Gặp Chủ tịch TPHCM, người dân hỏi dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng khi nào xong?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều cử tri bày tỏ lo lắng, bất an khi thành phố đang trong thời điểm mưa bão nhiều, trong khi dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng không biết "còn làm hay không và bao giờ xong".

Chiều 10/10, Tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM – đơn vị 9 gồm ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM; ông Dương Văn Thăng - Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao; bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TPHCM, đã tiếp xúc cử tri quận 4, quận 7 và huyện Nhà Bè, trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV.

Dân đi ké với… container

Nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Thị Minh (thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè) cho biết, vừa rồi vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội khiến người dân lo lắng, băn khoăn nhiều vấn đề có thể xảy ra trong cuộc sống hằng ngày và TPHCM cũng đang tăng cường triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát khu nhà trọ, khách sạn, chung cư mini. “Hiện nay, tổ liên gia PCCC ở các khu trọ, khu dân cư phát triển rất mạnh, tuy nhiên, cử tri cũng mong tổ ĐBQH đề xuất xây dựng được bộ luật quy chuẩn về PCCC để thực hiện nghiêm công tác này hơn nữa”, cử tri này kiến nghị.

Cử tri Lâm Thị Huệ (phường Tân Thuận Tây, quận 7) cho biết hiện trên địa bàn có 2 cây xăng xây dựng cách nhau chỉ 50m, cạnh đó lại có 3 toà cao ốc, do vậy không đảm bảo an toàn PCCC và an toàn giao thông bởi khu vực này còn có nhiều xe container ra vào ảnh hưởng đời sống dân cư.

Gặp Chủ tịch TPHCM, người dân hỏi dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng khi nào xong? ảnh 1

Cử tri Lê Thị Dung bày tỏ tâm tư của người dân trước những bất cập diễn ra trên địa bàn. (Ảnh: Ngô Tùng)

Cử tri Lê Thị Dung (phường Phú Thuận, quận 7) phản ánh tình trạng chung cư LuxGarden trên địa bàn phường đã được xây dựng và đi vào vận hành được 5 năm nhưng chưa được đấu nối giao thông theo kế hoạch, với những con đường “chưa được khai sinh”. Cư dân chung cư đang phải “đi ké” trên con đường khác (đường D8) vốn là nơi tập trung nhiều kho bãi với lưu lượng xe container ra vào rất đông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Nữ cử tri này cũng cho biết con đường này trước đây từng bị cúp điện hơn 10 ngày nhưng không được xử lý. Do đó, bà Dung mong muốn chính quyền địa phương sớm quan tâm giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc để cư dân có được điều kiện đi lại an toàn, thuận tiện.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Bùi Hoà An cho biết, đơn vị đang phối hợp UBND quận 7 và các đơn vị liên quan để xác định “ai sẽ làm đường đó và do ai quản lý, đồng thời sẽ có báo cáo, trả lời chi tiết để đến người dân".

Gặp Chủ tịch TPHCM, người dân hỏi dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng khi nào xong? ảnh 2

Lãnh đạo Sở GTVT trả lời phản ánh người dân.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận 7 Lê Văn Thành cho biết, tuyến đường này chưa được nghiệm thu bàn giao cho chính quyền địa phương, nhưng địa phương sẽ tiếp tục rà soát và đảm bảo vận động tuyến đường kết nối để đảm bảo đời sống người dân.

Người dân quan tâm dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

Gặp Chủ tịch TPHCM, người dân hỏi dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng khi nào xong? ảnh 3
Cử tri Nguyễn Xuân Mừng nêu ý kiến tại buổi gặp gỡ tổ ĐBQH.

