Không chỉ Chi Pu mới chơi chữ trong MV mới nhất Mời anh vào team (Y) em, giới trẻ cũng đang cực hào hứng với Punchline (viết tắt là pun) - cách biến hóa ngôn ngữ nhằm tạo ra cách hiểu thú vị, được xem là nghệ thuật sử dụng từ ngữ rất phổ biến trong tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác. Cùng nhà Hoa khám phá xem người trẻ đang chơi chữ thú vị thế nào nha!
“Bún gì mà không giả được? Bún real”
Những kiểu chơi chữ như thế bạn sẽ thấy rất nhiều ở trang Facebook Việt Pun. Như: Bão kêu tới nhưng bão không tới - thì bão bùng; Em bé đi lạc không nhớ mặt mẹ thì sẽ khóc who who; Nhà trường bắt phụ huynh đóng tiền không lý do thì quá fee lý…
Những cách chơi chữ đầy “mặn mà” này là mô-típ bài đăng của Việt Pun - trang Facebook thành lập từ năm 2017, với sứ mệnh mang lại tiếng cười cho người trẻ qua ngôn từ. Đến nay trang đã xấp xỉ 200 bài đăng, hài hước có, “sâu đíp” cũng có.
Vốn là giáo viên Tiếng Anh, anh Thành Trung - admin Việt Pun cho biết anh rất thích đọc và chia sẻ các câu chơi chữ bằng tiếng Anh. Thế rồi anh nghĩ “Tiếng Việt cũng có thể chơi chữ được mà”, và bắt đầu mày mò cùng hội bạn. Từ một nhóm chat chia sẻ những câu chơi chữ tiếng Việt với mục đích “lầy lội”, anh Trung đã quyết định lập trang Việt Pun để lan tỏa niềm vui ấy đến với nhiều người hơn.
Anh Trung bật mí, để úm-ba-la ra “một chiếc bipun” (pun sử dụng hai thứ tiếng), đầu tiên hãy nghĩ tới những từ tiếng Anh dễ phát âm hay phát âm giống tiếng Việt, rồi từ đó liên tưởng tới một tình huống. Chẳng hạn như: “Người mẫu thích đọc sách thì là người show sắc”.
Anh chia sẻ rằng chơi chữ là cơ hội tốt để tụi mình tìm tòi và hiểu thêm về tiếng mẹ đẻ. Những “chiếc pun” cũng là bằng chứng cho thấy tiếng Việt thực sự rất đa dạng và phong phú.
“Đừng lỡ lời để rồi trên đường đời ta lại lỡ nhau”
Trái với Việt Pun mang tinh thần “vui là chính”, Đồ Chơi Chữ là một “thanh niên nghiêm túc” chính hiệu. Các bài đăng của Đồ Chơi Chữ đều có nhiều lớp nghĩa song song khiến người đọc phải “xoắn não”, và khi hiểu được thì vừa gật gù vừa “kết”. Ví dụ như:
[Chuyện 4s] - Tớ kết cậu. - Còn chuyện mình thì kết thúc; [Chuyện Black Friday] - Em thích chiếc đầm này hay chiếc đầm này? - Không cần đâu anh. Cứ đầm ấm là đủ rồi; [Chuyện 5:25 pm] Trời dần tắt nắng, họ thích chiều hoàng hôn buông còn tôi thích chiều em; [Chuyện thể thao] Một cầu thủ bóng đá xuất sắc không chỉ cần cái chân khỏe, mà cần cả cái chân thật…
Không giống như loại hình chơi chữ chỉ cần ngẫm vài giây và bật cười ngay, Đồ Chơi Chữ thường khiến teen “hoang mang” một lúc. Nhưng cũng chính vì vậy mà mỗi khi bài vừa được lên sóng, teen liền nhanh chóng tag bạn bè vào thi xem ai đoán được nghĩa bóng “tốc độ” hơn. Anh Trí Dũng, một trong ba admin của trang, chia sẻ mục tiêu của trang là các câu chơi chữ phải đọng lại trong đầu mọi người chứ không “trôi tuột” đi theo bộ nhớ, và phải chứa đựng một quan điểm trong cuộc sống.
Trong tuần lễ 20/11 vừa rồi, Đồ Chơi Chữ cũng rất “bắt trend” khi cho lên một bài nhắn nhủ teen “Học giỏi thì được cúp, chứ không được cúp học giỏi” và được rất nhiều “con ngoan trò giỏi” bình luận, chia sẻ tích cực.
Chơi chữ có khó? Và đâu là nơi chuyện tình ta bắt đầu?
Chỉ cần một cú click chuột, teen mình có thể tìm ra vô số những trang chơi chữ bằng tiếng Anh nhưng tiếng Việt thì “hiếm có khó tìm”. Điều này không đồng nghĩa với việc tiếng Việt nghèo nàn về từ vựng hay “nghiêm túc” hơn. Từ xưa xửa xừa xưa, Trạng Quỳnh lúc sinh thời đã nổi tiếng vì là một tay chơi chữ thứ thiệt với những câu đối huyền thoại rồi mà.
Theo anh Thành Trung: “Chỉ cần đầu óc nhạy bén với câu chữ xung quanh và một tâm hồn “lấy tiếng cười làm tôn chỉ sống” là teen có thể sáng tạo những màn chơi chữ thú vị. Chẳng hạn như từ “mất mát” là do anh nghĩ ra khi thấy buồn vì mất đi chiếc máy lạnh thân yêu vào mùa Hè”. Trong khi đó với admin Đồ Chơi Chữ, chơi chữ là một cách thể hiện nhân sinh quan của bản thân.
Bắt đầu từ những ý tưởng nhỏ, hãy khiến mọi người cười to vì những chiếc pun của mình thử xem!