Dạo quanh tài khoản Instagram @5enpitsu chỉ với 5 ngàn người ấn theo dõi, bạn sẽ phần nào hình dung “sơ bộ” về cuộc sống, sở thích cũng như khắc họa chân dung của cô nàng du học sinh Hà Nam Hương.
Điểm thu hút trong “ngôi nhà” của @5enpitsu có lẽ đến từ những bức minh họa mộc mạc được vẽ bằng tay nhằm miêu tả lại cuộc sống thường nhật, những điều thú vị diễn ra xung quanh, những ngày bình lặng trên đất Nhật dưới góc nhìn hồn nhiên của Nam Hương.
Trên thực tế, Nam Hương không phải là cái tên hiếm hoi trong thế giới vẽ tranh minh hoạ. Vậy điều gì khiến tài khoản của cô nàng sẽ trở thành điểm đến của những fan yêu phong cách “kể chuyện bằng ảnh minh hoạ”?
Câu trả lời có lẽ không đến từ việc so sánh để làm nên sự khác biệt giữa người này, người kia. Điều khiến @5enpitsu sẽ “đốn tim” người xem lại đến từ dễ chịu và chân thành thông qua cách kể chuyện về cuộc sống du học sinh tại Nhật bằng những bức vẽ tay của mình.
Tuy nhiên, để tìm hiểu sâu hơn về cô nàng này, H2T cũng đã “alo” sang tận Nhật cho Nam Hương để làm nhanh một buổi đối thoại. Vậy thì, chúng ta hãy cùng “vào team” của Nam Hương xem có gì nào?
Rất tò mò muốn biết điều gì đã đưa Nam Hương đến với thế giới của màu sắc và bút chì?
Thật ra, mình nghĩ, khi còn nhỏ, đứa trẻ nào cũng vẽ, cũng hát, cũng nhảy múa, những hoạt động giải trí và sáng tạo. Ở ngôi nhà cũ, mình nhớ mình và đứa em hay thích vẽ đầy lên bức tường sơn trắng trong nhà. Tụi mình vẽ công chúa, vẽ cầu vồng, vẽ bất cứ thứ gì chúng tớ tưởng tượng được. Lúc nhỏ, ai cũng như thế mà phải không?
Nhưng càng lớn thì càng nhiều người ngưng vẽ, ngưng múa, vì không có thời gian. Đó là điều mà mình nghe được từ nhiều người. Riêng mình, thay vì ngừng lại, mình lại tiếp tục vẽ, mình vẽ mỗi ngày. Mình vẽ lên hết trang giấy này đến cuốn sổ khác, vì vẽ khiến mình thỏa mãn, trải hết suy nghĩ của mình ra. Và đến tận bây giờ, vẽ đã trở thành một phần định nghĩa về mình. Mọi người xung quanh không thể nói về tớ mà không nhắc đến việc vẽ.
Thật lòng thì phong cách của Hương khiến người khác liên tưởng đến hoạ sĩ vẽ tranh minh hoạ Tamypu lắm đấy, Hương nghĩ như thế nào?
Mình cũng thường nghe câu này lắm đó! Nhắc đến minh họa thì chắc chắn chị Tamypu là một cái tên lớn, tranh chị ấy xuất hiện nhiều, nên dễ liên tưởng.
Quả tình, mình cũng hay nhận được từ bạn bè nên mình có chột dạ và nhiều lần so sánh xem ở tranh mình có điểm gì khiến mọi người liên tưởng đến tranh chị Tamypu. Nói thật là mình không dám khẳng định tranh mình vẽ có nét cá tính riêng. Nhưng nếu đặt tranh mình cạnh tranh chị Tamypu, mình không thấy nhiều nét tương đồng. Chẳng hạn như nét vẽ, bố cục tranh, cách sử dụng màu sắc, chất liệu được sử dụng.
Mình cũng từng giả thiết là do bạn bè không phải là những người hay quan tâm nhiều đến các họa sĩ minh họa, mọi người chỉ biết đến những tên tuổi lớn như chị Tamypu. Thế nên, việc thấy quanh mình cũng có một đứa vẽ minh họa thì liên tưởng đến tranh chị ấy là điều dễ hiểu. Nhưng theo mình, phong cách là cái có sẵn trong mỗi người, qua luyện tập miệt mài thì ngày càng được biểu lộ ra rõ ràng tạo thành nét riêng.
Với mình, tranh vẽ là nơi thể hiện thế giới tưởng tượng của mỗi người. Như mình có nói, mình vẽ những gì mình có thể tưởng tượng được. Và mỗi người với mỗi thế giới quan riêng, những trải nghiệm riêng sẽ có một thế giới tưởng tượng của riêng mình. Mình tin khi càng luyện tập, càng vẽ thì chất riêng về thế giới tưởng tượng của mỗi người dần bộc lộ ra cho người khác thấy.
Vậy nếu bỗng chợt “cảm hứng tưởng tượng” của Hương đột nhiên “mất sạch” thì sao?
