Gen Z phải làm gì khi bị kì thị, phân biệt và không được thấu hiểu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Cô ơi con muốn tự tử, con có thể nói chuyện với cô được không?” – lời thỉnh cầu của một bạn trẻ được chuyên gia kể lại đã khiến nhiều học sinh đồng cảm.

Câu chuyện được ThS Trần Thị Thanh Trà (giảng viên trường Đại học Mở TPHCM) chia sẻ trong chương trình Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học với chủ đề “Overthinking của gen Z: Làm sao để vượt qua?”, do báo Tiền Phong tổ chức tại trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM) sáng 18/3.

Gen Z phải làm gì khi bị kì thị, phân biệt và không được thấu hiểu ảnh 1

Các bạn sinh viên Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng góp tiết mục văn nghệ mở màn chương trình. Ảnh: Ngô Tùng

Suy nghĩ tiêu cực gây nên vấn đề lớn

A. là một học sinh THPT thuộc cộng đồng LBGT. Ba mẹ A. không biết điều này nhưng bạn bè của cậu thì biết. Điều A. lo lắng nhất là không dám đối diện với con người thật của mình như thế nào, phải nói với ba mẹ ra sao. Thậm chí, khi chia sẻ với bạn bè về con người thật của mình thì A. bị mọi người xung quanh xa lánh khiến bạn không thể chấp nhận con người thật của mình.

Tương tự, một câu chuyện khác được gửi tới chương trình. T.L. chia sẻ bạn thường bất an, suy nghĩ quá nhiều vì sợ mọi người ghét bỏ, cô lập, bàn tán. “Năm lớp 9 em bị kỳ thị, phân biệt nhưng thầy cô lại không có biện pháp phù hợp, gia đình lại coi thường cảm xúc khi em chia sẻ chuyện trường lớp, dẫn đến sau này em không muốn mở lòng với gia đình, bạn bè nữa”, L. tâm sự.

Gen Z phải làm gì khi bị kì thị, phân biệt và không được thấu hiểu ảnh 2

Hơn 1.500 học sinh trường THPT Đào Sơn Tây lắng nghe các diễn giả chia sẻ tại buổi ngoại khóa.

Chương trình “Hỗ trợ tâm lý học đường – Đưa chuyên gia đến với trường học” là một phần trong khuôn khổ dự án "Trường học Lành mạnh nhất AIA" mà AIA Việt Nam đang thực hiện từ tháng 8/2022.

Dự án nhằm hướng đến những thói quen sống khỏe bằng việc khuyến khích chế độ ăn uống lành mạnh, xây dựng lối sống năng động và tạo dựng sự bền vững trong môi trường học đường.

Với những trường hợp này, ThS Trà cho rằng, các bạn đang ở độ tuổi phát triển, chưa thật sự trưởng thành về mặt xã hội. Chúng ta bị tác động bởi những thứ xung quanh nên sẽ hơi nghiêm trọng hóa vấn đề.

"Các bạn học sinh đang nghĩ quá nhiều về tương lai nhưng hiện tại không nghĩ tới. Các em có nhiều áp lực như áp lực học tập, áp lực gia đình, áp lực từ thầy cô, bạn bè. Trong khi đó các em khó kiếm một người chịu lắng nghe những suy nghĩ của mình. Không phải gia đình nào cũng sẽ lắng nghe con cái. Từ điều này, các em sẽ tự so sánh bản thân mình với người khác. Các em tự ti, suy nghĩ tiêu cực và hình thành một vấn đề lớn hơn, đó là áp lực đồng trang lứa", cô Trà nêu thực trạng.

Mặt khác, các bạn đòi hỏi sự hoàn hảo cho bản thân mình nhưng chưa thể hoàn thiện được, điều này ít nhiều cũng sinh ra áp lực.

Gen Z phải làm gì khi bị kì thị, phân biệt và không được thấu hiểu ảnh 3

ThS Trần Thị Thanh Trà chia sẻ một số cách giúp người trẻ vượt qua áp lực bản thân.

