Gen Z nghĩ sao khi bị cộng đồng mạng gắn với tính cách “sốc nổi", "khó kiềm chế cảm xúc"?

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Từ những sự việc khiến dư luận xôn xao như 2 nữ sinh ở TP.HCM tự tử, thí sinh Olympia ăn mừng quá khích hay chỉ đơn giản là dòng status than vãn của hội tuyển dụng rằng giới trẻ "thích thì hẹn phỏng vấn, không thích thì hẹn phỏng vấn" đã khiến mọi người ấn tượng về Gen Z là thiếu suy nghĩ, dễ bị cảm xúc chi phối.

"Chuyện riêng" của Gen Z hay điểm chung của những người trẻ?

Thời gian gần đây, mạng xã hội lại cuồn cuộn tranh cãi về những câu chuyện mà Gen Z là nhân vật chính. Sự việc hai nữ sinh ở TP.HCM được cho là tự tử khiến cộng đồng mạng xôn xao. Bên cạnh những lời tiếc thương, nhiều người còn cho rằng các bạn quá sốc nổi, không nghĩ đến bố mẹ... Đặc biệt khi phụ huynh cho biết hai bạn đã bỏ nhà đi cách đây một tuần, nội dung một số tin nhắn có đề cập đến chuyện tự tử.

Trước đó, cậu bạn Nguyễn Việt Thái đã nhận cơn mưa chỉ trích vì cách thể hiện thái độ trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia tháng 3 - Quý 2. Cộng đồng mạng lên án cậu bạn thể hiện cảm xúc một cách quá khích. Chắc hẳn bạn sẽ thấy trường hợp này rất quen, vì cô bạn Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2020 - Nguyễn Thị Thu Hằng cũng từng vướng phải tranh cãi tương tự.

Gen Z nghĩ sao khi bị cộng đồng mạng gắn với tính cách “sốc nổi", "khó kiềm chế cảm xúc"? ảnh 1

Việt Thái từng bị chỉ trích vì thái độ ăn mừng của mình.

Nếu là “khách quen” của các hội nhóm tuyển dụng, chắc hẳn bạn đã từng thấy một số bài post chê trách ứng viên trẻ “chốt đơn” phỏng vấn nhưng lại không đến. Những câu tưởng chừng đùa vui như “Hôm nay mưa lắm, em nghỉ làm” được các nhà tuyển dụng chia sẻ hoàn toàn là chuyện thật và trở thành lý do khiến người lớn cho rằng Gen Z thiếu trách nhiệm.

Những điều này là nguồn cơn để nhiều người có ấn tượng rằng thế hệ Z là những bạn trẻ cảm tính, dễ sốc nổi. Tuy nhiên, nếu tạm thay từ “Gen Z” thành “thế hệ trẻ”, bạn sẽ nhận ra rằng đây là đặc điểm có thể tìm thấy ở những người trẻ, và trùng hợp là những người trẻ trong thời đại dư luận dễ… nổi giận lại là Gen Z.

Gen Z nghĩ sao khi bị cộng đồng mạng gắn với tính cách “sốc nổi", "khó kiềm chế cảm xúc"? ảnh 2

Là nhóm ứng viên tiềm năng với khả năng hòa nhập nhanh nhạy nhưng không ít nhà tuyển dụng có ấn tượng chưa tốt về Gen Z.

Nguyễn Hoài Phương (giáo viên Ngữ văn, trường THPT chuyên Sư Phạm) chia sẻ: “Cô không nghĩ những hiện tượng này chứng tỏ Gen Z cảm tính hay thiếu suy nghĩ. Chuyện hai nữ sinh không may, thực chất vừa do áp lực về giới tính, vừa do đặc điểm tâm lý tuổi teen, cái này không chỉ quy về Gen Z. Về bạn Việt Thái, việc biểu lộ cảm xúc ấy có thể bắt gặp ở nhiều lứa tuổi. Còn một số chuyện khác liên quan đến việc thiếu trách nhiệm, vấn đề nằm ở chỗ các bạn trẻ thiếu kinh nghiệm ứng xử xã hội và đúng là cũng chưa có ý thức về hành động của mình thật."

Góc nhìn của người trong cuộc

Vậy bản thân người trong cuộc phản ứng như thế nào về suy nghĩ này? Không hề “cảm tính” như cách mà nhiều người vẫn luôn nhận xét đâu nhé! Bạn Thu An (trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội) chia sẻ: “Dù mọi người đang nhận xét Gen Z hay thế hệ trẻ nói chung, mình cũng đồng tình rằng đôi lúc tụi mình cư xử hơi quá khích. Nhưng mong mọi người có thể thông cảm vì tụi mình chưa đủ thấu đáo để bình tĩnh trong mọi trường hợp".

Gen Z nghĩ sao khi bị cộng đồng mạng gắn với tính cách “sốc nổi", "khó kiềm chế cảm xúc"? ảnh 3

Bạn Thu An (THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội).

Bạn Trịnh Thùy Trang (THPT Chương Mỹ A, Hà Nội) cho rằng chỉ từ một số sự kiện thì không thể khẳng định Gen Z cảm tính và dễ buông bỏ. Với sự phát triển của mạng xã hội, mọi việc đều được nhanh chóng lan truyền khiến những điều đơn giản trở lên phức tạp gây ra những phản ứng tiêu cực về mặt tâm lý mỗi người.

Thùy Trang bày tỏ: "Bất cứ vấn đề gì xảy ra đều đi kèm cùng rất nhiều nguyên do, nên khi Gen Z bị chỉ trích, chắc chắn đó không phải lỗi của riêng tụi mình, mà còn có cả sự tác động từ bên ngoài, thậm chí của các thế hệ khác. Tuy vậy, mình cũng không phủ định tiếng xấu, vì không có điều gì là hoàn hảo cả, chúng mình cũng là tuổi ăn tuổi học và đang trưởng thành".

Gen Z nghĩ sao khi bị cộng đồng mạng gắn với tính cách “sốc nổi", "khó kiềm chế cảm xúc"? ảnh 4

Bạn Trịnh Thùy Trang (THPT Chương Mỹ A, Hà Nội).

Cô bạn còn thẳng thắn ví dụ về một hành động của Gen Z như hẹn phỏng vấn rồi lại không đến, rời bỏ công việc khi chưa hoàn thành... "Cá nhân mình cũng là Gen Z khi ở trong các cộng đồng tập thể, chưa từng làm những việc ấy, cũng không hề ủng hộ hay ưa thích gì, bạn bè xung quanh mình cũng vậy, nên không thể lên tiếng đánh đồng tất cả thế hệ đều như vậy" - Thùy Trang chia sẻ.

Gen Z nghĩ sao khi bị cộng đồng mạng gắn với tính cách “sốc nổi", "khó kiềm chế cảm xúc"? ảnh 5
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm