Giáo viên Ngữ văn phản đối đề xuất bỏ "Chí Phèo" ra khỏi sách giáo khóa

Giáo viên Ngữ văn phản đối đề xuất bỏ "Chí Phèo" ra khỏi sách giáo khóa
HHT - Nhiều giáo viên, nhà nghiên cứu đánh giá đề xuất của nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền là phiến diện và chủ quan.

Nhiều người tranh luận trước đề xuất loại bỏ tác phẩm Chí Phèo (tác giả Nam Cao) ra khỏi SGK Ngữ văn lớp 11 của nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Newcastle (Australia) Nguyễn Sóng Hiền. Tác giả cho rằng tác phẩm văn học này không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục, ngược lại có thể có tác động xấu đến nhận thức của học sinh.

Giáo viên Ngữ văn phản đối đề xuất bỏ "Chí Phèo" ra khỏi sách giáo khóa ảnh 1

Hình ảnh Chí Phèo - Thị Nở được tái hiện trên màn ảnh.

Lập luận của tác giả đưa ra: "Chí là người tốt hay người xấu?" hay "Chí có nên cưỡng hiếp Thị Nở?" để rồi đi đến kết luận Chí Phèo là kẻ xấu. "Chúng ta phải kịch liệt phê phán và phản đối những hành vi lưu manh, thú tính của hắn. Vì thế, tác phẩm này không nên có mặt trong SGK Ngữ Văn, tránh làm ảnh hưởng đến cả một thế hệ", Sóng Hiền rút ra vấn đề.

Lập luận của tác giả Nguyễn Sóng Hiền nhận phải làn sóng phản ứng khi có nhiều người không đồng tình.

Cùng nghe một số giáo viên Ngữ Văn, nhà nghiên cứu chia sẻ về sự việc:

Thầy Đỗ Đức Anh (giáo viên THPT Bùi Thị Xuân, TP HCM) nhìn nhận: "Tư duy phản biện là tốt nhưng phải khách quan, khoa học và sâu sắc. Việc một mình đi ngược lại tư duy của đám đông là dũng cảm. Những tranh luận, phản biện như thế này là cần thiết vì giúp chúng ta ngộ ra nhiều điều. Tuy nhiên, khi tranh luận cần đứng ở góc độ khách quan để không đưa ra những ý kiến, đánh giá sai lệch".

Trước đề xuất loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi SGK, thầy Đức Anh nhìn nhận tác giả đang lấy cái nhìn và tư duy hiện đại để áp đặt cho một tác phẩm ở thời kỳ thực dân, phong kiến. "Bỏ qua góc nhìn nghệ thuật văn chương để hiểu tác phẩm ở góc độ trần trụi, thẳng tưng như vậy là có phần hời hợt, phiến diện và áp đặt", thầy Đức Anh nói.

Giáo viên Ngữ văn phản đối đề xuất bỏ "Chí Phèo" ra khỏi sách giáo khóa ảnh 2

Thầy giáo Ngữ Văn Đỗ Đức Anh.

Thầy Đức Anh nhớ lại thời học sinh đã cảm nhận Chí Phèo: "Tôi có bị tác phẩm ấy tiêm nhiễm vào đầu những suy nghĩ trở thành một kẻ lưu manh, coi việc cướp giết hiếp là để ngợi ca hay không? Hoàn toàn không! Tôi nhớ rất rõ trong ký ức học sinh phổ thông của mình cho đến tận bây giờ, Chí vẫn là một con người với khát khao hoàn lương, với mơ ước giản dị về hạnh phúc, với cả sự cháy bỏng được làm một người lương thiện. Chí yêu chân thành và tỏ bày nó chân thành. Nhiều bạn bè của tôi, họ cũng tuyệt nhiên không nhìn nhận tác phẩm nói về một cuộc cưỡng hiếp trong vườn chuối".

Thầy Đức Anh cho biết, khi giảng dạy học trò mình không nhìn lưỡi dao vấy máu của Chí khi giết Bá Kiến và tự kết liễu đời mình trên một vũng máu tươi là hành động man rợ của một kẻ giết người. Đó cũng không phải hành động trả thù đơn thuần.

"Ở góc độ giáo dục, tôi không nghĩ Chí ảnh hướng xấu đến tâm lý của những học sinh 16 -17 tuổi. Tôi còn nhớ những cô cậu học trò của mình trong ngày rời trường phổ thông đã viết lại những dòng này thay lời tạm biệt: 'Con sẽ là một người tử tế. Tử tế trong cuộc sống, công việc, trong cách sống và các mối quan hệ của mình. Bài học này nhờ nghe những lời giảng của thầy về Chí Phèo mà con nhận ra được'. Khi dạy tác phẩm Chí Phèo tôi chỉ cần có thế. Một chữ TỬ TẾ để học trò mang theo suốt cả cuộc đời", thầy Đức Anh đúc kết.

