“Giật mình” khi thấy một trường làng có tới 30 khoản thu khác nhau đầu năm học

“Giật mình” khi thấy một trường làng có tới 30 khoản thu khác nhau đầu năm học
HHT - Không những “tiền trảm hậu tấu” kiểu xây dựng xong, mua sắm xong rồi "đè cổ" phụ huynh ra thu mà Trường Tiểu học Yên Phong (huyện Yên Định, Thanh Hóa) còn thẳng tay thu những khoản không được thu. T

“Ma trận” khoản thu!

Là một ngôi trường ở vùng quê nhưng Trường Tiểu học Yên Phong có đến ngót 30 khoản thu (đối với học sinh bán trú). Trong đó bao gồm cả những khoản thu theo quy định, những khoản không được phép thu và thu xã hội hóa. Tổng cho 30 khoản ấy, phụ huynh phải đóng đến gần 8 triệu (bao gồm cả tiền ăn) cho con.

Ngoài những khoản thu theo quy định, hàng loạt các khoản thu được giáo viên viết lên bảng như: lệ phí tuyển sinh lớp 1: 50.000đ; học bạ+ phong bì: 20.000đ; thẻ HS: 25.000đ; vở ô ly theo quy định (tùy theo từng khối mà nhà trường bắt lấy 6 cuốn hay 10 cuốn), giá cho 1 cuốn là 7.000đ; giấy thi: 70.000đ/HS; trông trẻ ngoài giờ: 935.000đ; bàn ghế HS (đối với HS lớp 1): 180.000đ; Qũy hội cha mẹ HS: 150.000đ; sách vở nhà trường: 101.000đ; đồng phục mùa đông: 170.000đ; đồng phục mùa hè 170.000đ; ghế sân trường; sách Tiếng Anh, Câu lạc bộ...

“Giật mình” khi thấy một trường làng có tới 30 khoản thu khác nhau đầu năm học ảnh 1
Hàng chục khoản thu được phụ huynh ghi lại sau buổi họp phụ huynh.

Đáng lưu ý, ngay cả khoản thu đã có quy định trong Công văn của Sở GD&ĐT không được thu nhưng trường này vẫn “đè cổ” phụ huynh thu tiền bảo vệ trường với mức: 40.000đ/hs; tiền sửa điện, máy tính: 40.000đ/HS….

Một phụ huynh có 2 con đang học tại Trường Tiểu học Yên Phong bức xúc: “Nhà trường bày ra đủ các loại khoản thu để tận thu của HS. Giấy thi nhà trường thu tới 70.000/HS, giấy thi đáng bao nhiêu tiền, một năm HS tiểu học thi mấy lần mà thu nhiều như thế. Vở thì năm nay bày ra trò in lô gô trường để bắt HS phải mua với giá 7.000 đ/cuốn. Cuối năm nói mỗi HS chỉ dùng 5-6 cuốn, bây giờ bắt mua tới 10 cuốn. Con nhà tôi được HS giỏi cuối năm ngoái đã được thưởng mấy cuốn vở, vào đầu năm tôi lại mua cho con giờ nhà trường bắt dùng vở của nhà trường thành ra những cuốn này bỏ không rất lãng phí”.

“Giật mình” khi thấy một trường làng có tới 30 khoản thu khác nhau đầu năm học ảnh 2
“Giật mình” khi thấy một trường làng có tới 30 khoản thu khác nhau đầu năm học ảnh 3
Ngoài mua sách từ Phòng giao về cho trường, Trường Tiểu học Yên Phong còn in vở có lô gô trường bán cho học sinh.

“Quy định không được thu tiền bảo vệ trường, không được thu sửa chữa điện nhưng nhà trường vẫn đưa ra để bắt phụ huynh đóng. Tiền quần áo đồng phục mùa đông, mùa hè cũng phải do cha mẹ HS thống nhất với nhau nhưng nhà trường cũng "thò tay" vào áp đặt HS may và bắt đóng tiền.

Tiền vệ sinh thì thu các cháu tận 60.000đ nhưng con đi học vẫn phải quét lớp, sân trường, còn thi thoảng mới thấy có người quét khu nhà vệ sinh. Nhiều hôm con đi học không dám đi vệ sinh, phải nhịn về nhà vì quá bẩn” - phụ huynh khác cho biết.

Đặc biệt, rất nhiều phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 thì vô cùng phẫn nộ việc những năm qua khi hiệu trưởng cũ còn ở đây thì HS lớp 1 không phải đóng tiền bàn ghế. Năm nay, hiệu trưởng mới bắt đóng mỗi cháu 180.000đ.

Không những vậy, phụ huynh cũng cho rằng nhà trường “ép” HS phải cho con học tiết trông trẻ. “Giờ trông trẻ là nhu cầu, ai muốn thì đăng ký không thì thôi nhưng nhà trường cũng gần như “ép” buộc phụ huynh phải cho con học giờ đó. Nếu nhà nào không cho con học giờ đó mà đón về là giáo viên chủ nhiệm thể hiện thái độ ngay” - một phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Yên Phong bất bình.

