Giáo dục khắc nghiệt có tác dụng tốt không, liệu điểm số có quan trọng hơn niềm vui?

Giáo dục khắc nghiệt có tác dụng tốt không, liệu điểm số có quan trọng hơn niềm vui?
HHT - Một học sinh có những vi phạm tại trường, phải chịu hình phạt là dễ hiểu. Nhưng việc lặp lại quá nhiều hình phạt rửa chén, dọn vệ sinh, thường xuyên lấy hình phạt ra để hù dọa, thì có vẻ không còn là biện pháp giáo dục hiệu quả.

Gần đây, cư dân mạng xôn xao chuyện một phụ huynh có con học ở trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) gửi tâm thư cho Ban giám hiệu vì con của cô phải trải nghiệm những biện pháp giáo dục hà khắc của trường, và sau đó bị cô Hiệu phó “điểm mặt chỉ tên” với giáo viên chủ nhiệm và trước lớp, khiến gia đình không có cách nào khác là phải chuyển trường. Là những người trong cuộc, bạn có cho rằng một nền giáo dục khắc nghiệt có tác dụng tốt không?

Giáo dục khắc nghiệt có tác dụng tốt không, liệu điểm số có quan trọng hơn niềm vui? ảnh 1

“Thương cho roi cho vọt” có đúng?

Một học sinh có những vi phạm trên trường, việc phải chịu một số hình phạt là dễ hiểu. Nhưng việc lặp lại quá nhiều lần những hình phạt rửa chén, dọn vệ sinh, thường xuyên lấy hình phạt ra để hù dọa, điển hình như dọa đuổi học - trường hợp con của phụ huynh H.G theo học ở trường THPT Lương Thế Vinh thì có vẻ không còn là một biện pháp giáo dục có hiệu quả.

Tưởng chừng ngày nay, giáo dục nước ta đang dần trở nên cởi mở, thì thực tế vẫn có những trường vẫn dùng kỷ luật “thép” để “gò” học sinh vào khuôn như những chiếc bánh giống nhau như đúc. Ở TP.HCM, không học sinh nào không biết đến trường THPT tư thục N.K, là nơi phụ huynh gửi gắm con em vào trường với mong muốn kỷ luật “thép” sẽ uốn nắn các bạn í để không thể… quậy và đậu đại học.

Nhưng thực tế thì trái lại với mong muốn của người lớn. Kỷ luật càng hà khắc, “mánh khóe” của học trò càng tinh vi, chưa kể còn kéo theo nhiều hệ lụy. Duyên Nguyễn kể: “Trường mình có thể nói điều bị cấm làm còn nhiều hơn cả điều được cho phép. Là trường nội trú, xem trường như nhà mình, nhưng học sinh trong trường bị cấm không được nghe nhạc kể cả khi giờ học trên lớp đã hết. Ở trong trường thì xác định là chỉ học 24/24, sách báo cũng bị cấm, hình phạt có nhiều khi là bị đánh bằng roi. Kết quả là có những cách giấu điện thoại rất tinh vi, có một bạn nam lớp mình đã khoét lỗ cả cuốn từ điển Oxford mấy trăm nghìn chỉ để giấu chiếc điện thoại vào đó”.

Giáo dục khắc nghiệt có tác dụng tốt không, liệu điểm số có quan trọng hơn niềm vui? ảnh 2

Muốn học sinh giỏi, thầy cô phải nghiêm khắc?

Trong một môi trường giáo dục kiểu cho roi cho vọt, cho bài tập thật nhiều để bảo đảm học sinh thi đậu: Học sinh sẽ có vẻ học giỏi đấy, nhưng lại kém phát triển về EQ (tư duy cảm xúc). Việc đi học sẽ không còn vui mà trở thành gánh nặng, nguồn gốc gây ra căng thẳng.

