Mỗi tuần, 282 bảng Anh (9 triệu VND) xuất hiện trong tài khoản ngân hàng của cô Elinor O’Donovan.
Người phụ nữ 27 tuổi này là một nghệ sĩ đa ngành, cô điêu khắc, làm phim và nghệ thuật sắp đặt, nhưng số tiền này không đến từ công việc của cô, cũng không phải là một khoản trợ cấp hay quà tặng. Nó không đi kèm nghĩa vụ phải sản xuất bất cứ thứ gì để đổi lại; cách cô O’Donovan chọn chi tiêu số tiền này hoàn toàn tùy thuộc vào cô ấy.
Cô O’Donovan là một trong 2.000 nghệ sĩ và nhân viên văn hóa hiện đang tham gia chương trình thí điểm thu nhập cơ bản tại Ireland. Năm ngoái, các nghệ sĩ thị giác, nhạc sĩ, nhà làm phim, nhà văn, diễn viên, vũ công và nghệ sĩ xiếc đã được chính phủ Ireland chọn ngẫu nhiên từ hơn 8.000 người đủ điều kiện để nhận số tiền này mỗi tuần trong ba năm, không kèm theo điều kiện nào.
Đối với cô O’Donovan, một cựu nhân viên lễ tân bán thời gian, đây là một bước ngoặt thay đổi cuộc sống. “Tôi có thể dành nhiều thời gian hơn cho nghệ thuật”, cô nói. “Thật nhẹ nhõm biết rằng tiền sẽ đến trong ba năm tới. Sức khỏe của tôi được cải thiện vì có sự đảm bảo. Tôi có thể hít thở và thực sự tập trung vào những mục tiêu của mình”.
![]() |
Cô Elinor O’Donovan – người được hưởng thu nhập mà không cần phải làm gì |
Chương trình của Ireland chỉ là một trong hàng trăm thử nghiệm tương tự đang diễn ra vòng quanh thế giới, thuộc phong trào kêu gọi thu nhập cơ bản toàn dân (UBI) - một khoản tiền tiêu chuẩn, vô điều kiện được trả cho mọi người một cách thường xuyên.
Scotland và xứ Wales đều đã thử nghiệm các dự án quy mô nhỏ và hiện đang trong giai đoạn gây quỹ cho chương trình thí điểm đầu tiên của Anh.
Ba mươi người ở thị trấn Jarrow và khu vực East Finchley phía Bắc London sẽ được trao 1.600 bảng Anh (51,5 triệu VND) một tháng để xem chương trình này có tác động như thế nào đến sức khỏe tinh thần và thể chất của họ, cũng như liệu họ có chọn làm việc hay không.
Khái niệm khoản thu nhập phổ quát đã xuất hiện từ thời nhà nhân văn Thomas More, người đã đề cập đến nó trong tác phẩm Utopia của ông năm 1516 và nhiều người vẫn coi đó là một khái niệm cấp tiến, nhưng bất khả.
Những người ủng hộ, bao gồm thị trưởng Manchester (Anh), ông Andy Burnham, cho rằng đây là một giải pháp thực tế cho những thách thức của thế giới hiện đại.
Cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn về cách thức hoạt động của ý tưởng này. Một số nhà phê bình, bao gồm Tiến sĩ Luke Martinelli tại Đại học Bath (Anh), tin rằng nó sẽ ảnh hưởng đến những người có thu nhập thấp bằng cách lấy số tiền hiện đang được sử dụng để hỗ trợ họ và đưa nó cho những người có thu nhập cao hơn và không cần đến nó.
Những người khác nói rằng nó sẽ tạo ra bất bình đẳng thậm chí lớn hơn, vì những người khá giả sẽ có nhiều tiền hơn bao giờ hết.
Điều đáng lưu ý là cách chúng ta làm việc đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Lời kêu gọi các chương trình UBI ngày càng cấp bách hơn là do tác động của AI hiện không thể bỏ qua. Trong năm đầu tiên kể từ khi ChatGPT ra mắt, ước tính 14% người lao động Mỹ đã mất việc vào tay robot.
Như các nhà lãnh đạo công nghệ đã cảnh báo, mối đe dọa lớn nhất từ AI sẽ không phải một đội quân robot thâu tóm thế giới, mà là khả năng 300 triệu người sẽ mất việc, theo dự đoán của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs.
![]() |
Kể từ khi ChatGPT ra mắt cách đây một năm, công việc của hàng triệu người hiện đang bị đe dọa |
Trước đây, tự động hóa được thiết kế để thay thế công việc đòi hỏi thể lực; giờ đây, nó đang nhắm đến các ngành nghề trung lưu. Các công việc đòi hỏi kỹ năng cao và được trả lương cao như luật, tài chính và y học gặp rủi ro lớn nhất.