Phụ huynh này cũng cho biết, nhà trường bảo đã trừ 2 tuần đầu tháng 9 chưa học không thu mà phụ huynh tính chia ra thì nhà trường đã thu 37 tuần 4 ngày. Không biết một năm học bao nhiêu tuần chính thức nữa. Cách nhà trường thu thế, có lẽ một năm học tận 41 tuần.

“Tiền trảm hậu tấu”.

Ngoài việc phải đóng liên tục trong 2-3 năm ủng hộ để xây nhà đa năng, HS lớp 1: 400.000đ, HS lớp 2: 300.000đ, lớp 3: 250.000đ, lớp 4: 200.0000đ và lớp 5 là 100.000đ thì HS tại trường này còn phải đóng tiền xây khuôn viên, bồn hoa: 250.000đ/HS. Riêng đối với HS bán trú còn thêm khoản cơ sở vật chất: 300.000đ/HS.

“Giật mình” khi thấy một trường làng có tới 30 khoản thu khác nhau đầu năm học ảnh 4
Khuôn viên sân trường sau khi làm xong thì đè cổ phụ huynh ra thu 250.000đ.

Lãnh đạo Trường Tiểu học Yên Phong còn đưa ra mức thu 65.0000đ/HS để mua dù che sân trường.

Việc ủng hộ xây nhà đa năng thì phụ huynh được xã đưa ra bàn bạc, thống nhất. Tuy nhiên, khoản tiền xây dựng khuôn viên, bồn hoa và mua dù, phụ huynh không hề được biết chi phí làm hết bao nhiêu. Ban đầu trường này cũng không  đưa ra bất cứ dự toán nào để bàn bạc với phụ huynh.

Phụ huynh có con học lớp 3 cho biết: “Nhà trường tự làm khuôn viên, bồn hoa, tự mua dù rồi đầu năm học cứ ấn định bắt phụ huynh phải đóng. Bây giờ, họ nói làm hết bao nhiêu phụ huynh biết bấy nhiêu chứ làm sao biết được có đúng nhà trường làm hết chừng ấy tiền không. Ngay cả việc làm dù sân trường, có người nói hết 18 triệu, nhưng nhà trường thông báo hết 28 triệu. Trong buổi họp phụ huynh đã có rất nhiều người có ý kiến, yêu cầu nhà trường giải thích thỏa đáng thì mới đóng tiền cho con. Tuy nhiên, hiệu trưởng không xuất hiện, chỉ có thầy hiệu phó lên nhưng cũng không giải thích được bất cứ câu hỏi nào của phụ huynh”.

“Giật mình” khi thấy một trường làng có tới 30 khoản thu khác nhau đầu năm học ảnh 5
Trường Tiểu học Yên Phong- nơi phụ huynh rùng mình với hàng chục khoản thu.

Trao đổi với PV , ông Lê Huy Biên, Hiệu phó Trường Tiểu học Yên Phong cho biết: “Trước khi đưa ra họp phụ huynh, nhà trường đã báo cáo Ủy ban xã, xã họp hội giáo dục của xã, thống nhất thu khoản gì mới đưa ra phụ huynh. Sau khi họp phụ huynh bàn bạc thống nhất, lập biên bản mới báo cáo lại xã. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, sau khi họp phụ huynh thì hiệu trưởng bị ốm đang đi điều trị ở Hà Nội nên chưa tổng hợp để báo cáo. Vì thế, chúng tôi cũng chưa thu khoản nào”.

Ông Biên cũng phân trần việc thu có hơi nhiều khoản và có những khoản làm xong rồi mới thu tiền của HS là do năm ngoái đón chuẩn mức độ 2 nên phải làm cho kịp.

Tất cả mọi biên bản họp phụ huynh, dự toán thu chi được ông Biên cho biết hiệu trưởng giữ hết nên ông không thể cung cấp được.

Trái với việc khẳng định chưa thu tiền nhưng nhiều phụ huynh cho biết đã đóng nhiều khoản tiền từ đầu năm đến nay cho nhà trường, chỉ còn một số khoản chưa nhất trí nên phụ huynh phản đối chưa đóng.

Liên quan đến việc trên, ông Lê Việt Hòa, Phó phòng GD&ĐT huyện Yên Định cho biết, Trường Tiểu học Yên Phong đã gửi danh sách các khoản thu cho Phòng duyệt. Tuy nhiên, có nhiều khoản PV phản ánh, nhà trường không đưa vào danh sách nên phòng không nắm được. “PV phản ánh khoản nào trường thu không đúng, chúng tôi sẽ trao đổi với hiệu trưởng chấn chỉnh lại ngay” - ông Hòa cho biết thêm.

Theo dantri.com.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Tổ chức đề cử, giới thiệu các Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024

Tổ chức đề cử, giới thiệu các Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024

Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 - 31/12/2024.
Thu hút và giữ chân nhân sự ngành thương mại điện tử: Những nhận định từ CEO Phí Đình Liệu

Thu hút và giữ chân nhân sự ngành thương mại điện tử: Những nhận định từ CEO Phí Đình Liệu

Ngành thương mại điện tử (TMĐT) hiện nay phát triển mạnh mẽ, mang lại cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt trong việc thu hút và giữ chân nhân sự chất lượng. Các công ty, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng khi nguồn nhân lực có chuyên môn và kinh nghiệm vẫn còn thiếu hụt so với nhu cầu.