Giao lưu văn hóa chính là sức mạnh mềm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chuyên gia cho rằng, giao lưu văn hóa - nghệ thuật chính là sức mạnh mềm quan trọng, giúp quan hệ Việt - Trung ngày càng bền chặt.

Ông Nguyễn Vinh Quang (Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, Cố vấn cao cấp Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương):Giao lưu nhân văn

Tôi nghĩ rằng, bản thân tôi và Hội Hữu nghị đã nỗ lực để làm cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc ngày càng khăng khít, ngày càng phát triển tốt đẹp, không quên quá khứ. Ông Tập Cận Bình từng nói: “Không quên nguyện ước ban đầu”, và tôi đã có những đóng góp theo tinh thần đó. Năm 2025, lãnh đạo hai bên nhất trí lấy năm này làm Năm Giao lưu Nhân văn. Đây là một dấu mốc quan trọng, kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Trung. Tôi cho rằng, tình hữu nghị phải được xây dựng trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, thông cảm lẫn nhau. Những năm gần đây, giao lưu con người, hay là giao lưu nhân văn, được làm rất tốt, nhất là giao lưu giữa thế hệ trẻ hai nước.

Giao lưu văn hóa chính là sức mạnh mềm ảnh 1

Buổi biểu diễn có sự kết hợp của các nghệ sĩ ưu tú Việt Nam và Trung Quốc trong khuôn khổ tọa đàm giao lưu văn hóa - nghệ thuật giữa hai nước. Ảnh: nhahatmuaroivietnam.vn

Tôi thường nhấn mạnh vai trò của giao lưu, đặc biệt là giao lưu nhân văn, tức giao lưu giữa con người với con người. Hai dân tộc Việt - Trung đã giao lưu hàng nghìn năm, hai Đảng giao lưu 100 năm, và hai Nhà nước giao lưu 75 năm. Nếu không có sự hiểu biết lẫn nhau, quan hệ hữu nghị sẽ khó bền vững.

Người Trung Quốc nói Trung Quốc và Việt Nam có “văn hoá tương thông”. Bản thân tôi rất quan tâm đến văn hóa - nghệ thuật. Tôi từng có nhiều buổi nói chuyện trên Truyền hình Trung Quốc về những điểm tương đồng giữa Tết Việt Nam và Tết Trung Quốc. Tôi cũng giới thiệu âm nhạc Việt Nam trên Đài Phát thanh Bắc Kinh, ba buổi liên tiếp, mỗi buổi 50 phút. Dù điều kiện ngày xưa rất khó khăn, tôi vẫn cố gắng làm để giúp hai bên hiểu nhau hơn qua văn hóa. Tôi tin rằng, giao lưu văn hóa - nghệ thuật chính là sức mạnh mềm quan trọng, giúp quan hệ Việt - Trung ngày càng bền chặt.

Tiến sĩ, giảng viên, dịch giả văn học Nguyễn Thị Minh Thương:Hợp tác văn học

Những năm gần đây, Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều giao lưu, hợp tác ý nghĩa trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, văn học nghệ thuật. Bản thân tôi cũng được thụ hưởng thành quả của sự giao lưu, hợp tác này.

Tôi đã dịch tiểu thuyết “Kiên ngạnh như thủy”, “Đinh trang mộng” của Diêm Liên Khoa, “Phồn hoa” của Kim Vũ Trừng và đang hoàn thành bản dịch bộ tiểu thuyết ba tập “Thế giới bình thường” của Lộ Dao do Tập đoàn Xuất bản Bắc Kinh xuất bản - một tập đoàn xuất bản tổng hợp lớn ở Trung Quốc có quan hệ hợp tác với nhiều nhà xuất bản ở Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết viết về những thăng trầm của nông thôn Trung Quốc, về những người trẻ tuổi nỗ lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn đã gây xúc động và truyền cảm hứng cho hàng triệu thanh niên Trung Quốc về hành trình trưởng thành và thực hiện lí tưởng.

Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình rất quan tâm đến “Thế giới bình thường”, từng nói rằng tiểu thuyết này đã tác động đến cả một thế hệ, đồng thời tiết lộ “Tôi và Lộ Dao từng sống trong cùng một nhà hang” (một dạng kiến trúc nhà ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc). Tôi hy vọng lãnh đạo hai nước Việt-Trung sẽ tiếp tục thúc đẩy và phát triển quan hệ hợp tác trao đổi giáo dục, hợp tác văn học nghệ thuật giữa Việt Nam và Trung Quốc lên một tầm cao mới, có nhiều dự án trao đổi đào tạo cho học sinh, sinh viên, giảng viên và các dự án hợp tác văn hóa, văn học nghệ thuật của hai nước, để có thể đưa được nhiều hơn nữa thành tựu văn học nghệ thuật của nước ta đến với công chúng Trung Quốc và ngược lại.

