Giáo dục ngoài công lập chỉ mang tính chất “giải trí”

Các diễn giả trao đổi tại Hội nghị giáo dục 2019
Các diễn giả trao đổi tại Hội nghị giáo dục 2019
TPO - Tính đến năm 2019, Việt Nam mới chỉ có 68 trường đại học tư, trong khi có 170 trường đại học công lập. Riêng khối đại học, tỷ trọng ngoài công lập hiện nay chỉ chiếm 7% về số lượng trường và 6% số lượng sinh viên. Con số này ở cấp phổ thông còn thấp hơn nhiều, thực tế giáo dục ngoài công lập cấp phổ thông và đại học chỉ mang tính chất "trang trí" là chủ yếu.

Đó là nhận định của ông Lê Trường Tùng, chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT tại Hội nghị giáo dục 2019 với chủ đề “Định hướng tương lai” do Forbes Việt Nam tổ chức tại TPHCM vào hôm nay (ngày 10/10).

Phác họa lại bức tranh giáo dục của Việt Nam trong hơn 10 năm qua kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, cam kết mở cửa giáo dục như một dịch vụ, ông Tùng cho biết, đến hiện tại hệ thống giáo dục Việt Nam vẫn đang rất nặng về công lập với hơn 98% số trường và học sinh/sinh viên thuộc hệ thống trường công. Trong chủ trương chuyển đổi các trường bán công thành tư thục từ năm 2008 đến nay thì thực tế kết quả, hầu hết các trường bán công đã chuyển đổi thành công.

Các quan điểm về phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập cũng đã bị xác định lại từ định hướng “Tăng tỷ lệ trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học” sang  “phát triển hợp lý giáo dục công lập và ngoài công lập”. Trong mục tiêu đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam 2005-2020 theo nghị quyết 14/2005/NQ-CP, Chính phủ đặt mục tiêu phải đạt 200 sinh viên/1 vạn dân (2010), 450 sinh viên/1 vạn dân (2020).

Đến năm 2020, phải có 40% là sinh viên ngoài công lập, tuy nhiên thực tế tính đến thời điểm hiện tại tỉ lệ sinh viên ngoài công lập mới chỉ đạt khoảng 13%, tỷ lệ này gần như không thay đổi trong 20 năm qua. Cách tính tỉ lệ sinh viên/ vạn dân là không hợp lý bởi 1 vạn dân đó sẽ không ổn đinh do có sự góp mặt của trẻ em, người già. Nếu tính chính xác thì phải dựa trên độ tuổi (từ 18- 25)…

“Tính đến năm 2019, Việt Nam mới chỉ có 68 trường đại học tư, trong khi có 170 trường đại học công lập. Riêng khối đại học, tỷ trọng ngoài công lập hiện nay chỉ chiếm 7% về số lượng trường và 6% số lượng sinh viên. Con số này ở cấp phổ thông còn thấp hơn nhiều, thực tế giáo dục ngoài công lập cấp phổ thông và đại học chỉ mang tính chất trang trí là chủ yếu”, ông Tùng dẫn chứng.

Giáo dục ngoài công lập chỉ mang tính chất “giải trí” ảnh 1

Ông Lê Trường Tùng, chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT phát biểu tại Hội nghị

Cũng theo ông Tùng, để thúc đẩy giáo dục phát triển tương xứng với tăng trưởng kinh tế thì phát triển hệ thống ngoài công lập là phần không thể thiếu. Tuy nhiên chi phí đào tạo trên đầu người mỗi năm của hệ đại học Việt Nam đang ở mức thấp của thế giới.

“Muốn tăng chất lượng giáo dục ngoài công lập thì việc gia tăng chi phí học tập trên đầu người là cần thiết. Ngoài công lập có sự năng động, từ đó có thể gây sức ép lên công lập trong thay đổi hệ thống giáo dục. Bên cạnh đó, ông cũng gợi ý, ngoài mô hình trường công lập và ngoài công lập như hiện nay, Việt Nam cũng nên tham khảo thêm một số mô hình như đối tác công tư PPP, nhà nước đầu tư, tư nhân vận hành và ngược lại, cũng như mô hình giáo dục đáp ứng được quá trình chuyển đổi kinh tế số”, ông Tùng nói.

Trong khi đó, nói về cách học mới, ông Nguyễn Quốc Toàn, Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành, nhấn mạnh về vai trò của công nghệ trong việc đa dạng hoá các phương pháp học tập, bên cạnh những cách học truyền thống. Về bản chất, cách học mới chỉ có 2 phần : Tập trung nhấn mạnh trải nghiệm của người học và cá nhân hoá của giáo dục.

Ông Toàn cũng đưa ra 4 cách học mới: học 1:1; học tích hợp; học trực tuyến; học thích ứng. Tất cả 4 phương pháp học tập nói trên tập trung vào trải nghiệm của người học và cá nhân hoá giáo dục theo nhu cầu của từng học sinh. Và công nghệ sẽ là chìa khoá để giúp mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Công nghệ mang đến thực hành, mô phỏng, game hoá và tích hợp: học mổ, học y có cấu trúc 3D để mô phỏng, thực hành, vừa chơi game vừa học lịch sử.

Tuy nhiên, công nghệ không phải là chìa khoá quyết định thành công của cách học mới, công nghệ cũng không phải là cứu cánh mà chỉ giúp đỡ thầy cô dễ dàng hơn trong việc truyền tải kiến thức. Và công nghệ chắc chắn không bao giờ thay thế được vai trò của người thầy, cũng như học online không thể thay thế cho các phương pháp giáo dục truyền thống.

MỚI - NÓNG