làm thêm trái ngành.

Cuộc khảo sát này dựa trên cơ sở tự nguyện và không đại diện cho toàn bộ giáo viên của bang. Tuy nhiên, giáo sư Startz cho biết vẫn có những bài học rút ra được từ đó. Hai phát hiện chính của khảo sát là phần đông các giáo viên làm nghề tay trái đang cân nhắc bỏ nghề giáo, và giáo viên cảm nhận được việc làm thêm ảnh hưởng tiêu cực đến việc giảng dạy. “Tôi nghĩ đây là một mối lo ngại thực sự”, Startz nói.

Làm việc ngoài giờ dạy khiến bạn bị cắt giảm thời gian soạn giáo án, chấm điểm hay xao nhãng nhiều trách nhiệm khác, Joe Reid, cựu giáo viên ở bang Indiana nói.

Reid nộp đơn nghỉ việc ở trường vào cuối năm học vừa rồi. Hiện tại, mặc dù không loại trừ khả năng anh sẽ tiếp tục làm một công việc giảng dạy ở nơi khác, nhưng Reid đang tập trung tìm kiếm những vị trí trả lương cao hơn. Anh muốn ngừng hẳn việc làm nghề tay trái để có thể dành thời gian cho ba đứa con của mình.

“Tôi nhớ khi nghỉ việc ở cửa hàng gà rán Popeyes, tôi đã nghĩ, mình sẽ không bao giờ làm hai công việc cùng lúc nữa”, anh kể lại trải nghiệm trong những năm làm nghề giáo.

“Nhưng tôi đã sai!”, anh Reid tâm sự.

Theo dantri.com.vn
MỚI - NÓNG
Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?
Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?
HHT - Nắng nóng sẽ diễn ra tại hầu hết các địa phương trên cả nước trong dịp nghỉ lễ, nếu có kế hoạch du lịch, vui chơi ngoài trời cần chú ý bảo vệ sức khỏe, tăng cường chống nắng tránh nguy cơ say nóng, đột quỵ. Thế nhưng liệu Hà Nội có nóng tới tận 41 độ C như dự báo của các ứng dụng thời tiết?

Có thể bạn quan tâm

Thực hư chuyện hai anh em đạp xe hơn 400km tìm mẹ: Gia đình đã tìm thấy con

Thực hư chuyện hai anh em đạp xe hơn 400km tìm mẹ: Gia đình đã tìm thấy con

HHT - Mới đây, mạng xã hội rầm rộ chia sẻ thông tin về 2 bé trai đạp xe từ Điện Biên xuống Hà Nội để đi tìm mẹ. Hai em được một người dân bắt gặp trong bộ dáng mệt mỏi, đói khát nên đưa vào nhà giúp đỡ. Tuy nhiên, theo xác minh mới nhất của Công an huyện Mai Châu, sự thật không đúng như lời kể của hai em.