Năm 1979, Thụy Điển thông qua điều luật cấm trừng phạt thân thể trẻ (ví dụ: Cấm đánh đòn trẻ), dần dần đã tạo cảm hứng cho những nền giáo dục hàng đầu như Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch và Úc. Phần Lan cũng “bài trừ” kiểu giáo dục hà khắc, thay vào đó, cảm xúc, ý kiến cá nhân được bồi dưỡng, khuyến khích. Một vài trong số bảy nguyên tắc làm nên nền giáo dục phát triển rực rỡ ở Phần Lan là:

Bình đẳng: Giáo viên không có định kiến với tính cách của học sinh, không có học sinh ngoan hay cá biệt, vì cá tính thì không phải là một cái tội.

Tiếp nhận từng cá nhân: Chương trình học được thiết kế để tiếp cận với từng học sinh, vì mỗi cá nhân có cách tiếp thu khác nhau; nếu học sinh không theo kịp, sẽ có lớp phụ đạo và gia sư kèm.

Giáo dục khắc nghiệt có tác dụng tốt không, liệu điểm số có quan trọng hơn niềm vui? ảnh 3

Tin tưởng và sự tự nguyện: Giáo viên không áp đặt học sinh; học sinh có quyền làm điều mình thích trong yên lặng nếu thấy bài giảng vô bổ.

Các giáo viên Phần Lan cũng tin rằng: Less is More (giảm đi tức là tăng lên). Trong đó, giảm bài tập tức là tăng sự tham gia vào các hoạt động hữu ích khác; giảm số lượng bải tập, giúp tăng độ sâu mà mỗi học sinh có thể cảm nhận về từng bài học, việc học sẽ trở nên có ích hơn thay vì học như những chú vẹt;… Giáo dục thực sự, tức là làm cho học sinh hiểu sâu sắc về cuộc sống, về chính bản thân mình để cuộc đời có “sóng xô biển dập” thì học sinh cũng biết cách trụ được, chứ không phải là để “đồng hóa” mọi cá tính, tuân theo luật lệ một cách mù quáng, hay đơn giản chỉ là để đậu đại học!

Giáo dục hà khắc - có “cầu” nên mới có “cung”?

Mặc dù sau sự việc trên, nhiều ý kiến phản ứng lại phương pháp giáo dục nặng về kỷ luật của trường THPT Lương Thế Vinh, nhưng đây vẫn là một trong những ngôi trường có lượng hồ sơ dự tuyển hằng năm cao nhất Hà Nội. Thực tế là nhiều gia đình chỉ quan tâm đến việc nhà trường đảm bảo con mình đỗ đại học, bất chấp biện pháp mà nhà trường đưa ra là cắt ngắn kỳ nghỉ Hè chỉ còn một đến hai tháng, học thêm tiết, giao hàng chục bài tập sau mỗi tiết học…  

Giáo dục khắc nghiệt có tác dụng tốt không, liệu điểm số có quan trọng hơn niềm vui? ảnh 4

Có cầu ắt có cung. Phụ huynh học sinh có nhu cầu như thế nào, thì mô hình giáo dục phù hợp với nhu cầu ấy sẽ mọc lên. Nếu chúng ta không trọng thành tích, chú trọng việc phát triển kỹ năng, cảm xúc hơn điểm số, hẳn phương pháp giáo dục hà khắc sẽ tự khắc bị đào thải. Duyên Nguyễn chia sẻ: “Trước khi học sinh được nhận vào, phụ huynh phải ký cam kết con em mình chấp hành nội quy hà khắc ở đây. Vì hầu hết phụ huynh gửi con vào trường chỉ mong con đậu đại học còn những thứ khác thì… không quan tâm, nên sẵn sàng ký. Mình nghĩ không phải do trường, mà là do phụ huynh học sinh đã chấp nhận điều đó trước”.