Cảm hứng tưởng tượng luôn đến từ cuộc sống thường ngày của tớ đó. Mọi người có biết thể loại Slice-of-life (lát cắt cuộc sống) thường xuất hiện trong manga không? Tranh của mình cũng tương tự vậy đó. Thế giới tưởng tượng của mình chính là câu chuyện thường ngay trong cuộc sống như: chuyện bị mất dù, chuyện được ăn những món ăn ngon, đến những quán cà phê “xinh xỉu”.
Mình cũng có những nguồn cảm hứng khác đến từ âm nhạc hoặc từ những cuốn sách nên chắc sẽ ít khi nào rơi vô trạng thái “mất sạch” lắm. Haha. Nhưng nếu lỡ mình bị rơi vô chế độ art-blcok, gọi là mất hứng, mình sẽ đi ra ngoài ngắm trời – ngắm đất, ngắm cây cỏ hoặc xem phim.
Nhưng có lúc mình sẽ rất nghiêm khắc với bản thân khi tự đặt ra thử thách vẽ 30 ngày, kèm yêu cầu cụ thể và thực hiện thử thách đó với thái độ nghiêm túc nhất có thể. Vậy là mình sẽ không bị art-block quá lâu nữa rồi.
Riêng tư một chút nhé! Hương là một du học sinh ở Nhật. Vậy theo cậu, điều khó khăn nhất phải trải qua trong thời gian làm du học sinh là gì?
Mình chỉ là du học sinh trao đổi thôi. Mình qua Nhật học trong một kỳ, tức bốn tháng. Mình thích được trải nghiệm cuộc sống ngoài Việt Nam, muốn đi xem ở các nước khác mọi người có cuộc sống thế nào, suy nghĩ thế nào. Đó là lý do khiến mình thúc đẩy mình sang đây.
Nếu nói đến điều khó khăn nhất của du học sinh thì theo mình đó luôn luôn là tiền bạc. Khó khăn tiếp theo là ngôn ngữ. Bản thân mình chưa giỏi tiếng Nhật (Hương đậu N4 tháng 12/2018), nên gặp những điều phức tạp như thủ tục hành chính chẳng hạn là hoàn toàn không hiểu. May mắn là mình nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các bạn du học sinh và giáo viên ở đây, nên đến giờ chưa có rắc rối nào quá khó khăn với mình.
Nước Nhật ảnh hưởng đến thế giới tưởng tượng của Hương như thế nào?
Ngay từ khi còn ở Việt Nam, mình đã luôn bị thu hút bởi vẻ đẹp của Nhật Bản, cả những điều tốt lẫn chưa tốt. Bản thân mình rất muốn đến tận đây để chứng thực mọi điều mình đã nghe được và biết được như thế nào.
Việc chuyển đến một nơi mới, tiếp xúc trải nghiệm mới khiến cảm xúc của mình nhiều hơn và rất muốn kể lại cho mọi người nghe bằng những bức vẽ của mình. Thành thật thì ở đây có nhiều thứ xinh xắn lắm nên lúc nào cảm hứng vẽ của mình cũng ào ạt hết. Tiếc là mình lại không đủ thời gian.
Nam Hương có nghĩ sẽ ra mắt một cuốn sách tổng hợp các tranh vẽ của mình không? Như chị Tamypu hay Đặng Huỳnh Mai Anh?
Chắc chắn rồi! Nghe tự tin quá ha. Thật sự, mình muốn học để trở thành người vẽ minh họa. Hiện tại, mình đang theo học ngành Ngôn ngữ Nhật nhưng mình vẫn có kế hoạch học hoạ sĩ. Mình biết việc bây giờ mới bắt đầu theo đuổi nghề vẽ minh hoạ là chậm so với người khác nhiều lắm. Nhưng mình có quan điểm rằng thà chậm còn hơn không bắt đầu. Mình thực sự ấp ủ việc trở thành một người kể chính câu chuyện của mình cho mọi người nghe thông qua tranh minh hoạ của mình.
Ngoài ra, Nam Hương cũng bật mí về một dự án mình tham gia mang tên The Boy And The Toad. Được biết, đây là cuốn sách tranh do một hoạ sĩ Việt Nam hợp tác cùng một tác giả người Pháp – Sal Hendrie thực hiện.
Câu chuyện trong cuốn sách kể về giấc mơ, tình bạn và những vẻ đẹp của thế giới xung quanh dưới góc nhìn của một cậu bé. Hiện tại, cuốn sách đã được hoàn thành và trong giai đoạn gây quỹ để được xuất bản.
Nam Hương tham gia với tư cách một trong những người ủng hộ để đưa viral dự án này đến với mọi người. Theo đó, Nam Hương không tham gia vào quá trình vẽ mà chỉ tham gia vào cuộc thi phát động nhằm gây quỹ xuất bản cho cuốn sách.
Cô nàng hy vọng với sự góp sức nhỏ của mình cũng như cộng đồng người yêu tranh minh hoạ sẽ phần nào thúc đẩy tiến trình gây quỹ cho The Boy And The Toad.