Giấc mơ đưa Sử Việt “bay cao bay xa” như Diên Hi Công Lược

Giấc mơ đưa Sử Việt “bay cao bay xa” như Diên Hi Công Lược
HHT - Khi xem phim Diên Hy Công Lược, rất nhiều bạn trẻ đã đặt câu hỏi tại sao sử Việt lại không có một bộ phim cung đấu hoành tráng như vậy?

Bạn Tôn Thất Minh Khôi - hậu duệ chúa Nguyễn Phúc Khoát khẳng định những chất liệu “cung đấu” từ sử Việt hấp dẫn không kém!

Lý lịch trích chéo

Tôn Thất Minh Khôi

Cựu học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), hiện đang là sinh viên ngành Quan hệ quốc tế tại ĐH KHXH&NV.

Founder trang Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi viết về hậu cung phi tần Việt Nam. Bên cạnh chuyện hậu cung, Khôi còn khảo cứu về nghi lễ, trang phục, văn hóa nước ta thời xưa.

Diễn giả của trang Sử Talk với các buổi livestream chia sẻ kiến thức lịch sử rất gần gũi và thú vị.

Giấc mơ đưa Sử Việt “bay cao bay xa” như Diên Hi Công Lược ảnh 1

Diên Hy Công Lược phiên bản sử Việt

Nhắc đến dòng phim cung đấu đang hot, người người nhà nhà đều gọi ngay tên Diên Hy Công Lược của điện ảnh Trung Quốc. Thế nhưng, tớ tin rằng sử Việt hoàn toàn có khả năng khai thác thành một bộ phim cung đấu ăn khách như Diên Hy Công Lược về mặt nội dung. Điểm qua một số sử liệu, ta có vụ án Ỷ Lan Nguyên Phi gián tiếp hại chết Hoàng hậu Thượng Dương và 72 cung nữ, mối liên hôn cận tộc thời nhà Trần hay hậu cung thời Lê Thánh Tông...

Tuy nhiên, điện ảnh sử Việt vẫn đang gặp nhiều thách thức. Về bối cảnh, Huế dù là cố đô vẫn chưa có những bối cảnh đủ sức hấp dẫn để lên phim. Trong khi đó, Trung Quốc ngoài Tử Cấm Thành thì còn có hẳn phim trường Hoành Điếm với tỉ lệ 1:1.

Về trang phục, ta lại vướng phải vấn đề khác: Nếu cho Hai Bà Trưng, Ỷ Lan Nguyên Phi mặc đúng trang phục thời xưa của họ là dạng thức áo giao lĩnh, viên lĩnh thì khán giả sẽ phản ứng rằng sao giống Trung Quốc quá. Nhưng sự thật là, không chỉ Việt Nam mà các dân tộc Á Đông khác như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đều chịu sự ảnh hưởng văn hoá rất mạnh từ Trung Quốc thời kỳ đó, dù vẫn có một vài điểm khác như chất liệu, cách chọn màu…

Và quan trọng nhất là khán giả Việt vẫn chưa sẵn sàng để đón nhận. Lịch sử Trung Quốc chỉ ghi lại những mốc thời gian xảy ra sự kiện chứ không hề ghi rõ các chi tiết như ta thấy trên phim. Tất cả là nhờ họ có một ê-kíp biên kịch có khả năng “phóng bút” thành một cốt truyện hấp dẫn dựa theo những sự kiện lịch sử sẵn có (ví dụ như ở Diên Hy Công Lược, Ngụy An Lạc trở thành Lệnh phi nhờ tư chất thông minh anh dũng, nhưng ở Hậu Cung Như Ý Truyện đây lại là nhân vật dùng mưu mẹo lấy lòng vua để đạt được vị trí cao), và khán giả Trung Quốc đã quen với điều đó vì miễn họ có một bộ phim hay để “nhâm nhi” là đủ. Nhưng nếu đem cách thức này về làm phim sử Việt, đa phần khán giả sẽ “ném đá” kịch liệt ê-kíp vì xuyên tạc lịch sử. Do đó, tớ nghĩ khán giả Việt Nam cần một sự thay đổi về mặt nhận thức để có thể đón nhận những sản phẩm cổ trang sử Việt trong tương lai.

Giấc mơ đưa Sử Việt “bay cao bay xa” như Diên Hi Công Lược ảnh 2

Hiện tại, tớ và ê-kíp trang Thiên Nam đang ấp ủ một dự án phim cung đấu với một nhà sản xuất. Tớ hy vọng dự án này sẽ đặt những viên gạch đầu tiên trong việc quảng bá lịch sử Việt Nam ra 5 châu qua phim ảnh.

Rực rỡ văn hóa Việt

Tháng 6/2017, tớ lập trang Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi. Tớ nghĩ sử Việt hiện nay tập trung quá nhiều vào chiến tranh khiến mọi người lầm tưởng rằng Việt Nam chỉ được dựng lên bằng máu và nước mắt. Học sinh Việt có thể đọc ro ro về trận đại phá quân Tống của Lý Thường Kiệt hay chiến công chống quân Nguyên của Trần Hưng Đạo, nhưng mấy ai biết rằng kinh đô Thăng Long thời Trần đã không hề thua kém kinh đô Yên Kinh khiến sứ thần Trung Hoa cũng phải trầm trồ, hay cung điện thời Tiền Lê đã dệt hẳn bạc lên phần ngói… Tớ muốn cho mọi người biết rằng bên cạnh những chiến công đánh giặc hiển hách, Việt Nam đã từng có một nền văn hóa rực rỡ như thế nào.

