Giấc mơ Trịnh - từ phòng trà đến Nhà hát Lớn

TPO - Năm nay khán giả hâm mộ Trịnh Công Sơn ở Hà Nội có 4 đêm đắm chìm trong âm nhạc trong đó hai đêm "Giấc mơ Trịnh" vào 1, 2/4 do đội ngũ ca sĩ của một phòng trà đảm trách. Đêm nhạc của những giọng hát tài tử hoặc chưa nổi tiếng đã đem đến nhiều cảm xúc mới mẻ cho “Trịnh khách”.

Ở Hà Nội có một phòng trà lấy họ của nhạc sĩ làm tên và thường xuyên tổ chức các đêm nhạc Trịnh. Có lẽ đây là yếu tố đem lại may mắn. Vì trong khi nhiều phòng trà khác phải ngừng hoạt động do COVID-19, nơi đây vẫn sáng đèn gần như kín tuần. Họ còn có một lượng khán giả đông đảo trên toàn quốc và cả ở nước ngoài theo dõi qua livestream.

Giấc mơ Trịnh - từ phòng trà đến Nhà hát Lớn ảnh 1

Với họ, "Giấc mơ Trịnh" đã thành hiện thực tại Nhà hát Lớn trong hai đêm kín khán giả...

Tất nhiên còn phải kể đến đóng góp quan trọng của một đội ngũ ca sĩ hùng hậu có thực lực và cá tính.

Có thể chưa được đông đảo khán giả biết tới nhưng hầu hết nghệ sĩ đều được đào tạo qua trường lớp, cũng như có kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Và đặc biệt họ đều say mê nhạc Trịnh.

Do vậy, họ không quá bị khớp khi từ phòng trà một bước lên sân khấu lớn trong chương trình Giấc mơ Trịnh.

“Giấc mơ” này được ca sĩ, chủ phòng trà Lê Tâm ấp ủ sau 15 năm hoạt động bền bỉ. “Mang danh” là các ca sĩ, nhạc công phòng trà nhưng đội ngũ Giấc mơ Trịnh không ngại ngần sáng tạo, làm mới, đem lại những cung bậc cảm xúc khác cho nhạc Trịnh trong lần chơi lớn này.

Giấc mơ Trịnh - từ phòng trà đến Nhà hát Lớn ảnh 2

Tiết mục mở màn đưa khán giả trở về thuở ban đầu nghe Trịnh. Ảnh: BTC.

Đêm nhạc mở màn với tiếng hát Khánh Ly kinh điển trong bài Diễm xưa (băng Sơn Ca 7) xa xăm vọng lại. Kế đó, giọng nữ trầm Diệu Thúy bước ra trong tà áo dài trắng cùng nghệ sĩ guitar Đạo Nguyễn như muốn làm sống lại những ký ức về lần đầu nghe Trịnh của nhiều người. Diệu Thúy hay Trịnh Trí Anh là những giọng ca trung thành với trường phái hát mộc gợi cảm giác hoài cổ.

Giấc mơ Trịnh - từ phòng trà đến Nhà hát Lớn ảnh 3

"Nghệ sĩ vùng mỏ" Mai Loan thể hiện Sóng về đâu.

Bên cạnh những giọng nữ thiên về trầm, dày như Mai Loan, Bích Ngọc, Thanh Hương... có những giọng nam cao như Anh Phong (thí sinh The Voice 2017) hoặc trầm như Minh Đức. Cũng có những giọng nữ cao không ngại hát nhạc Trịnh với phong cách bolero.

Khán giả bắt gặp Huy Quyết (Á quân Sao Mai) hòa giọng trong tam ca nam trẻ trung khỏe khoắn. Các nghệ sĩ luôn hòa quyện và nâng đỡ hiệu quả cho nhau trong các tiết mục kết hợp. Hẳn là vì họ có thời gian cùng nhau hát thường xuyên tại địa chỉ quen thuộc ở Tô Hiệu, Hà Nội.

