Trước tình hình dịch bệnh hiện tại, mỗi ngày trung tâm trực tổng đài cấp cứu 115 tiếp nhận khoảng 6.000 cuộc gọi. Mỗi ca trực sẽ có 60 người, bao gồm tiếp nhận, điều phối và xử lý để kịp thời chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện. Nhiều sinh viên trường y tại TP.HCM đã trở thành tình nguyện viên trực tổng đài cấp cứu.
Với những trường hợp nhẹ, các nhân viên trực tổng đài cấp cứu sẽ tư vấn qua điện thoại và ưu tiên sắp xếp các ca nặng được đến bệnh viện nhanh nhất có thể.
Nơi làm việc của các nhân viên trực tổng đài cấp cứu 115 để tiếp nhận và xử lý các cuộc gọi từ bệnh nhân. |
Các nhân viên trực tổng đài sẽ tư vấn bệnh nhân nên làm gì tại nhà để đảm bảo an toàn trước khi xe cấp cứu đến. |
Để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, các nhân viên trực tổng đài sẽ làm việc và sinh hoạt ngay tại trung tâm. Do đã xa gia đình trong thời gian dài, nhiều người cảm thấy rất nhớ nhà. Thậm chí, có khi mọi người không thể nghe điện thoại hỏi thăm từ người nhà do cường độ làm việc rất áp lực và căng thẳng.
“Mong muốn lớn nhất của mình là dịch bệnh sẽ sớm qua đi để được về nhà. Mấy tháng rồi mình không được gặp mẹ, rất là nhớ nhà”, nữ tình nguyện viên trực tổng đài cấp cứu bộc bạch.
Các nhân viên trực tổng đài sẽ sinh hoạt tại nơi làm việc, dù rất nhớ nhà nhưng chưa thể về. |
Dù các nhân viên trực tổng đài cấp cứu làm việc hết mình nhưng vẫn có những trường hợp bệnh nhân không qua khỏi trước khi xe cấp cứu đến. Một nữ nhân viên kể lại: “Có lần, người thân nguy kịch nhưng các bệnh viện đã quá tải. Đến khi xe cấp cứu đến thì bệnh nhân đã không qua khỏi. Cảm giác rất bất lực nhưng bọn mình phải động viên để vượt qua. Các bệnh nhân đang rất cần những người cấp cứu ban đầu như bọn mình để được chuyển đến bệnh viện kịp thời”.
Có những giọt nước mắt bất lực vì không thể cứu được bệnh nhân. |
Đôi khi trải qua cảm giác bất lực nhưng các nhân viên trực tổng đài cấp cứu luôn cố gắng cứu được càng nhiều người càng tốt. |
Một nam sinh trường Y chia sẻ cảm xúc sau nhiều tháng trở thành tình nguyện viên trực tổng đài cấp cứu: “Đến thời điểm hiện tại, mình không còn cảm thấy việc này đơn thuần là tình nguyện nữa. Những sinh viên trường Y ngầm hiểu với nhau về hai từ “trách nhiệm” và phải đặt lên hàng đầu để giúp bệnh nhân”.