Chuyên gia “mách nước”

Nói về giải pháp, nữ giảng viên cho rằng chỉ mỗi bản thân chúng ta mới có thể nhận ra mình có đang thật sự overthinking hay không và tự điều chỉnh. Chúng ta nên sống chậm lại để quan sát cơ thể của mình, nhận ra điều gì đang diễn ra với mình. Ngoài ra, có một số phương pháp như thực hành hít thở sâu, uống nước, chạy bộ, thiền, yoga…

“Có nhiều bạn học sinh cấp 3 tập yoga chung chỗ với cô. Các bạn ấy nói yoga giúp các bạn rèn lại bản thân và bớt nóng giận. Điều này làm cô thấy rất vui khi bộ môn giúp cân bằng cảm xúc này không chỉ phổ biến ở độ tuổi trung niên mà còn đang đến gần hơn để giúp các bạn trẻ”, cô nói.

Gen Z phải làm gì khi bị kì thị, phân biệt và không được thấu hiểu ảnh 4

Bạn trẻ tự tin nhờ diễn giả giải đáp thắc mắc.

Áp lực trong cuộc sống ai cũng có và việc chúng ta đối diện với nó, chuyển áp lực thành động lực như thế nào trong cuộc sống mới là điều cần thiết. Đừng biến áp lực thành overthinking rồi tiêu cực.

“Thực hành tư duy tích cực cũng là một biện pháp hữu hiệu. Coi áp lực thành động cơ biến thành động lực để vượt qua bản thân. Nếu không, hãy tìm đến các nguồn hỗ trợ như gõ cửa văn phòng tâm lý của trường, chia sẻ với gia đình, bạn bè để nhẹ lòng hơn…”, ThS Trà gợi mở.

Bí quyết chọn ngành nghề

Tại chương trình, nhiều học sinh lớp 12 cho biết đang gặp khó khăn trong xác định ngành nghề. Nhiều em sợ học sai ngành rồi không thể thay đổi được. Trước băn khoăn này, ThS Trần Thúy Trâm Quyên – Phó Hiệu trưởng trường Đại học quốc tế Hồng Bàng cho rằng, bản thân các bạn phải chủ động tìm hiểu các ngành, chủ động chọn ngành trước đó.

Gen Z phải làm gì khi bị kì thị, phân biệt và không được thấu hiểu ảnh 5

ThS Trâm Quyên trao đổi cùng các bạn học sinh.

Từ đó các bạn hỏi ba mẹ, hỏi thầy cô, đặc biệt là tự tin gặp gỡ, trao đổi với các thầy cô ở ban tư vấn tuyển sinh các trường đại học thông qua các chương trình tư vấn chọn ngành nghề, đưa chuyên gia đến với trường học,… để xác định đúng con đường đi của mình.

Cô cũng "mách nước" cho các bạn học sinh những câu hỏi để xác định được ngành cũng như trường mình thích một cách chuẩn nhất, như: xem thử ngành đó có trường nào dạy, cơ sở vật chất thế nào, có bảo đảm thiết bị phục vụ cho ngành mình học hay không.

“Đặc biệt hơn, hiện nay các em cũng nên xét thêm các yếu tố như trường đó có cho sinh viên trải nghiệm nhiều về ngành nghề không, có hệ sinh thái các doanh nghiệp cho các bạn hướng đến không, có đội ngũ giảng viên ra sao và học phí, ưu đãi học bổng như thế nào. Khi các em liệt kê và tìm hiểu các yếu tố trên, việc chọn ngành chọn trường sẽ dễ dàng hơn bao giờ hết”, cô Quyên chia sẻ.

Gen Z phải làm gì khi bị kì thị, phân biệt và không được thấu hiểu ảnh 6

Qua chương trình, cô Hoàng Thị Hảo - Hiệu trưởng trường THPT Đào Sơn Tây gửi lời cảm ơn báo Tiền Phong, các đơn vị đồng hành và các diễn giả đã mang chương trình ý nghĩa đến gần hơn với các em học sinh.

Gen Z phải làm gì khi bị kì thị, phân biệt và không được thấu hiểu ảnh 7

Đại diện Ban tổ chức chương trình tặng hoa đến các diễn giả.

Chương trình “Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học” do báo Tiền Phong phối hợp cùng AIA Việt Nam, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, trường ĐH Mở TPHCM, Nam Á Bank phối hợp tổ chức.
Trong năm học 2023 - 2024, chương trình sẽ đưa các chuyên gia tâm lý, hướng nghiệp tuyển sinh đến các trường THPT trên địa bàn TPHCM để chia sẻ, giao lưu, lắng nghe tiếng nói của học sinh trong mọi vấn đề như ứng xử văn minh trên mạng xã hội, cảnh báo, ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường, giảm stress trong học tập, chọn ngành chọn nghề...
MỚI - NÓNG