Tác giả Bãi vàng, đá quý, trầm hương chia sẻ: Ông yêu văn học Trung Quốc, từ cổ điển tới hiện đại. Nguyễn Trí còn nói vui: Nếu có thời gian và điều kiện, ông kể chuyện Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy Hử có khi cũng “hái ra tiền”. Trong tiểu thuyết Hoa xương rồng, giúp ông ẵm 300 triệu đồng tiền thưởng năm 2023, Nguyễn Trí hứng chí mang cả La Quán Trung, Kim Dung vào tác phẩm của mình.
Không chỉ có “chưởng Kim Dung” gây mê
Nguyễn Trí đã nghiền nát tứ đại danh tác của văn học cổ điển Trung Quốc: Tam Quốc diễn nghĩa (La Quán Trung), Thuỷ hử của Thi Nại Am, Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần, Tây du ký của Ngô Thừa Ân. Nhưng nhà văn Trung Quốc hút hồn Nguyễn Trí từ thời niên thiếu chính là Kim Dung: “Tôi đọc Kim Dung từ hồi lớp 7, lớp 8, toàn bộ tiểu thuyết của Kim Dung tôi không bỏ sót cuốn nào”.
Ở Việt Nam, không hiếm những nhà văn yêu thích văn học Trung Quốc như Nguyễn Trí. Nguyễn Hoàng Linh, một độc giả mê sách ở Hà Nội nói: “Trong truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao, tôi nhớ nhất câu: Tài thật, tài đến thế là cùng, tiên sư anh Tào Tháo. Tôi đoán Nam Cao chắc cũng mê Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung”.
Huyền Phương, một độc giả yêu thơ, cho rằng: “Không chỉ văn xuôi, thơ ca Trung Quốc, nhất là thơ cổ ảnh hưởng mạnh trong văn học Việt. Huy Cận trong bài Tràng Giang viết: Quê hương khuất bóng hoàng hôn/Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai. Ông lấy cảm hứng từ thơ Thôi Hiệu: Nhật mộ hương quan hà xứ thị/Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Kiệt tác văn chương của ta, Truyện Kiều, cũng lấy cốt truyện từ tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, tác giả đời nhà Minh, Trung Quốc”.
Độc giả Vũ Minh Châu, học ngành Sáng tác văn học, khoa Viết văn, Báo chí, Trường ĐH Văn hoá Hà Nội chia sẻ: “Tôi biết đến văn học Trung Quốc tình cờ, từ một vài truyện ngắn được thầy cô và bạn bè giới thiệu, sau đó bị cuốn vào”.
Minh Châu ngưỡng mộ nhà văn Tàn Tuyết: “Văn chương của Tàn Tuyết rất khó nắm bắt, nó kỳ lạ, thậm chí có phần mơ hồ, triết lý và đầy ẩn dụ. Bà viết như thể không cần ai hiểu mình và chính điều đó càng thôi thúc tôi khám phá. Tàn Tuyết giúp tôi hiểu rằng viết là hành trình rất riêng tư, rất cô đơn nhưng cũng là cách sâu nhất để chạm tới trái tim con người”.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Những tác phẩm văn học hiện đại Trung Quốc được yêu thích ở Việt Nam |
Nhắc đến những nhà văn Trung Quốc được độc giả Việt dành tình cảm đặc biệt, không thể không kể tới Kim Dung. Nhà phê bình Hoài Anh đánh giá: “Tiểu thuyết Kim Dung xuất hiện ở miền Nam thập niên 60, 70, trước 1975 và trở thành một hiện tượng văn học chi phối rộng lớn trong thị trường văn học miền Nam. Những tiểu thuyết kiếm hiệp của ông như Anh hùng xạ điêu, Tiếu ngạo giang hồ, Cô gái Đồ Long (Ỷ Thiên Đồ Long ký)… đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của công chúng trên sách báo tạp chí ở miền Nam.
Sau 1975 tiểu thuyết Kim Dung bị cấm, đến thời đổi mới lại xuất hiện ồ ạt từ những năm cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 thế kỷ trước và duy trì cho đến nay”.
Không chỉ có văn học cổ điển Trung Quốc hay “chưởng Kim Dung” gây sốt ở Việt Nam. Văn học hiện đại Trung Quốc cũng xâm nhập thị trường sách Việt, từng tạo nên cơn sốt. Có dạo, người ta rủ nhau đọc Mạc Ngôn và bình luận sôi nổi.
