Yêu thích nghiên cứu về văn hóa Việt, ngay từ khi còn học cấp Ba, Tuệ Mẫn đã lùng các tài liệu lịch sử nước nhà và đắm chìm trong những sự kiện lịch sử, điển tích thú vị và chia sẻ với bạn bè. Đam mê ấy theo Mẫn đến tận những năm Đại học. Thời điểm đó, Tuệ Mẫn bắt đầu “nghiện” chơi board game và được “hội cạ cứng” giới thiệu nhiều tựa game của các nước như Nhật Bản, Đài Loan... với hầu hết chủ đề đều là về văn hóa, lịch sử của các quốc gia đó.
Sau khi chơi thử và “say nắng” các “em í”, Tuệ Mẫn quyết định tìm hiểu, liệu có bộ board game văn hóa nào tương tự của Việt Nam không. Thế nhưng, tất cả những gì bạn tìm thấy trên trang boardgamegeek.com - trang web dành cho cộng đồng board game lớn nhất thế giới là vỏn vẹn hai tựa game về chiến tranh Việt Nam nhưng hoàn toàn do các họa sĩ nước ngoài sáng tạo ra.
Khi ấy, Mẫn băn khoăn: “Việt Nam mình cũng có nhiều cảnh đẹp, phong tục thú vị không thua kém bất cứ quốc gia nào nhưng sao vẫn chưa có bộ board game đặc trưng. Tuy bản thân rất thích kể chuyện văn hóa cho bạn bè nhưng mình không thể mãi thao thao bất tuyệt được, phải có cách nào để kể chuyện hấp dẫn hơn”. Và thế là Mẫn rủ Thiện Toàn “xắn tay” vào việc sáng tạo một bộ board game thuần Việt với hy vọng giới thiệu cũng như khơi gợi sự hứng thú của mọi người với văn hóa Việt Nam.
Chỉ trong vòng vài năm, Tuệ Mẫn và Thiện Toàn đã ra mắt “liền tù tì” 3 tựa board game bao gồm Lên Mâm, Hội Phố và Kinh Lược.
Mẫn chia sẻ: “Văn hoá được thể hiện qua ăn, mặc, ở. Chữ “ăn” đến đầu tiên nên Mẫn và Toàn quyết định lựa chọn ẩm thực làm chủ đề cho “đứa con đầu lòng” Lên Mâm. Kế đó là Hội phố, tụi mình “gửi gắm” tên 12 quốc gia từng giao thương với nước ta tại cảng Hội An thời xưa vào 12 nhân vật trong game để giới thiệu về thành phố cảng Hội An. Cuối cùng, Kinh Lược như một cuốn phim tài liệu để người chơi nhập vai danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh khi ông mở cõi vùng đất Nam Bộ”.
Thiện Toàn bật mí rằng thời gian đầu khi mới bắt tay vào dự án, cả hai bạn đều... không biết vẽ. “Khi đó, board game chưa phổ biến tại Việt Nam nên các họa sĩ khó thiết kế đúng với yêu cầu của tụi mình do chưa có kinh nghiệm. Vậy nên mình đã tự học vẽ và tham khảo rất nhiều hình ảnh từ sách báo. Để sản xuất thì phải vẽ trên máy tính bảng, khó hơn rất nhiều so với vẽ trên giấy nên mình cứ nghe “chửi” hoài (cười). Nhưng do đam mê quá lớn nên càng áp lực thì mình càng có động lực để làm tốt hơn.” - Thiện Toàn, họa sĩ chính (sinh viên ngành Tài chính) chia sẻ.
Theo Toàn, chức năng chính của board game là để kết nối bạn bè, sau là giải trí, vì vậy các tựa game do hai bạn sáng tạo đều được đề cao tính trải nghiệm hơn là thắng thua. Đặc biệt, Toàn còn hay đùa rằng, đến với board game, người chơi sẽ nhận ra: Thắng là do mình giỏi, thua là do mình xui. Để sản phẩm không lệch đi khỏi tinh thần ấy, trước khi sản xuất, hai bạn phải xác định rõ đối tượng chơi, chủ đề và cách chơi, rồi mới đến các vật dụng hỗ trợ như lá bài, thẻ nhựa, xí ngầu...
