Giờ đi ngủ của bạn nói lên rất nhiều điều – và bí quyết để bạn thay đổi

Giờ đi ngủ của bạn nói lên rất nhiều điều – và bí quyết để bạn thay đổi
HHT - Bạn chỉ cần tiết lộ giờ đi ngủ của mình, là một phần tính cách của bạn sẽ được thể hiện. Và còn có “tip tip” nếu bạn muốn chỉnh đồng hồ sinh học của cơ thể nữa chứ!

Bạn có thói quen đi ngủ sớm, dậy sớm, hay là thức khuya và hôm sau dậy muộn? Bạn thường lên giường đi ngủ vào khoảng giờ nào trong các khung giờ dưới đây:

a. Trước 10h tối.

b. Từ 10h đến khoảng 12h đêm.

c. Từ khoảng 1-2h sáng hoặc muộn hơn.

*Trước hết, khung giờ đi ngủ sẽ nói lên một chút về tính cách con người bạn đây:

a. Những người quen đi ngủ sớm thường có trách nhiệm.

“Những chú chim chiền chiện” lên giường sớm, sáng dậy sớm thường có sức khỏe tốt, tỉnh dậy tươi mới, thoải mái, và cũng thường cảm thấy mình hoạt động tốt nhất vào buổi sáng.

Đây là mẫu người có trách nhiệm, tận tâm, biết chú ý đến người khác, luôn cố gắng để có mặt ở nơi mình cần và rất nhanh nhẹn, rất nhạy cảm với môi trường xung quanh, dễ để ý thấy những thay đổi dù nhỏ nhất.

Những người đi ngủ sớm được gọi là “những chú chim chiền chiện”.

b. Những người đi ngủ vào khoảng 10-12h đêm được coi là giờ đi ngủ bình thường, và họ thường là những người cân bằng.

Đây là mẫu người mềm dẻo, dễ thích nghi, luôn tìm kiếm sự cân bằng trong mỗi tình huống.

Họ chăm chỉ nhưng cũng biết nghỉ ngơi. Không phải lúc nào họ cũng đi ngủ đúng một giờ nhất định, nhưng họ thường biết sắp xếp giờ giấc ngủ nghỉ hợp lý. Họ cố gắng hết sức, nhưng không đặt cho mình những tiêu chuẩn phi thực tế.

c. Những người thức rất khuya thường có tính cách hơi kỳ lạ.

Đây là mẫu người thích làm mọi việc của riêng mình, không thích ai làm phiền, cho dù họ có phải hy sinh sức khỏe một chút (hoặc nhiều chút).

Họ có thể có tính nghệ sĩ, sáng tạo, nhiều cảm hứng, và thường quên cả thời gian mỗi khi chìm đắm vào một công việc gì đó. Vì vậy, họ có xu hướng không sắp xếp thời gian biểu rõ ràng và cũng không chăm sóc bản thân cẩn thận lắm.

Những người thức rất khuya thường không thích bị ai làm phiền.

*Nếu bạn muốn thay đổi giờ ngủ, ví dụ, lùi giờ ngủ lại muộn hơn một chút (nếu bạn thường buồn ngủ quá sớm) hoặc đi ngủ sớm hơn một chút (nếu bạn thường xuyên thức quá khuya), hãy tận dụng những tip tip sau đây từ các nghiên cứu về đồng hồ sinh học của cơ thể nhé:

- Nếu bạn thường buồn ngủ quá sớm và dậy cũng quá sớm:

Bạn nên đi ra ngoài một lúc, hay tập thể dục nhẹ vào buổi chiều tối hoặc tối. Cách này sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn, thức được khuya hơn một chút, và buổi sáng cũng sẽ ngủ nhiều hơn được một chút chứ không bị tỉnh dậy quá sớm.

Buổi tối, bạn cũng có thể gặp gỡ hoặc gọi điện cho bạn bè thay vì chỉ ngồi xem TV hoặc điện thoại.

Khi đi ngủ, bạn nên kéo rèm cửa sổ kín lại, để tránh việc những tia sáng đầu tiên đã đánh thức bạn.

Nếu luôn buồn ngủ quá sớm hoặc luôn bị thức quá khuya thì bạn đều nên điều chỉnh một chút.

- Nếu bạn thức rất khuya dù không cần thiết, và sáng thì rất khó dậy đúng giờ:

Bạn chỉ nên dùng rèm mỏng hoặc không kéo rèm cửa sổ, để buổi sáng có ánh sáng lọt vào phòng thật sớm. Tất nhiên, vẫn đặt đồng hồ báo thức.

Ngay khi dậy, hãy đi ra ngoài trời để tập thể dục cho tỉnh táo, hoạt bát.

Kể cả cuối tuần và ngày nghỉ, bạn cũng nên dậy cùng một giờ để "neo" chiếc đồng hồ sinh học của mình. Nếu có đêm nào mà bạn thức khuya hơn, cũng không ngủ nướng vào sáng hôm sau.

Chuẩn bị sẵn vào tối hôm trước: Chọn sẵn quần áo của ngày hôm sau, chuẩn bị bữa sáng của hôm sau…, để khi tỉnh dậy, bạn không phải cuống lên làm mọi việc.

Lưu ý là dù thế nào, bạn cũng không nên liên tục thức khuya nhé (ví dụ, ngày nào cũng thức đến 1-2 giờ sáng), vì việc này kéo dài sẽ làm thay đổi đồng hồ sinh học thông thường của cơ thể và gây ra bệnh lý đấy.

Theo INTERNET
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm