Yên tĩnh là tiêu chí hàng đầu
Theo lời khuyên của các chuyên gia, góc học tập, làm việc sẽ quyết định đến 50% hiệu suất làm việc của mỗi người. Chính vì vậy, để có thể an tâm bắt đầu buổi học, hãy tìm kiếm một góc học tập khiến bản thân thoải mái. Tuy nhiên, dù là phòng riêng, phòng kí túc xá hay "trưng dụng" phòng khách tại nhà, teen cũng cần đặt yếu tố yên tĩnh lên hàng đầu. Bởi cứ nghĩ mà xem, bạn sẽ "tức muốn chống nạnh" nếu đang phát biểu thì đột nhiên lại nghe tiếng… trẻ em khóc hay tạp âm khác, đúng "khum"?
Đừng quên tham khảo thêm các ý tưởng trang trí góc học tập để có thêm động lực học nhé! |
Đảm bảo đường truyền Internet thật "khỏe mạnh"
Một vấn đề "siêu to khổng lồ" khác cần teen chú ý khi chuẩn bị học trực tuyến chính là đường truyền mạng. Theo chia sẻ của nhiều thầy cô giảng viên đại học, đường truyền không ổn định có thể sẽ khiến âm thanh của teen bị chập chờn, không xem được tài liệu của lớp học, thậm chí bỏ sót các nội dung quan trọng phục vụ cho việc thông hiểu hay làm bài thi. Và nếu kết quả thi cử của bạn không tốt, học lại môn học sẽ là điều không cần bàn cãi đấy nhé!
Nói "KHÔNG" với học online bằng điện thoại
Một chiếc laptop hay máy tính để bàn (desktop) với đầy đủ tính năng và màn hình có độ lớn phù hợp sẽ là một vật dụng mà bạn luôn luôn cần đến khi học trực tuyến. Theo nhiều khảo sát, điện thoại thông minh không thể bắt sóng Internet mạnh như máy tính, thế nên bạn sẽ gặp nhiều trục trặc khi học.
Lời khuyên tốt nhất là teen nên học online bằng laptop hoặc máy tính bảng để bảo vệ mắt đồng thời tránh gây xao nhãng. |
Bên cạnh đó, nhiều dòng điện thoại có thời lượng pin yếu hay đang gặp vấn đề về pin sẽ khiến teen bị xao nhãng khi phải đi tìm đồ sạc. Một trong những lựa chọn khác cho teen đó là máy tính bảng (tablet) với kích thước màn hình lớn, thuận lợi hơn cho teen trong việc nghe giảng bài.
Lưu trữ các bài giảng, bài học trên nền tảng trực tuyến
Dù máy tính của bạn có dung lượng "khủng" đến mức nào, teen cũng đừng quên lưu trữ bổ sung trên các nền tảng trực tuyến như Google Drive, One Drive, Dropbox... để phòng trừ trường hợp bất trắc.
Ngoài ra, nhiều trường ĐH cũng đã có hệ thống học tập E-learning, thế nên ngoài việc xem trước, tìm hiểu các bài giảng, teen cũng nên tận dụng không gian này để lưu trữ các tài liệu, học cụ, slide bài giảng của thầy cô... để tiện ôn bài hay xem lại bất kỳ lúc nào.
Tận dụng tài nguyên của "cõi mạng"
Làm thế nào để không "lạc trôi" khi tìm đọc tài liệu trên mạng cũng là điều khiến nhiều sinh viên "đau đầu". Trả lời cho câu hỏi này, nhiều giảng viên đại học đã đưa ra lời khuyên rằng teen nên dựa vào hướng dẫn học tập, giáo trình của các thầy cô trước, bởi kiến thức trong đó đều đã được kiểm chứng, và là cơ bản để teen có thể tìm đọc nâng cao.
Nếu không tỉnh táo, bạn sẽ rất dễ "lạc trôi" khi đọc tài liệu trên mạng đó! |
Sắp xếp một thời khóa biểu thật khoa học
Học online cũng đồng nghĩa với việc học lẫn ăn, uống, ngủ, nghỉ đồng thời diễn ra trong một không gian, thường là ngay tại nhà. Vậy nên nếu như để cho chiếc giường thiết bị giải trí "hút hồn", teen sẽ khó học tập hiệu quả. Chính vì vậy, đừng quên tự sắp xếp cho bản thân một chiếc thời khóa biểu thật "xịn" và nghiêm túc tuân thủ, để có thể học tập hiệu quả mà vẫn có đủ thời gian để giải trí.
Bạn cũng có thể tận dụng tài nguyên có sẵn của Google như Google Calendar, ứng dụng nhắc việc hay Notion... để có thể vừa sắp xếp lịch học, vừa thử thách năng khiếu nghệ thuật của bản thân.
Đừng "để mai tính"!
Học online hay offline, việc ghi chú cũng cần thiết như nhau cả. Do đó, đừng để việc học trên mạng khiến bạn chểnh mảng việc ghi chép. Dù là ghi chép online vào các dạng sổ tay trực tuyến, hay vừa nghe giảng, vừa ghi chép theo kiểu truyền thống, thì đều tốt như nhau.
Trên các nền tảng như YouTube hay Pinterest, Facebook,... teen có thể tham khảo nhiều phương pháp ghi chép không chỉ độc đáo mà còn vô cùng sáng tạo. |
Việc ghi chép vì sẽ giúp teen tự hệ thống hoá và khắc sâu kiến thức, đồng thời hình thành khả năng mẫn cảm với các kiến thức, giúp teen phát huy tốt hơn lúc làm bài thi.
Bài viết được thực hiện bởi thầy Lê Anh Tú (Thạc sĩ quản trị kinh doanh CFVG) hiện đang là giảng viên khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông tại trường ĐH Văn Lang, TP.HCM.