Se lạnh vào buổi sáng sớm, nắng vàng rực vào buổi trưa, chiều có gió thổi mạnh... Đó là dấu hiệu mùa Xuân ở miền Nam. Những ngày này, lòng tôi lại như những năm qua, cảm thấy lâng lâng một niềm vui khó tả, rồi lại bâng khuâng nhớ dăm cái Tết…
Nhà tôi đông người lắm, có tới mười ba anh chị em. Tết đến con nít vui chứ cha mẹ thì lo lắm, chỉ lo ăn với mặc cho con thôi cũng đủ mệt trong khi túi tiền thì mỏng. Nhiều lúc thấy ba trầm tư bên điếu thuốc, má lắm lúc thở dài, tụi tui vô tư nào biết đâu nỗi lo âu của cha mẹ.
Ba tôi lúc đó chạy xe ngựa, sáng sớm khi đám con còn nằm ngủ là nghe tiếng ba đã thức dậy, gắn ngựa vào xe, rồi có tiếng xe lăn, tiếng vó ngựa vỗ lóc cóc trên đường xa dần. Sẫm tối ông mới về, đưa những đồng tiền kiếm được cho má. Ba tôi hay kể chuyện ngày xưa, cuối chuyện thế nào cũng nói một câu quen thuộc: “Nghe tiếng xe lúc đêm khuya sao nhớ ông nội quá!”.
Má là người biết lo toan. Lúc nào ba đưa tiền, việc đầu tiên má làm là mua thật nhiều gạo ngay. Mười ba miệng ăn mà. Ngày Tết, má mua thêm vài ký gạo thơm, nói là để gia đình ăn ngon mấy ngày Tết.
Má đảm đang, giỏi tính toán việc chi tiêu. Tới khoảng 25 Tết, Má bắt đầu đi chợ mua sắm thức ăn Tết. Tầm đó thì sản vật ở quê đổ về chợ nhiều lắm, giá cả chưa cao, cũng dễ lựa các món ưng ý. Má dặn tôi: Hễ thấy ông mài dao là kêu cho má ngay. Nhiệm vụ tôi chỉ có bấy nhiêu, là đem tất cả dao trong nhà đưa trong ổng, sắp tới nhiều việc má sẽ cần tới đám dao này. Nghe tiếng xe đạp lóc cóc của ông mài dao quen thuộc tui í ới gọi ngay. Người ta thì Mỗi năm hoa đào nở lại thấy ông đồ già, còn tôi thì mỗi năm hoa mai nở thì thấy ông mài dao già. Nghĩ cũng thấy thương ổng, không vợ con gì cả, thui thủi làm ăn. Ngồi gần xem ông say sưa mài dao, tôi thấy giá như ai cũng làm việc chăm chỉ như vậy thì đất nước tiến xa. Con dao qua tay ông môt chút là trở nên bén ngọt, bóng loáng. Giao mấy con dao, lúc nào ổng cũng nhìn tôi cười hiền hậu.
Thuở đó củ cải, bánh tét, bánh mứt mỗi nhà đều tự làm, không có kiểu ra siêu thị hay chợ búa mua. Giáp Tết là cả xóm thức thật khuya, vừa làm bánh mứt vừa kêu lô tô. Cả xóm đầy ắp tiếng cười, vừa cắn hột dưa vừa ăn bánh mứt, vui ơi là vui.
Đưa ông Táo về trời, má bắt đầu làm các món củ cải ngâm muối và các món dưa món. Món này với bánh tét là sở trường của má. Một mình má cứ lui cui làm hoài, chị em gái đụng vào là má không cho. Tôi nói: Má không truyền nghề cho con gái, mai mốt món bánh tét của má chắc bị thất truyền quá! Má cười cười. Sẵn còn bột nếp, má trộn đường và gừng làm vài cái bánh ổ. Nó tròn, dẻo dẻo và to như cái bánh xèo. Má kêu anh Ba phơi trên mái nhà tôn, bao giờ cứng mới lấy xuống cắt lát mỏng và chiên. Món này tụi tôi chỉ đụng tới khi trong nhà sạch bách đồ ăn Tết.