Hậu quả để lại có thể thảm khốc, dẫn đến nhu cầu khẩn cấp xem xét lại cách chúng ta làm việc và kiếm tiền. Với hàng triệu người thất nghiệp, các dịch vụ xã hội quan trọng sẽ không còn được tài trợ thông qua hệ thống thuế, và cơ sở hạ tầng cơ bản của chúng ta có thể sụp đổ.
Ông Will Stronge, giám đốc tổ chức tư vấn Autonomy, đơn vị đứng sau dự án thí điểm tại Jarrow, cho biết chúng ta đang sống trong “thời đại khủng hoảng" và cần phải có sự thay đổi triệt để.
“Xã hội của chúng ta sẽ cần một hình thức thu nhập cơ bản trong những năm tới, do sự hỗn loạn của biến đổi khí hậu, sự gián đoạn công nghệ và quá trình chuyển đổi công nghiệp sắp tới”, ông nói.
Có lẽ câu hỏi đầu tiên về việc nhận tiền miễn phí, vô điều kiện là liệu tất cả chúng ta có trở nên lười biếng không. Trong khi một số người lo ngại rằng một xã hội toàn những người bỏ việc cũng có thể tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tâm lý, tỷ phú Elon Musk tin rằng một công việc trong tương lai có thể trở thành “sở thích cá nhân” - một ý tưởng đúc kết từ kết quả của các chương trình UBI trên thế giới.
“Khi mọi người được cấp thu nhập cơ bản, không có sự sụt giảm đáng kể nào trong công việc được trả lương”, bà Cleo Goodman, người đứng đầu về thu nhập cơ bản của Autonomy, cho biết.
![]() |
Elon Musk đã dự đoán rằng trong tương lai chúng ta sẽ chỉ cần làm việc nếu muốn |
Vào năm 2017 và 2018, những người thất nghiệp ở Phần Lan đã được cấp khoảng 500 bảng Anh (16 triệu VND) một tháng, và họ vẫn tiếp tục được trả ngay cả nếu sau đó họ tìm thấy việc làm. Những người nhận được khoản tiền đã làm việc trung bình 78 ngày từ tháng 11/2017 đến tháng 10/ 2018 – nhiều hơn sáu ngày so với những người hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Sức khỏe tinh thần và mức độ tự tin về tương lai của những người tham gia chương trình cũng được cải thiện đáng kể. Việc loại bỏ sự không chắc chắn là một yếu tố chính, cũng như “quyền nói không với những công việc không ổn định, lương thấp”, theo giáo sư Helena Blomberg - Kroll từ Đại học Helsinki (Phần Lan), người đã dẫn đầu nghiên cứu này.
Chương trình này cũng trao cho một số người “cơ hội sống ước mơ của mình”, theo đuổi công việc mà họ cảm thấy đam mê thay vì phải chấp nhận lời đề nghị đầu tiên do nhu cầu cấp thiết. Điều này cho thấy rằng trong một thế giới mà tiền không phải là động cơ thúc đẩy quan trọng nhất, nhiều người sẽ chọn công việc dựa trên sở thích.
“Nhiều người chúng tôi trò chuyện cùng nói về cách họ sẽ tận dụng thời gian của mình. Nhiều người muốn giảm giờ làm việc vì họ có những mối quan tâm khác, có thể họ muốn khởi nghiệp, chăm lo gia đình, tiếp tục việc học hoặc làm tình nguyện. Mọi người sẽ thích ưu tiên những việc không được trả lương, những việc mà chính là mục đích của cuộc sống”, bà Goodman cho biết.
O’Donovan hy vọng chương trình Thu nhập Cơ bản cho Nghệ thuật của Ireland sẽ phát triển thành một hệ thống toàn cầu. Chỉ riêng đối với nghệ thuật, cô có thể thấy nhiều lợi ích tiềm năng. “Mọi người luôn đặt câu hỏi về giá trị của nghệ thuật vì những gì nó mang lại cho xã hội không thể đong đếm. Nhưng giá trị của nó là rất lớn và UBI sẽ giúp nó phát triển mạnh mẽ”, cô nói.
Cô coi việc nhận được khoản tài trợ là một trách nhiệm, và gần đây cô đã trở thành thư ký của Praxis, liên đoàn nghệ sĩ Ireland. “Giờ tôi đảm bảo được trả lương, vậy tôi có thể làm gì để hỗ trợ các nghệ sĩ khác. Những chương trình thí điểm này cho thấy chúng ta có thể sống như một cộng đồng thật sự” cô nói.