Không chỉ vậy, để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người chơi, hai bạn còn đặc biệt “dày công” trong công đoạn lựa chọn chất liệu cho các vật dụng hỗ trợ. “Có rất nhiều loại giấy để in thẻ bài, nhưng tụi mình chọn in giấy dày để phù hợp với độ ẩm của Việt Nam. Ngoài ra, còn cán thêm một lớp nhựa để phòng khi nhóm bạn chơi ở quán nước có lỡ đổ nước thì vẫn có thể chơi tiếp được. Với Hội Phố, trên thẻ còn có vân theo cảm hứng châu Á thay vì in trơn.” - Tuệ Mẫn chia sẻ.
Sau thiết kế là giai đoạn thử nghiệm, bước này sẽ giúp hai bạn biết rõ cảm nhận của người chơi để từ đó điều chỉnh game phù hợp với thị hiếu chung nên thông thường sẽ phải lặp lại nhiều lần. Toàn chia sẻ kỷ niệm hài hước về giai đoạn khó nhằn này: “Trong số những lần trải nghiệm, “khổ” nhất chính là game Kinh Lược khi ra mắt vào giai đoạn COVID-19 nên người chơi phải chơi thử qua ứng dụng Zoom, không khác gì đang học trên lớp luôn”.
Với sự chỉn chu như vậy, các “đứa con” của hai bạn đều được rất nhiều người chơi yêu thích. Bật mí với Hoa Học Trò, Tuệ Mẫn cho biết Hội Phố không chỉ được cộng đồng board game Việt Nam đánh giá cao mà còn được xuất khẩu sang Nhật Bản - thị trường board game lớn và khó tính nhất nhì châu Á, đồng thời là đại diện đầu tiên của Đông Nam Á được trưng bày tại Hội chợ Tokyo Game Market.
Gốm Chu Đậu
Sau Kinh Lược, hiện tại cả hai bạn đều đang ấp ủ nhiều ý tưởng để sáng tạo nên các sản phẩm tiếp theo. Trong số đó, đáng chú ý nhất là ý tưởng board game từ chủ đề gốm Chu Đậu với cách chơi lấy cảm hứng từ quy trình sản xuất loại gốm cổ có bề dày lịch sử đặc biệt này của Việt Nam. Tuy bị thất truyền tại Việt Nam thế nhưng gốm Chu Đậu lại rất nổi tiếng trên thế giới. Đơn cử, ở Bảo tàng Hoàng gia Nhật Bản, 3 chiếc chén được làm từ loại gốm này chính là một trong những bảo vật quốc gia với cái tên “gốm Trung Hoa”. Gốm Chu Đậu đã phải trải qua một khoảng thời gian dài xác minh nguồn gốc mới chính thức được công nhận là di sản văn hóa “made in Vietnam”. Ngay khi biết đến hành trình “về nguồn” của dòng gốm cổ trên, Tuệ Mẫn đã quyết định: “Phải sản xuất game về Chu Đậu ngay thôi!”.
Những ý tưởng game từ món ăn ngày Tết trong Lên Mâm, thành phố Hội An của Hội Phố hay gốm Chu Đậu không phải “từ trên trời rơi xuống” mà là cả một quá trình nghiên cứu văn hóa, lịch sử mỗi ngày của hai bạn. Tuệ Mẫn chia sẻ: “Mình rất vui và may mắn khi được làm việc đúng lĩnh vực mình đam mê: Văn hóa Việt và board game. Mình sẽ còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để giới thiệu văn hóa Việt Nam và board game do người Việt sản xuất cho cộng đồng board game toàn thế giới”.
Khám phá ngay những game siêu hay ho trên báo Hoa Học Trò và Thiên Thần Nhỏ từ tháng này bạn nhé!