Hoàng Ngọc (giáo viên THPT Phú Nhuận, TP HCM) cũng đồng quan điểm không thể loại bỏ tác phẩm này ra chương trình Ngữ văn. "Đoạn trích dạy trong SGK có nội dung Chí Phèo khao khát được quay trở lại làm người lương thiện, khao khát được yêu thương. Nó nói về sự tha hoá, những hành vi lưu manh, thú tính để sau đó nổi bật lên nhân tính của một con người. Tác phẩm giúp học trò nhận thức được điều xấu để tránh và nó mang tính giáo dục chứ không phải cổ súy người khác qua những hành động của nhân vật trong tác phẩm", cô Ngọc nói.

Nói về quan điểm của tác giả Sóng Hiền, cô Hoàng Ngọc nhìn nhận: "Ý kiến này với tôi mang tính chủ quan. Khi tiếp nhận văn học, mỗi người sẽ có những cách suy nghĩ và nhận định riêng nhưng cần đi theo chuẩn mực, thước đo giá trị đạo đức của con người. Một tác phẩm hay, giá trị ở chỗ nó sống được với thời gian và luôn có sự tranh luận, đấu tranh đi tìm lý lẽ. Tựu trung lại đều hướng về tính thiện, hướng về một tương lai tốt đẹp. Chỉ cần nhắc đến Chí Phèo, người ta đã biết ngay đó là người như thế nào. Quan trọng ở phần giáo dục khi đứng lớp, thầy cô phải truyền tải được tính giáo dục đó tới học trò".

Thầy Lê Đông, cựu tổ trưởng môn Ngữ Văn trường THPT Anh Sơn 3, Nghệ An, cũng phản đối việc loại bỏ tác phẩm như đề xuất. "Có những tác phẩm như Chí Phèo mới thấy xã hội ngày nay ưu việt hơn. Đồng thời, học sinh ngày nay mới hiểu và yêu thương cha ông ngày xưa", thầy giáo nói.

Trả lời báo giới, Tiến sĩ Trịnh Tuyết Thu nhận định phân tích của tác giả Sóng Hiền mang bóng dáng của cách cảm nhận văn học những năm 50-60 của thế kỷ trước. Đó là cách cảm thụ theo kiểu xã hội học dung tục, đọc tác phẩm không logic từ bên trong, không thẩm thấu được nguyên tắc thẩm mỹ, sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo hình tượng của tác giả với nhiều tầng nghĩa sâu xa. Tác giả chỉ sử dụng những tiêu chí đạo đức xã hội bên ngoài áp đặt vào.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông mới, cũng nhận định phân tích của tác giả Sóng Hiền còn non nớt, dung tục. Ông nhận định, Chí Phèo là kiệt tác, luôn xứng đáng tồn tại trong nền văn học nước nhà.

Chí Phèo được viết vào năm 1941. Trước khi có cái tên cuối cùng, tác phẩm này từng được đặt tên Cái lò gạch cũ, rồi Đôi lứa xứng đôi. Đây là tác phẩm văn học kinh điển của dòng văn học hiện thực phê phán nói về tấn bi kịch của người nông dân bị tha hóa trong xã hội lúc bấy giờ.

Tác phẩm được đưa vào SGK THPT giảng dạy, từng được chuyển thể thành phim Làng Vũ Đại ngày ấy (đạo diễn Phạm Văn Khoa) năm 1982.

TÂN TÂN - Theo: ione.vnexpress.net

Theo ione.vnexpress.net
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Bản đồ sét khó tin ở Tây Ban Nha: Có nơi chịu 20.000 tia sét trong hơn một giờ

Bản đồ sét khó tin ở Tây Ban Nha: Có nơi chịu 20.000 tia sét trong hơn một giờ

HHT - Tây Ban Nha đã phải chịu thảm họa lũ lụt trong tuần này. Mưa lớn không ngừng khiến nước, bùn và vô số mảnh vụn cuồn cuộn đổ vào các đường phố, tạo nên những cảnh tượng như trong các bộ phim tận thế. Nhưng không chỉ có mưa, mà nhiều nơi ở Tây Ban Nha còn phải chịu số tia sét kỷ lục trong vài ngày gần đây.