Giấc mơ Trịnh - từ phòng trà đến Nhà hát Lớn ảnh 4

Tam ca nam Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.

Lê Tâm, Nguyễn Tuấn Anh, Trần Tuấn Hòa... mang lại vẻ lịch lãm trong mảng tình ca Trịnh, trong khi Nhật Trường mạnh dạn đưa những nhấn nhá ca trù vào Cũng sẽ chìm trôi. Tiết mục này kéo dài tới hơn 12 phút với phần hòa tấu của Trần Xuân Hòa (trống lưỡi thép), Đạo Nguyễn (guitar) và Phạm Ngọc Tùng (violon).

Giấc mơ Trịnh - từ phòng trà đến Nhà hát Lớn ảnh 5

Lối hát Trịnh khỏe khoắn của Hoàng Trang được nhiều khán giả ưa thích.

Giọng hát tự nhiên, trong sáng và nội lực của Hoàng Trang cùng bạn diễn Nguyễn Đông - hai khách mời phương Nam một lần nữa dễ dàng chinh phục khán giả Hà Nội.

Khán giả dành những tràng vỗ tay nhiệt liệt cho nhạc sĩ Nguyễn Quang (con trai nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9) không chỉ ở tư cách tổng đạo diễn chương trình mà còn vì tiết mục độc tấu piano cùng dàn nhạc bài Biển nhớ theo phong cách jazz giao hưởng đầy máu lửa.

Giấc mơ Trịnh - từ phòng trà đến Nhà hát Lớn ảnh 6

Có lẽ nhạc sĩ Nguyễn Quang nên ra hẳn một đĩa hòa tấu nhạc Trịnh...

Giấc mơ Trịnh trong một chừng mực nào đó đem lại cảm giác tươi mới về một thứ nhạc Trịnh tự nhiên, đa dạng, vẫn đang sống động. Mỗi người một cách biểu đạt khác nhau nhưng đều cho thấy sự hết mình. Điều này cũng dễ hiểu khi với phần đông ê-kíp, đây là lần đầu họ bước vào thánh đường Nhà hát Lớn để hiện thực hóa "Giấc mơ Trịnh”.

Ở những lứa tuổi khác nhau, xuất thân từ những ngành nghề khác nhau với những ngã rẽ khác nhau trong đời nhưng nhạc Trịnh tụ họp họ trong một mái nhà chung để rồi biến giấc mơ làm ca sĩ trên sân khấu lớn, đem giọng hát tới hàng nghìn khán giả của họ thành sự thật vào đúng dịp 22 năm nhạc sĩ rời cõi tạm.

Giấc mơ Trịnh - từ phòng trà đến Nhà hát Lớn ảnh 7

Các nghệ sĩ mạnh dạn sáng tạo trong màn hòa tấu Cũng sẽ chìm trôi.

Câu hát cuối của đêm nhạc còn ngân nga trong tôi: “Hãy yêu ngày tới/ Dù quá mệt kiếp người/ Còn cuộc đời ta cứ vui/ Dù vắng bóng ai…”.

Tôi hiểu rằng người vắng mặt trong hôm nay là nhạc sĩ, nhưng âm nhạc ông để lại luôn “sống trong mỗi hơi thở của chúng ta” (mượn lời của nhạc sĩ Nguyễn Quang).

Và trở thành một niềm vui được nhân lên mỗi khi có thêm một khán giả cảm thấy được xoa dịu tâm hồn khi nghe nhạc Trịnh. Để điều đó xảy ra luôn cần những giọng ca sẵn sàng chuyên chở dòng nhạc này bằng cả sự tự nhiên, say đắm trong tâm hồn.

Giấc mơ Trịnh - từ phòng trà đến Nhà hát Lớn ảnh 8
Ngoài làm ca sĩ, Lê Tâm còn tỏ ra mát tay trong vai trò chủ phòng trà. Anh cũng lên kế hoạch để "Giấc mơ Trịnh" sẽ còn tái diễn...
Tin liên quan