Ngày viếng mộ ông bà, ba tôi phân công: Con trai thì đem lư hương xuống đánh cho thật bóng, con gái làm bánh mứt và phụ mẹ gói bánh tét. Nhìn sang nhà thằng Tý hàng xóm, thấy nó cũng đang đánh bóng bộ lư hương bằng đồng. Chạy sang nhà nó xin mấy trái khế. Đồ đồng đánh với nước khế thì mau bóng lắm.
Ngày Tết, nhà nào cũng có nồi thịt kho hột vịt. Những miếng thịt to nấu với nước dừa thật béo. Má nấu thêm nồi canh khổ qua nhồi thịt. Lúc đó không ăn được khổ qua đắng, tôi thường moi thịt trong ruột ra ăn hết, khiến ba cứ la hoài. Má cũng làm thêm vài hũ củ kiệu. Củ kiệu má làm vừa chua thanh vừa hơi ngọt, ăn với lạp xưởng là bắt cơm lắm. Trải qua mười mấy năm tôi không bao giờ quên được mùi củ kiệu má làm.
Cúng Giao thừa xong, má vớt mẻ bánh tét đầu tiên lên phơi cho ráo nước. Má dặn anh em tôi qua các nhà hàng xóm biếu mỗi nhà một cặp ăn lấy thảo. Hàng xóm cũng biếu lại quà cho nhà tôi.
Mấy ngày Tết là ăn uống tự do, không theo giờ giấc gì cả. Ngày Mùng Một là ngày vui nhất của cả nhà tôi. Nhà nghèo nên ngày đó chúng tôi được ăn uống ngon nhất. Tôi thèm món bánh tráng cuốn thịt luộc và củ kiệu chấm nước thịt, rồi làm thêm hai lát bánh tét với dưa món là no cành hông. Sau đó thì ăn uống tự do, hễ khi nào thấy đói thì ăn, má cúng ông bà rồi thì để sẵn trong lồng bàn, ai muốn ăn cứ tự động lấy ăn. Đám con trai tụi tôi được tiền lì xì thường hay đi đánh bài hay chơi lô tô suốt. Có Tết tôi gặp số đỏ ăn lô tô và được lì xì nhiều tiền, về khoe với má. Má nói để má giữ dùm cho, qua tết mua quần áo mới mà mặc, tui vâng lời. Sau này muốn lấy tiền mua đồ chơi má không cho, tôi giận má mấy ngày.
Ba ngày Tết trôi qua, nhà hết đồ ăn. Sáng sớm má xách giỏ đi chợ, mua vài trái bầu non, luộc vài cái trứng vịt dầm nước mắm, cả nhà bắt đầu trở lại giờ ăn bình thường. Mấy ngày Tết ăn bánh mứt thịt thà nhiều, ngán gần chết. Ăn bữa cơm đầu năm với bầu non chấm hột vịt dầm nước mắm sao mà ngon quá, nhớ mãi. Hôm sau nữa, má đi chợ mua thật nhiều rau, cà rốt về nhà làm nồi nước mắm kho quẹt, cả nhà ăn không còn một hột cơm dính nồi. Lúc đó tôi nghĩ, má như một bà tiên làm món nào cho con cũng ngon.
Ba tôi giờ đã mất. Đất ngoại thành nơi tôi ở không còn thấy một chiếc xe ngựa, nhà cửa xung quanh đều xây tầng cao. Má già yếu lắm, Tết đến má thèm được tự tay gói bánh tét nhưng không còn sức để làm. Nhỏ em gái sau này có tổ chức thi gói bánh tét cho các chị em dâu đêm Ba Mươi để má truyền nghề, nhưng xem ra không có ai để làm truyền nhân của má. Chắc nghề của má bị thất truyền rồi!
Tết vừa rồi, tới ngày Mùng Hai nhà tôi làm món bầu non luộc ăn với hột vịt dầm nước mắm. Mồng Ba thì ăn rau tập tàng với nước mắm kho quẹt. Ăn hết ngon như thuở xưa, nhưng để nhớ má hồi còn trẻ thương yêu con, nấu cho con món ăn bằng ăm ắp tình thương và để nhớ tiếng lóc cóc xe ngựa của ba, mùi bánh tét trong nồi đang sôi ùng ục của nhà… những Tết năm nảo năm nào...
NGUYỄN HÙNG - Ảnh: VAA