Theo Viện KSND tỉnh Hà Giang, trong số 107 thí sinh Hà Giang được sửa, nâng điểm tại kỳ thi THPT 2018, có thí sinh được nâng nhiều nhất lên đến 29,95 điểm đối với 4 môn thi, người thấp nhất được nâng 2,2 điểm đối với 1 môn thi.
Ngày 5/6, một lãnh đạo Viện KSND tỉnh Hà Giang cho biết cơ quan này đã ban hành cáo trạng và chuyển hồ sơ đến TAND tỉnh Hà Giang để xét xử 5 bị can trong vụ án gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang.
5 bị can có sự bàn bạc, tác động nâng điểm
Viện KSND tỉnh Hà Giang xác định, qua nghiên cứu, đánh giá toàn bộ chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở để kết luận 5 bị can trong vụ án đã có sự bàn bạc, tác động thực hiện việc nâng điểm cho các thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 môn trắc nghiệm, làm thay đổi 309 bài thi của 107 thí sinh.
Trong số này, có 102 bài thi môn toán, 85 bài thi môn lý, 56 bài thi môn hóa, 7 bài thi môn sử, 1 bài thi môn địa, 50 bài thi môn tiếng Anh và 8 bài thi môn sinh.
Thí sinh được nâng điểm cao nhất có số báo danh 05000592, nâng 4 môn thi trắc nghiệm (toán, ngoại ngữ, hóa, lý) với số điểm chênh lệch 29,95 điểm. Thí sinh được nâng ít nhất có số báo danh 05000398, nâng 1 môn trắc nghiệm (toán) với số điểm chênh lệch 2,2 điểm.
Hai phó giám đốc sở hưởng lợi ích phi vật chất
5 bị can trong vụ án này gồm: Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, Ủy viên Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia cấp tỉnh 2018, Phó chủ tịch kiêm ủy viên thường trực Hội đồng thi, Trưởng ban thư ký Hội đồng thi, Phó trưởng ban thường trực Ban Chấm thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang; Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, Phó ban thư ký Hội đồng thi, kỹ thuật viên xử lý bài thi trắc nghiệm kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, cùng bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo khoản 2, điều 356 bộ luật Hình sự 2015. Hai bị can này sẽ đối mặt với mức án từ 6 - 10 năm tù.
Bị can Triệu Thị Chính, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, Phó chủ tịch Hội đồng thi, Trưởng ban Chấm thi, bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, quy định theo khoản 1, điều 358 bộ luật Hình sự 2015. Bị can này đối mặt với mức án từ 1 - 6 năm tù. Một phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang nữa là Phạm Văn Khuông bị truy tố về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, quy định tại khoản 1, điều 366 bộ luật Hình sự 2015, đối mặt với mức án từ 6 tháng - 3 năm tù.
Theo cáo trạng, 2 phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang đã có hành vi tiếp tay gian lận điểm thi và chỉ được hưởng lợi ích phi vật chất.
Bị can Lê Thị Dung, nguyên Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh - Chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Giang, cán bộ công an duy nhất trong vụ án, cũng bị truy tố về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, đối mặt với mức án tối đa 3 năm tù giam.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Hà Giang, trong vụ án này, bị can Nguyễn Thanh Hoài, Vũ Trọng Lương đã bàn bạc thống nhất thực hiện việc nâng điểm cho các thí sinh. Hoài có vai trò cầm đầu, Lương là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội đã tác động vào bài thi làm thay đổi điểm của 107 thí sinh. Phạm Văn Khuông đã nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho con (số báo danh 05000284), kết quả số báo danh này được nâng 13,3 điểm. Bị can Lê Thị Dung do mối quan hệ quen biết nên đã nhờ Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh, kết quả 20 thí sinh đều được nâng điểm.
Bị can Triệu Thị Chính đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của Trưởng ban Chấm thi, vi phạm quy chế thi, đã đưa một danh sách 13 thí sinh nhờ Hoài nâng điểm môn ngữ văn cho 12 thí sinh (có 1 thí sinh Triệu Thị Chính nhờ xem điểm). Giữa 2 bị can đã thống nhất số điểm cần nâng đạt được, tuy nhiên vì lý do khách quan nên Hoài chưa thực hiện được hành vi can thiệp nâng điểm.
Điều tra, xử lý hành vi các phụ huynh có con được nâng điểm
Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Hà Giang cũng cho biết, trong vụ án này còn có trách nhiệm của một số đối tượng liên quan, là phụ huynh của các thí sinh đã được nâng, sửa điểm. Do thời hạn điều tra nên cơ quan tố tụng tiếp tục thu thập chứng cứ để xử lý theo quy định pháp luật.
Trong một diễn biến khác, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cũng cho biết theo chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, cơ quan này đã yêu cầu các cán bộ đảng viên có con em nằm trong diện gian lận điểm thi tiến hành kiểm điểm và xử lý theo quy định.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã có văn bản yêu cầu các cán bộ, đảng viên giải trình sự việc liên quan đến việc có con em được nâng điểm trong vụ tiêu cực điểm thi THPT quốc gia 2018. Ngoài ra, xem xét trách nhiệm của Trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2018 đối với ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh. Xem xét trách nhiệm, yêu cầu giải trình đối với nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang Vũ Văn Sử với vai trò Chủ tịch Hội đồng kỳ thi THPT quốc gia THPT năm 2018 tại Hà Giang, Phó trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2018. Các cán bộ, cá nhân có vai trò tham mưu Ban Chỉ đạo - Hội đồng thi cũng phải giải trình đối với Đảng ủy, chi ủy Đảng nơi đảng viên đó đang công tác.