Với tinh thần đó, tớ và ê-kíp đã thực hiện một mini project mang tên Họa Trang tái hiện lại trang phục và lối trang điểm ngày lễ của phụ nữ thời Nguyễn. Nếu như thời nay vào những dịp trọng đại phụ nữ trang điểm để làm đẹp thì ngày xưa họ trang điểm để… không ai nhận ra họ, bằng cách đánh mặt trắng bệch như cây sa, tô má tô son rất đậm. Tuy lấy cảm hứng từ lối trang điểm này nhưng tụi tớ quyết định thổi thêm chút hơi thở của hiện đại vào để phù hợp với gu thẩm mỹ của ngày nay. Thách thức nhất là tìm được người nắm được kĩ năng trang điểm thời Nguyễn và nguyên liệu (phấn nụ, bột phấn hoa mai...). May mắn là sau hai tháng tìm kiếm, tụi tớ đã tìm ra và bắt tay vào làm việc. Thế là tháng 7/2018 bộ ảnh Họa Trang đã ra đời, góp phần mang đến cho công chúng phần dịu dàng hơn của lịch sử Việt.

Là sinh viên ngành Quan hệ quốc tế, tớ biết được rằng ngoài những lúc có chiến tranh thì sự hùng mạnh của một quốc gia không được đánh giá bằng những chiến công, mà bằng nền kinh tế, văn hóa của quốc gia đó. Do đó, tớ mong muốn quảng bá những nét tiêu biểu của nền văn hóa Việt Nam để mọi người có cái nhìn đa dạng hơn về lịch sử và văn hoá nước nhà. Sắp tới tớ và ê-kíp trang Thiên Nam dự định sẽ tổ chức talkshow, triển lãm, phục dựng trang phục thời xưa…

Giấc mơ đưa Sử Việt “bay cao bay xa” như Diên Hi Công Lược ảnh 3

Quả thật, việc đưa sử trở nên thân thiện hơn với các bạn trẻ là rất khó,  phần vì các bạn đã quen “dán nhãn” lịch sử là khô khan, phần vì giới trẻ hiện nay chỉ chuộng những thứ đẹp, độc và thú vị. Là một người trẻ, tớ biết được những xu hướng đang hot và lồng xu hướng đó để truyền tải lịch sử cho các bạn trẻ, sao cho tạo được sự thú vị nhưng vẫn giữ được mặt chính xác về thông tin. Ví dụ như lúc mọi người đang rầm rộ vụ rich kid, tớ đã “chộp” ngay thời cơ viết một bài về áo mũ của bậc công chúa, thái tử ngày xưa gồm những bộ phận nào. Bên cạnh đó, tớ cũng muốn đảm bảo người trẻ hiểu đúng lịch sử và nhìn lịch sử theo nhiều góc độ.

Cũng như tớ, rất nhiều bạn trẻ đang sử dụng hướng đi này như nhóm Việt Sử Kiêu Hùng làm phim, trang Anh Hoàng với phong cách dí dỏm… Họ đều là những người tiên phong trong phong trào Cổ phong, là những người nghiên cứu lịch sử với tâm thế hướng về tương lai. Hãy để người trẻ làm lịch sử và truyền tải lịch sử cho người trẻ, vì chỉ có người trẻ mới biết giới trẻ cần gì.

“Phải lòng” với lịch sử nhờ ông nội

Nói một chút về mình, tình yêu lịch sử của tớ bắt nguồn từ ông nội. Từ nhỏ, mỗi dịp Tết gia đình tớ đều được ông nội dẫn vào Đại nội Huế thắp hương cho tổ tiên và tớ sẽ lại quấn quýt nghe ông kể chuyện về một vị vua, vị hoàng tử nào đó. Dần dần, tớ thấy mình yêu sử lúc nào không hay.

Đối với tớ, một cuộc sống viên mãn là khi hết mình vì đam mê nhưng vẫn phải cân bằng với cuộc sống thực tế. Đó cũng chính là ý nghĩa tên hiệu Du Thiền Văn Nhân (*), nghĩa là “người viết yên vui” của tớ đó!

(*) Tên hiệu là tên một người trưởng thành tự đặt cho mình theo Nho giáo.

Theo Trích HHT 1275
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Yên Bái xuất hiện mưa đá, trời sập tối giữa ban ngày, cảnh báo mưa dông ở Hà Nội

Yên Bái xuất hiện mưa đá, trời sập tối giữa ban ngày, cảnh báo mưa dông ở Hà Nội

HHT - Hôm nay (28/3), Yên Bái đã có mưa to. Đặc biệt sáng nay, mưa đá đã xuất hiện trên hầu khắp các địa bàn tại huyện Mù Cang Chải. Từ chiều tối nay (28/3), do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao, nhiều nơi tại miền Bắc, trong đó có Hà Nội chuyển mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to đến rất to.