Họa sĩ Đào Hải Phong: Giao lưu hội họa

Từ khi còn là thiếu niên, tôi đã bị chinh phục bởi văn hoá Trung Quốc với những tác phẩm văn học đồ sộ như “Tam quốc chí”, “Hồng lâu mộng”, “Thủy hử”… Đặc biệt, Trung Quốc có dòng tranh thuỷ mạc là quốc họa, cũng là sự nhận diện với thế giới một loại hình nghệ thuật độc đáo đậm chất Đông phương với những tác giả lớn như Tề Bạch Thạch, Từ Bi Hồng… mà không một hoạ sĩ nào của Việt Nam không biết.

Ở những thập niên 80 của thế kỷ trước, mỹ thuật đương đại Trung Quốc với dòng nghệ thuật mới mang tên Mao Pop đã gây ấn tượng vô cùng mạnh mẽ với công chúng trên thế giới qua những tên tuổi như Wu Guanzhong, Zhang Xiaogang, Yue Minjun… với lối tả cực thực rất đương đại. Những tác giả này đã gây ảnh hưởng tích cực đến các họa sĩ Việt Nam về quan niệm mới, cũng như suy nghĩ thay đổi cho một cách nhìn cũ.

Năm 2014, tôi được một nhóm nhà sưu tập Trung Quốc trưng bày tranh của tôi cùng các họa sĩ Việt Nam khác tại Bảo tàng Thượng Hải. Qua đó cho thấy sự giao thoa văn hoá rõ rệt ở mảng hội họa, minh chứng sự đồng cảm nhân văn của giới nghệ sĩ hai dân tộc. Tôi tin rằng, chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao sẽ mở rộng thêm một lộ trình hữu nghị tốt đẹp, cũng như một tín hiệu tích cực để các họa sĩ Việt Nam và Trung Quốc có thể có nhiều triển lãm trưng bày cùng nhau ở hai nước, giúp công chúng yêu hội họa thấy được sự đồng điệu và sự giàu có của nền văn hoá Đông phương.

Bà Trần Thị Thanh Liêm (Phó Trưởng Khoa Ngoại ngữ - ĐH Đông Đô, Phó Trưởng khoa Ngôn ngữ Trung Quốc - Cao đẳng Ngoại ngữ, Công nghệ & Truyền thông): Cầu nối ngôn ngữ

Quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Trung Quốc đang phát triển rất tốt, nhất là về thương mại, đầu tư, giáo dục, văn hóa… Những lĩnh vực này càng phát triển thì càng cần nhiều người biết tiếng Việt, biết tiếng Trung. Tương lai sẽ có thêm nhiều sinh viên Trung Quốc sang Việt Nam học tiếng Việt cũng như thêm nhiều sinh viên Việt Nam học tiếng Trung và họ đóng vai trò cầu nối hợp tác kinh doanh, đầu tư, giáo dục… giữa hai nước.

Nhiều người Trung Quốc thích tìm hiểu du lịch, âm nhạc, văn chương, nghệ thuật ẩm thực Việt Nam, rồi giới thiệu, chia sẻ với người khác, góp phần quảng bá văn hóa-nghệ thuật Việt Nam sang Trung Quốc, lan tỏa ra thế giới. Để biết được nhiều thông tin hơn một cách nhanh chóng hơn với độ chính xác cao hơn thì không có cách nào tốt hơn là thông qua con đường ngôn ngữ.

Tôi mong sự hợp tác giáo dục-đào tạo giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng sâu rộng hơn. Mong sinh viên Việt Nam nhận được nhiều hơn học bổng du học ở Trung Quốc, nhất là về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Trung. Cũng mong tăng cường hợp tác biên soạn giáo trình, tổ chức hội thảo khoa học, trại hè, trại đông, góp phần chấn hưng ngành giáo dục của cả hai nước Việt-Trung.

MỚI - NÓNG
Một ngày giàu cảm xúc của 234 golfer trên sân golf Tân Sơn Nhất
Một ngày giàu cảm xúc của 234 golfer trên sân golf Tân Sơn Nhất
TPO - Nhằm tạo nên một sân chơi bổ ích, góp phần thúc đẩy sự phát triển của golf Việt, vậy nên Tiền Phong Golf Championship - Non sông một dải mở rộng về thành phần thi đấu, quy tụ rất nhiều golfer kể cả golfer chuyên nghiệp lẫn golfer nghiệp dư, cả nam cả nữ, không phân biệt lứa tuổi và có những golfer quốc tịch nước ngoài đều có thể tham gia.
Bình luận