Những nỗi sợ hãi nhỏ nhưng gây nhiều phiền toái
Đứng trước một bài thi, bạn NTN (Hà Nội) run đến nỗi bụng lộn xộn như có ai đang ngoáy tít ruột gan lên vậy. Bạn HN (TP.HCM) lại toát mồ hôi đến chóng cả mặt khi nghe cô giáo gọi tên mình lên bảng. Sấm chớp đì đùng khiến nhiều bạn run rẩy sợ hãi đến độ không dám chui ra khỏi chăn...
Những nỗi sợ hãi này nghiêng nhiều về phần tâm lý và đúng là gây khá nhiều phiền toái. Nó có thể khiến cho bạn quên mất kiến thức mình đã ôn kỹ càng để chuẩn bị cho bài thi. Tuy nhiên, đây thực sự chưa phải sự sợ hãi, mà nó chỉ là những lo lắng và căng thẳng nhất thời.
Bản chất của nỗi sợ hãi là gì?
Nếu nói chính xác về sự sợ hãi, đó phải giống như là bạn đang đứng trước một con hổ răng kiếm trong một hang động cách đây 100.000 năm và không có bất kỳ sự trợ giúp nào. Bạn sẽ làm gì? Chạy thật nhanh, hay ngó nghiêng để kiếm một vũ khí tự vệ, hay nước mắt chảy thành ròng và đứng im chấp nhận sự tấn công của con thú? Bỏ qua sự lựa chọn buồn nhất cuối cùng, chắc chắn cơ thể bạn sẽ giúp đỡ bạn rất nhiều nếu bạn lựa chọn một trong hai sự lựa chọn đầu. Lúc này, sự sợ hãi sẽ khiến cơ thể tự động có những phản ứng để chuẩn bị cho những hành động cực nhanh và mạnh. Đầu tiên nhịp tim sẽ tăng và bơm thêm máu tới não và các cơ bắp. Phổi cũng sẽ hoạt động nhanh hơn để cung cấp nhiều oxy hơn cho cơ thể. Con ngươi của mắt cũng sẽ căng ra để mắt bạn có thể nhìn rõ hơn. Và lúc này, hệ thống tiêu hoá và tiết niệu sẽ tự động giảm hoạt động lại chậm hơn. Vì thế, các giác quan và hành động sẽ được tăng cường tối đa. Nếu lúc này, bạn chạy nhanh quá sức tưởng tượng và leo tót lên được một cái cây mà bạn chưa bao giờ từng nghĩ mình có khả năng leo trèo cũng là điều dễ hiểu nhé!
Trở lại với những nỗi lo lắng và căng thẳng thường ngày. Đôi khi những nỗi sợ nho nhỏ lại rất có ích cho cơ thể, và thậm chí theo cách nhà khoa học, nó cũng góp phần giúp cho cơ thể giữ được sự khỏe mạnh. Ngoài ra, một chút áp lực tâm lý trong những nỗi sợ hãi đơn giản giúp chúng mình ngày càng tiến bộ. Ví dụ như sợ điểm kém sẽ khiến bạn phải chăm học hơn chẳng hạn. Hoặc xem nhiều những bộ phim kinh dị đôi khi lại khiến con người dũng cảm hơn.
Nhưng với những nỗi sợ hãi gây nhiều phiền toái thì sao?
Với những nỗi sợ hãi gây phiền toái không quá nghiêm trọng. Bạn có thể tự tập cho mình trải qua nó bằng cách tự đối mặt với nó hàng ngày. Hít thở thật sâu, tự trấn an mình cũng là một cách để vượt qua nỗi sợ hãi.
Tuy nhiên, với những nỗi sợ hãi gây quá nhiều phiền toái và có thể gây ảnh hưởng đến tinh thần của bạn hàng ngày thì không còn là những nỗi sợ hãi nho nhỏ nữa rồi. Chúng sẽ có thể khiến bạn khó mà tập trung hay làm được việc gì nên hồn, chưa kể nó có thể gây nên chứng nghiện những đồ uống có cồn (được dùng để giúp tỉnh táo tinh thần). Lúc này, bạn sẽ phải cần tới bác sĩ với những buổi nói chuyện tâm lý, kết hợp với những hoạt động thể thao, nhưng buổi tập thư giãn và thậm chí là cả thuốc điều trị nữa đấy.
HOÀNG AN