Từ góc độ giáo viên, thầy Trịnh Quỳnh (trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định) chia sẻ: “Giáo dục nghiêm khắc là điều cần thiết, nhất là khi ý thức tự giác tuân thủ các quy tắc, tuân thủ pháp luật của người Việt mình còn rất hạn chế, từ việc đi đúng giờ, đổ rác đúng chỗ, đi đúng làn đường, xếp hàng nơi công cộng... Thế nhưng, hà khắc thì lại khác. Kiểu giáo dục này thường thấy trong một số nền giáo dục coi trọng thành tích, vô tình đánh mất quyền tự do của mỗi cá nhân tạo nên những thế hệ “cá hộp” giống y như nhau. Học sinh cá tính, nổi loạn sẽ không bao giờ chấp nhận sự áp đặt khắt khe này”.

Giáo dục khắc nghiệt có tác dụng tốt không, liệu điểm số có quan trọng hơn niềm vui? ảnh 5

Khi được hỏi thầy có cho rằng cứ hà khắc là học sinh sẽ giỏi, giáo viên "nghiêm khắc" là học sinh sẽ ngoan ngoãn nghe lời hay không, câu trả lời của thầy Trịnh Quỳnh là: “Cần có những hình thức kỷ luật tích cực hơn. Việc chép phạt, làm kiểm điểm, mời phụ huynh sẽ chỉ tạo ra hình ảnh giáo viên xấu xí, thậm chí tạo nên sự chống đối từ học sinh thì chẳng giải quyết được gì. Giáo viên hãy hiểu, tâm lý của học sinh không phải sợ mà học, mà phải thích thì mới học được. Vì vậy, khen ngợi học sinh, lắng nghe ý kiến, đề xuất của học sinh là luôn phải làm. Thêm nữa, học sinh cũng có quyền tự do cá nhân riêng, thầy cô không nên cấm đoán thô bạo, ảnh hưởng không tốt đến học sinh”.

Từ kinh nghiệm bản thân, C.N (từng học ở THPT N.K) chia sẻ: “Nền giáo dục hà khắc, trọng thành tích chỉ như một “liều thuốc giảm đau” nhất thời, nhưng sẽ gây hại trong tương lai vì sẽ làm bạn mất định hướng. Khi học cấp Ba, các bạn hãy tham gia nhiều hoạt động mà mình thích, để biết mình là ai, muốn gì. Điểm số đẹp thì tốt, nhưng khi ra trường bạn sẽ thấy nó không còn quan trọng. Khi đã xác định cái quan trọng về lâu dài là kỹ năng, sự trưởng thành về cảm xúc, sự cạnh tranh về điểm số tự nhiên sẽ không còn quá “làm phiền” đến bạn. Lúc đó bạn sẽ thấy việc học có ý nghĩa nhiều hơn”.

Nếu được lựa chọn giữa một ngôi trường “đảm bảo đỗ đại học” nhưng áp dụng kỷ luật thép với một ngôi trường không hứa hẹn về điểm số nhưng mang lại cảm giác hạnh phúc trong học tập, bạn sẽ chọn ngôi trường nào?

KHÔI TRƯƠNG - HY DI

Ảnh trong bài chỉ mang tính minh họa, tổng hợp từ Internet

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?

Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?

HHT - Nắng nóng sẽ diễn ra tại hầu hết các địa phương trên cả nước trong dịp nghỉ lễ, nếu có kế hoạch du lịch, vui chơi ngoài trời cần chú ý bảo vệ sức khỏe, tăng cường chống nắng tránh nguy cơ say nóng, đột quỵ. Thế nhưng liệu Hà Nội có nóng tới tận 41 độ C như dự báo của các ứng dụng thời tiết?
Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn

Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn

HHT - Hoa hậu H'Hen Niê vừa có chuyến công tác tại tỉnh Điện Biên, hưởng ứng "Tháng Nhân đạo năm 2024 cấp Quốc gia", đồng hành cùng Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam trong chuỗi hoạt động “Hành trình nhân đạo, trao nhận yêu thương” hướng đến trẻ em, phụ nữ, người dân gặp khó khăn tại Điện Biên.