Theo nhà văn Đào Bá Đoàn, Phó giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn, các tác phẩm quan trọng của Mạc Ngôn đã được dịch ra tiếng Việt. Độc giả Việt có thể thưởng thức văn chương Mạc Ngôn khá trọn vẹn. Ở Việt Nam, fan của Mạc Ngôn đông đảo, trong đó có không ít nhà văn.
Nhà văn Dương Hướng, Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi, Hội Nhà văn Việt Nam chính là fan cứng của Mạc Ngôn: “Tôi thích văn học Trung Quốc vì độ thâm sâu. Văn học hiện đại Trung Quốc có nhiều gương mặt nổi bật, trong đó tôi thích Cao Hành Kiện với Linh Sơn. Nhưng thích nhất là Mạc Ngôn. Tôi đã đọc các tác phẩm chính của Mạc Ngôn được dịch ra tiếng Việt, đặc biệt mê Đàn hương hình.
Hiện thực xã hội trong tác phẩm của Mạc Ngôn gần với Việt Nam, cách viết của ông lại trào phúng, hào phóng, sâu sắc. Tôi đã đọc Đàn hương hình không chỉ một lần. Tôi thường đọc hết một lượt, đánh dấu những đoạn mình thích để đọc đi đọc lại và nghiền ngẫm”.
Nhà văn Nguyễn Trí thích hai gương mặt nổi bật trên văn đàn Trung Quốc đương đại là Mạc Ngôn và Diêm Liên Khoa: “Tôi thích Diêm Liên Khoa với Đinh Trang mộng, Kiên ngạnh như thuỷ, đặc biệt là Tứ thư. Hầu hết các tác phẩm của Diêm Liên Khoa đã được dịch ra tiếng Việt tôi đều thích nhưng tôi thích văn chương Mạc Ngôn hơn.
Những điều Mạc Ngôn viết khiến tôi liên tưởng đến lịch sử Việt Nam. Ở Việt Nam, tôi thích nhà văn Lê Minh Khuê, trong đó có truyện ngắn Bi kịch nhỏ. Nếu với Bi kịch nhỏ, Lê Minh Khuê chịu phóng bút viết thành tiểu thuyết thì tôi cho rằng không kém Mạc Ngôn”.
![]() |
![]() |
Những kiệt tác của văn học cổ Trung Quốc có trên thị trường sách Việt |
Việt Nam và Trung Quốc hiểu nhau hơn cả
Một trong những người đưa văn chương Diêm Liên Khoa về Việt Nam là dịch giả văn học, TS. Nguyễn Thị Minh Thương. Chị đã dịch Kiên ngạnh như thuỷ, Đinh Trang mộng của Diêm Liên Khoa. Dịch giả Minh Thương cũng đưa tiểu thuyết Phồn hoa của Kim Vũ Trừng về Việt Nam. Phồn hoa được đạo diễn Vương Gia Vệ dựng thành phim truyền hình cùng tên dài 30 tập, gây sốt ở Trung Quốc đầu năm 2024.
![]() |
Dịch giả Minh Thương |
Dịch giả sinh năm 1986 tiết lộ: Sách của Diêm Liên Khoa cháy hàng, còn Phồn hoa của Kim Vũ Trừng bán túc tắc cũng đã hết hàng, đang chờ tái bản. Theo chị, Diêm Liên Khoa và Kim Vũ Trừng sở hữu lượng fan Việt không nhỏ. Chị thường nhận được câu hỏi: Vì sao chưa ra sách mới của Diêm Liên Khoa?
Rất nhiều tác phẩm văn học Trung Quốc được dựng thành phim đã gây sốt ở Việt Nam như Hồng lâu mộng (1987), Tây du ký (1986) hay loạt phim chuyển thể từ tác phẩm của Kim Dung như Thiên long bát bộ (2003) với thần tiên tỷ tỷ Lưu Diệc Phi, Tiếu ngạo giang hồ (1996), Anh hùng xạ điêu (2003) ghi dấu ấn với Lý Á Bằng (Quách Tĩnh), Châu Tấn (Hoàng Dung), Châu Kiệt (Dương Khang), Thần điêu đại hiệp (1995) với bộ đôi Cổ Thiên Lạc, Lý Nhược Đồng… Ở lĩnh vực sân khấu của Việt Nam, kịch của Tào Ngu đã được khai thác và ghi dấu ấn (vở Lôi Vũ). Liệu các nhà làm phim Việt có khai thác văn học Trung Quốc để làm phim? Dịch giả Châu Hải Đường cho rằng, dựng phim từ tác phẩm văn học Trung Quốc không dễ. Một nhà văn giấu tên bình luận: “Tôi cũng nghĩ không dễ. Đầu tiên phải thuyết phục nhà văn Trung Quốc chịu trao đứa con tinh thần của họ vào tay các nhà làm phim Việt. Chuyện này không đơn giản như xin phép nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đưa các tác phẩm của ông lên màn ảnh rộng”.