Cử tri Nguyễn Xuân Mừng (phường Phú Mỹ, quận 7) nói việc TPHCM vừa đón nhận Nghị quyết 98 đã tạo không khí phấn khởi cho nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời kỳ vọng nhiều vào sự phát triển của thành phố. Tuy nhiên, ông Mừng cũng nhìn nhận nếu không giải quyết được những ách tắc về giao thông và ngập lụt thì sẽ kìm hãm sự phát triển của thành phố. “Vấn đề này một lúc không thể giải quyết hết được, nhưng quan trọng là phải xác định được bước đi, lộ trình, cái nào căn cơ nhất để giải quyết”, ông Mừng góp ý. Nói thêm về vấn đề ngập lụt, cử tri này đặt vấn đề “dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng có làm nữa hay không và bao giờ thì xong?”.

Cũng trăn trở vấn đề trên, cử tri Lý Ngọc Minh (phường Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho biết, hiện TPHCM đã vào mùa mưa bão, tình trạng triều cường dâng, ngập sâu diễn ra ở nhiều tuyến đường gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Ông Minh mong muốn các ĐBQH đề nghị thành phố đẩy nhanh các dự án chống ngập để tăng cường hiệu quả chống ngập, qua đó giúp giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Lãnh đạo huyện Nhà Bè thừa nhận tình trạng ngập khá nặng trên các tuyến đường thuộc địa phương quản lý. “Bên cạnh việc kiến nghị sở, ngành liên quan tập trung khắc phục, tu bổ một số tuyến đường, huyện cũng tích cực duy tu, sửa chữa, đồng thời vận động người dân tích cực quản lý không để rác rơi xuống cống gây ngập cục bộ”, đại diện huyện trao đổi thêm.

Tìm giải pháp tài chính cho dự án nghìn tỷ

Ghi nhận ý kiến, đề xuất của cử tri các địa phương, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị các sở, ngành, địa phương phải nắm chắc, làm rõ trách nhiệm và theo dõi, đôn đốc giải quyết những vấn đề cử tri phản ánh, để những buổi tiếp xúc sau không phải nói lại, bức xúc thêm.

Gặp Chủ tịch TPHCM, người dân hỏi dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng khi nào xong? ảnh 4

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi ghi nhận và trao đổi xoay quanh các ý kiến của cử tri. Ảnh: Ngô Tùng

Liên quan đến dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, ông Mãi cho biết, dự án này gặp nhiều vướng mắc và thành phố đã tập trung nhiều công sức để tháo gỡ. Tuy nhiên, dự án phải dừng sau một thời gian khởi động trở lại, do nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Đến giờ này, khối lượng chung của dự án đã hoàn thành trên 90%, chỉ còn lại khoảng 10% và cần khoảng 1.800 tỷ đồng để hoàn thành công việc còn lại. Về điều này, Chủ tịch UBND thành phố cho hay hiện còn giải pháp là thành phố đề xuất cho phép có cơ chế thanh toán sớm hoặc có cơ chế về tài chính từ thành phố để nhà đầu tư hoàn thành.

Gặp Chủ tịch TPHCM, người dân hỏi dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng khi nào xong? ảnh 5

Các vị ĐBQH đơn vị 9 và người dân tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Ngô Tùng

Theo ông Mãi, năm 2023, ngân sách Trung ương và TPHCM dành cho đầu tư công là 68.000 tỷ đồng và ngân sách thành phố đã dành 5.700 tỷ đồng đề trả nợ cho dự án này nhưng chưa có điều kiện để trả vì dự án chưa hoàn thành. Do đó, thành phố đang xin Thủ tướng cơ chế về việc này. “Nếu được phép, chúng ta sử dụng một phần trong 5.700 tỷ đồng, gắn với khối lượng mà nhà đầu tư đã kiểm toán (khoảng trên 3.200 tỷ đồng) thì hoặc là cho vay, hoặc thanh toán sớm với một khoản tiền đủ cho nhà đầu tư hoàn thành dự án; sau đó kiểm toán, nghiệm thu, thanh toán theo hợp đồng”, ông Mãi nói. Thành phố đang khẩn trương tháo gỡ các điều kiện về vốn trong năm nay để sớm khởi động lại dự án.

MỚI - NÓNG