Một trong những dịch giả văn học Trung Quốc uy tín hiện nay là Châu Hải Đường. Anh đã dịch Tứ thư của Diêm Liên Khoa, Ống nhòm một mắt, Tục thế kỳ nhân của Phùng Kí Tài, dịch tản văn Giả Bình Ao, dịch Hán Sở diễn nghĩa của Chung Sơn cư sĩ Chân Vĩ vốn quen thuộc với độc giả Việt Nam với tên Hán Sở tranh hùng….
Dịch giả 7x chia sẻ: “Nói chung công việc chuyển ngữ văn học thì ngôn ngữ nào cũng có khó và dễ.
Dịch văn học Trung Quốc cứ như tôi thấy thì có lẽ nó sẽ dễ hơn, so với văn học các nước khác. Vì Việt Nam và Trung Quốc vốn là hai nước gần nhau, có nhiều nét tương đồng về văn hoá, có lịch sử giao tiếp với nhau từ lâu.
Việt Nam lại là nước từng sử dụng chữ Hán trong một thời gian dài hàng ngàn năm, vì vậy nếu so sánh với các nước khác thì có thể nói Việt Nam và Trung Quốc là hai nước hiểu về nhau hơn cả. Vì vậy, trong công việc dịch thuật văn học, cũng dễ để hiểu rõ về những gì tác giả nói, dễ để biểu đạt những khái niệm phạm trù trong tư duy của người này bằng ngôn ngữ của người kia hơn cả.
Việt Nam dịch văn học Trung Quốc thuận lợi hơn phương Tây cũng như các nước khác nhiều. Và ngược lại cũng vậy”.
![]() |
Dịch giả Châu Hải Đường |
Nhưng dịch văn học Trung Quốc cũng có cái khó. Dịch giả Châu Hải Đường phân tích: “Hành văn, ngữ pháp trong ngôn ngữ mỗi nước cũng khác nhau. Chữ Hán cũng có nhược điểm như không viết hoa tên riêng, ngôn ngữ văn chương Trung Quốc kể cả hiện đại và cổ điển đều khá cô đọng và hay dùng điển cố, thành ngữ…
Người dịch phải có sự nghiên cứu tìm hiểu kiến thức khá sâu mới có thể làm tốt công việc dịch thuật được. Những người làm công tác dịch thuật các tác phẩm cổ điển viết bằng văn ngôn của Trung Quốc xưa, lại càng khó hơn”. Châu Hải Đường còn dịch thơ Đường, từ Tống của Trung Quốc sang tiếng Việt. Anh cho rằng, người Việt dịch thơ Đường rất thuận lợi (so với các nước khác): “Thứ nhất, thơ Đường được truyền bá vào Việt Nam từ rất sớm, được ông cha ta coi như một kỹ năng cơ bản trong việc làm văn chương.
Thơ phú cũng là một hạng mục trong thi cử, vì thế từ cách luật đến vần điệu đã được thấm nhuần từ lâu. Thứ hai, ngôn ngữ Việt cũng đơn âm tiết như chữ Hán, nên việc dịch hay sáng tác thơ Đường bằng quốc âm (chữ Nôm) cũng rất dễ dàng. Thậm chí, với cách đọc Hán Việt, người Việt còn được cho là đọc thơ Đường chuẩn hơn người Trung Quốc hiện nay”.
Dịch giả Châu Hải Đường đánh giá, văn học Trung Quốc được độc giả Việt Nam đón nhận nồng nhiệt trên mọi thể loại: Từ các sáng tác văn chương thuần tuý, đến các tác phẩm văn học mạng, với nhiều đề tài. Một trong những điểm mấu chốt khiến văn học Trung Quốc hầu hết được đón nhận dễ dàng ở Việt Nam là sự tương đồng trong quan niệm xã hội, trong truyền thống văn hoá và cả trong triết lý, suy tư của con người hai nước.